MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Afghanistan sau ngày định mệnh: Mỹ đang đau đầu, nhưng "cơn ốm sốt" của Trung Quốc có thể cũng sắp đến

20-08-2021 - 21:02 PM | Tài chính quốc tế

Afghanistan sau ngày định mệnh: Mỹ đang đau đầu, nhưng "cơn ốm sốt" của Trung Quốc có thể cũng sắp đến

Khoảng trống do Mỹ để lại không chỉ là một món lợi, mà bao gồm rất nhiều rủi ro, bất ổn.

Việc chính phủ trung ương Afghanistan nhanh chóng sụp đổ trước lực lượng Taliban không chỉ là vấn đề của riêng Afghanistan, mà còn gây ra hệ lụy ở quanh khu vực này và cùng với đó sẽ là những chuyển động khác ngoài Mỹ, như Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Nga...

Cú mất mặt của Mỹ

Ngày 15/8/2021 là ngày định mệnh với Afghanistan. Chỉ trong 1 ngày, quân Taliban đã tiến vào và kiểm soát thủ đô Kabul một cách dễ dàng, không gặp phải kháng cự. Tổng thống Ghani đã phải trốn sang Tajikistan. Taliban tuyên bố thành lập Nhà nước Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan.

Trước đó, Taliban cũng nói sẽ không dùng vũ lực chiếm Kabul và sẽ đàm phán để có được một cuộc "chuyển giao quyền lực hoà bình". Tin cho hay, đã có các cuộc thương thảo ba bên tại toà nhà đại sứ Mỹ chiều 15/8. Nhưng việc Tổng thống Ghani bỏ trốn đã dẫn đến việc Taliban tiếp quản thủ đô như chốn không người. Cùng với đó là cảnh gấp gáp sơ tán, hỗn loạn ở sân bay Kabul.

Đó là bài toán đau đầu, mặc dù quyết định rút quân của Mỹ là không thể đảo ngược.

Ngay khi Kabul thất thủ, Ngoại trưởng Mỹ Blinken đã phải lên tiếng bảo vệ chính sách của chính quyền Mỹ và nói: Mỹ vào Afghanistan 20 năm trước là để chống khủng bố và mục tiêu đó đã thành công, không còn lý do gì ở lại. Mỹ rút quân vì đã hoàn tất sứ mệnh.

Từ tháng 4/2021 và ngay cả đến gần đây, Tổng thống Biden vẫn kiên định: Giờ là lúc lãnh đạo Afghanistan phải đoàn kết lại, tự mình cứu lấy mình, quốc gia mình. Đã 20 năm, Mỹ hiện diện và hỗ trợ họ nhiều mặt.

20 năm, nước Mỹ đã không làm được gì, thêm một vài năm, vài nghìn quân cũng chỉ kéo dài thêm sự thất bại. Mỹ không thể tiếp tục sa lầy.

Đó là cách nhìn cương quyết của Tổng thống Biden. Tuy biết trước nguy cơ chính phủ của Tổng thống Ghani có thể thất thủ trước Taliban, nhưng chỉ có điều, Mỹ không ngờ rằng họ lại thất thủ nhanh như vậy, chỉ tính bằng tuần!

Mỹ đã trù tính việc rút quân trong trật tự, ổn thỏa, an toàn theo như Thỏa thuận Doha đạt được từ thời Tổng thống Trump. Nhưng điều đó đã bị đảo lộn. Quân Taliban tiến quá nhanh, còn chính quyền Ghani lại quá rệu rã, suy sụp. Đó là một cú mất mặt với nước Mỹ. Ngày 12/8, Mỹ vẫn cho rằng Taliban có thể chiếm được Kabul, nhưng cũng phải mất 30 - 90 ngày. Thực tế việc này đã chỉ diễn ra trong vỏn vẹn 3 ngày.

Trước mắt, sẽ là đau đầu về đối nội. Chắc chắn, sẽ có một loạt câu chất vấn: vì sao Mỹ đã không thể rút quân ổn thỏa như dự kiến; vì sao quân Taliban tiến quá nhanh, quá dễ dàng, chỉ trong vài tuần đã kiểm soát toàn bộ; vì sao quân chính phủ được Mỹ giúp bao năm, giờ tự tan rã quá nhanh?

Rồi các quyết định phút cuối, như vội vàng cử 5-6.000 quân để bảo đảm an ninh cho việc sơ tán, rồi đến việc phía Mỹ phải cảnh báo và kêu gọi Taliban không được đụng đến người Mỹ.

Mặc dù đây là lỗi của 20 năm và 4 đời Tổng thống Mỹ, bắt đầu từ 2001, thời Tổng thống Bush, nhưng kết cục hỗn loạn này lại rơi đúng vào nhiệm kỳ chính quyền Biden - Harris. Chắc chắn là sẽ bất lợi nhằm vào Tổng thống Biden, bao gồm cả từ nội bộ lẫn bên ngoài nước Mỹ, khiến cá nhân Tổng thống và chính quyền của ông trước mắt sẽ phải bận tâm và tập trung xử lý.

Đáng tiếc là, cú mất mặt ở Afghanistan này lại xảy ra đúng vào lúc chính quyền Biden đang triển khai một loạt các hoạt động đối nội, đối ngoại. Về đối nội, ông Biden đang thúc đẩy dự án hạ tầng 3,5 nghìn tỷ USD, nhằm xây dựng kinh tế trong nước và phòng chống dịch bệnh.

Về đối ngoại, với cách Kabul thất thủ như vậy, Mỹ là bên ở thế dở nhất. Đó không chỉ là cú thất bại đầu tiên về đối ngoại của chính quyền mới, mà sẽ còn hệ lụy về sau, nhiều chiều.

Afghanistan sau ngày định mệnh: Mỹ đang đau đầu, nhưng cơn ốm sốt của Trung Quốc có thể cũng sắp đến - Ảnh 1.

Không chỉ dừng ở tiểu khu vực, việc này cũng sẽ ảnh hưởng nhất định đến câu chuyện cạnh tranh nước lớn và chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, dù khó có thể tác động căn bản đến cục diện này. Dù tình hình còn diễn biến, nhưng chiến thắng nhanh chóng của Taliban và việc rút lui không ổn thỏa của Mỹ vừa tạo ra khoảng trống, vừa xoay chuyển cục diện, mà nhiều đối thủ của Mỹ sẽ có lợi thế hơn, nhất là Trung Quốc.

Liệu sự cố bất ngờ ở Afghanistan có làm chính quyền Biden, ít nhất là trước mắt, phải tập trung hơn vào thu xếp nội bộ và phân tán hơn trong triển khai các hoạt động đối ngoại chăng?

Nhất là khi chính quyền Biden-Harris đã và đang triển khai một loạt động thái ngoại giao dồn dập của mình, như đi châu Âu vào tháng 6 và hiện là với châu Á - Thái Bình Dương. Đây là câu hỏi cần lưu ý, nhất là trong thời hạn ngắn trước mắt. Mặt khác, cũng phải thấy là, với việc Mỹ rút khỏi Afghanistan hay Trung Đông, Mỹ sẽ tập trung được nhiều hơn nguồn lực vào các ưu tiên chiến lược hiện nay, nhất là khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Chuyển động và ứng xử của các nước lớn

Afghanistan là bài học không hề thú vị. Đó là miền đất dữ: từ người Anh thế kỷ 19, đến 10 năm Liên Xô, rồi giờ là 20 năm Mỹ, tất cả đều đã phải ra đi, một cách rất không yên ả.

Từ góc độ địa chiến lược, Taliban trở lại và khoảng trống do Mỹ rút, đã tạo ra một tình thế rất khác ở khu vực. Người ta đều cho rằng Trung Quốc ở thế lợi nhất và đúng vậy.

Afghanistan sau ngày định mệnh: Mỹ đang đau đầu, nhưng cơn ốm sốt của Trung Quốc có thể cũng sắp đến - Ảnh 2.

Khi Mỹ bị sa lầy, thì Trung Quốc chơi với cả hai phía Afghanistan, nhất là gần đây. Ngày 28/7, Ngoại trưởng Trung Quốc mời và gặp lãnh đạo Taliban ở Thiên Tân, coi Taliban là lực lượng chính trị quan trọng, sẵn sàng triển khai các dự án kinh tế, hạ tầng. Trong khi, trước đó chỉ một tuần, chủ tịch Trung Quốc cũng điện đàm với Tổng thống Ghani, khẳng định hợp tác. Điều này khác hồi 1996, Trung Quốc không thừa nhận Taliban.

Nhưng dù Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng ở đây, có cả phần về kinh tế, triển khai tiếp tục sáng kiến vành đai con đường, họ cũng sẽ có những quan ngại. Đó là mối lo làm sao không để Afghanistan xảy ra xung đột ở cận kề biên giới và không trở thành nơi chứa chấp các phần tử Hồi giáo cực đoan có thể làm ảnh hưởng đến an ninh hay tình hình tôn giáo ở Tân Cương của Trung Quốc. Dù Taliban cam kết, đây vẫn là mối lo sắp tới của chính quyền Bắc Kinh.

Tiếp đó, là về Taliban. Mục đích chính của Taliban vẫn là thâu tóm và nắm giữ quyền lực. Để đạt được điều này và cũng chính vì sự tồn tại của mình, chắc chắn, Taliban sẽ phải rút kinh nghiệm từ bài học của quá khứ, thời giành được quyền lực những năm 1990 cho đến khi bị Mỹ can thiệp, lật đổ. Lần này, Taliban cũng đã tỏ ra linh hoạt hơn, nhằm tránh bị cô lập ngay, như: dừng quân ở cửa ngõ Kabul, không dùng vũ lực đánh chiếm, mà chờ "chuyển giao hòa bình", hay tuyên bố nhà nước Hồi giáo đa thành phần, ân xá và không trả thù, cởi mở hơn về báo chí, quyền của phụ nữ, tôn trọng các đường biên giới quốc tế, không chứa chấp khủng bố, muốn hợp tác với các nước, tái thiết quốc gia… Đó là cái khác, nhưng dư luận vẫn lo ngại, cho rằng sẽ phải chờ xem.

Nhiều nước láng giềng, khu vực, như Pakistan, Ấn Độ, Nga, hay Tajikistan, Uzbekistan, Turkmenistan, cũng đều có chung quan ngại về một Afghanistan có thể lại rơi vào bất ổn phe phái, trở nên cực đoan hay chứa chấp khủng bố. Taliban tuy tỏ ra cởi mở hơn, nhưng vẫn nói phải trong khuôn khổ luật Hồi giáo Sharia, thì việc này sẽ được áp dụng như thế nào?

Hay liệu sau này có nảy sinh tranh chấp phe phái, gây ra xung đột, bất ổn hay không. Vẫn có những hy vọng, là Taliban có thể thay đổi, vì bài học quá khứ là phải tồn tại để nắm quyền. Can dự của các nước với Taliban, kể cả Trung Quốc, sẽ không chỉ là hợp tác thân thiện, mà còn phải là ngăn ngừa Taliban trở lại cực đoan. Điều này không dễ.

Đó vẫn còn là những ẩn số.

Chính vì vậy, không chỉ Mỹ, phương Tây, mà cả Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và nhiều nước khác đều có điểm chung, là cần có hòa bình, hòa giải và nhất là một chính phủ đa thành phần ở Afghanistan. Một mặt, câu trả lời phải chờ từ phía Taliban. Nhưng mặt khác, nó lại đòi hỏi các nước liên quan, dù khác biệt nhau về quan điểm, như Trung Quốc, Mỹ, Nga, hay Pakistan, Ấn Độ, Iran…, cũng phải phối hợp, chung tay để tác động tới Taliban.

Dư âm của "sự cố Afghanistan" chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới uy tín đối ngoại của Mỹ. Báo chí Trung Quốc cũng đã dùng việc này để tuyên truyền, về một nước Mỹ "không đáng tin cậy" và cảnh báo Đài Loan cũng sẽ bị Mỹ bỏ rơi.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan, khi bị báo chí chất vấn tại cuộc họp báo ngày 18/8, cũng đã phải giải thích: Với chính phủ Afghanistan, hai bên đã chuẩn bị, Mỹ cũng đã nói rõ từ sớm việc Mỹ sẽ rút và họ sẽ phải tự lo quản lý đất nước. Đúng ra, Mỹ đã định rút từ 2014 (sau khi diệt trừ Bin Laden), nay mới làm, thì Mỹ cũng đã ở lại quá tới 7 năm rồi.

Cũng phải thấy rằng, khoảng trống để lại do việc Mỹ rút lần này không chỉ tạo cơ hội cho các nước khác, như Trung Quốc, mà cũng còn để lại không ít rủi ro bất ổn mà giờ đây các nước khác, có lợi ích sát sườn hơn ở khu vực, sẽ phải tự đứng ra lo và gánh vác. Ẩn số không chỉ nằm ở một mình Taliban, mà còn do các yếu tố phức tạp vốn tồn tại từ lâu ở khu vực này, như về tôn giáo, sắc tộc, cực đoan, phe phái.

Mặt khác, ở tầm toàn cầu, khi rút khỏi Afghanistan hay giảm bớt cam kết ở Trung Đông, thì Mỹ có thể dồn quan tâm và nguồn lực nhiều hơn cho chiến lược mới và các khu vực ưu tiên như châu Á - Thái Bình Dương. Trung Quốc có thể có lợi thế hơn ở Afghanistan hay Nam Á, nhưng cục diện chung về cạnh tranh địa chiến lược nước lớn, giữa Mỹ và Trung Quốc, về cơ bản, sẽ không thay đổi.

Afghanistan sau ngày định mệnh: Mỹ đang đau đầu, nhưng cơn ốm sốt của Trung Quốc có thể cũng sắp đến - Ảnh 3.

* Tiêu đề do tòa soạn đặt lại

Theo Đại sứ Phạm Quang Vinh

Doanh nghiệp và tiếp thị

Trở lên trên