AFP: Chụp ảnh "tự sướng" gây chết người nhiều gấp 5 lần số trường hợp bị cá mập cắn
Trở thành trào lưu toàn cầu trong thập kỷ qua nhưng số người chết vì chụp ảnh "tự sướng" hay selfie nhiều gấp 5 lần số ca bị cá mập tấn công.
- 16-08-2018Những cái chết vì chụp ảnh và lời cảnh báo cho việc mạo hiểm để có những tấm hình hoàn hảo cho mạng xã hội
- 04-07-2018Trèo tường chụp ảnh, Chủ tịch HNA Trung Quốc ngã và tử vong trong chuyến du lịch ở Pháp
- 14-05-2017Mới 20 tuổi, anh chàng này đã đi khắp thế giới bằng máy bay hạng sang, ăn uống xa hoa, chụp ảnh thỏa thích... nhờ một nghề nghiệp rất lạ lùng
- 16-04-2017Chỉ đi du lịch khắp thế giới và chụp ảnh, cô gái này chia sẻ bí quyết kiếm tiền mà ai cũng có thể thực hiện được
- 03-04-2015Giám đốc ngân hàng mất việc vì con gái chụp ảnh tin nhắn của bố đưa lên mạng
Số người chết vì selfie tiếp tục tăng lên hàng năm khi điện thoại thông minh chụp ảnh đẹp hơn và các thiết bị hỗ trợ có thể giúp con người tự chụp với nhiều kiểu dáng hơn. Tuy nhiên, nó cũng chính là nguyên nhân khiến rủi ro tăng lên khi mọi người liều mình để có được những bức ảnh hoàn hảo.
AFP dẫn thống kê của một tổ chức chuyên về Y học của Ấn Độ cho biết, từ tháng 10/2011 đến tháng 11/2017, có ít nhất 259 trường hợp chết vì chụp ảnh "tự sướng" trên khắp thế giới. Nó cao gấp 5 lần số trường hợp tử vong do cá mập, loài vật được mệnh danh là hung thần của biển cả, tấn công cùng giai đoạn.
Dù phụ nữ là những người sử dụng phương pháp chụp ảnh này nhiều hơn nhưng các chàng trai trẻ lại là những người dễ gặp nạn hơn khi thực hiện kiểu chụp ảnh này. ¾ số trường hợp chết vì selfie là nam thanh niên. Phần lớn các sự cố gây chết người được liệt kê khi chụp ảnh selfie có liên quan tới chết đuối, tai nạn, ngã hoặc bắn súng.
Ấn Độ, quốc gia hơn 1 tỷ dân, có 800 triệu điện thoại di động đang lưu hành. Đây cũng là quốc gia nắm giữ kỷ lục với số người chết khi chụp ảnh selfie với 159 trường hợp được ghi nhận cho đến thời điểm hiện tại. Nó tương đương một nửa số trường hợp tử vong khi chụp kiểu ảnh này trên toàn thế giới.
Thậm chí, tại Ấn Độ, có trường hợp cả một nhóm bạn trẻ cùng tử nạn khi chụp ảnh "tự sướng" khi bị tàu hỏa đâm hay chết đuối khi thuyền của họ chìm ngay lúc bấm máy. Tình hình tồi tệ đến mức Ấn Độ phải thiết lập các khu vực cấm chụp ảnh "selfie" và 16 trong số đó nằm ở thành phố Mumbai.
Các quốc gia khác có số người chết vì selfie cao khác được liệt kê là Nga với 16 trường hợp, Mỹ với 14 trường hợp và Pakistan. Ở Nga, các trường hợp tử vong xảy ra khi người chụp ảnh muốn trèo lên đỉnh các cây cầu hoặc tòa nhà cao tầng để có bức ảnh ấn tượng. Thậm chí, có người chết vì súng khi chụp ảnh "tự sướng" với loại vũ khí nguy hiểm này.
Tại Mỹ, hầu hết các trường hợp tử vong khi selfie liên quan đến súng cướp cò trong qua trình tìm kiếm một tư thế hoàn hảo để chụp ảnh. Một số người khác tử nạn khi ngã ở Grand Canyon, thắng cảnh hùng vĩ, trong lúc cố tìm một vị trí ấn tượng để lưu lại những khoảnh khắc.
Ở một số quốc gia, chính quyền đã yêu cầu các mạng xã hội không cho phép đăng những bức hình tự chụp "ngu ngốc" và "nguy hiểm" để tránh khuyến khích những người khác có hành động tương tự.
Ngoài nguy hiểm tới tính mạng, chụp ảnh "tự sướng" cũng có thể mang tới rủi ro ngoài sức tưởng tượng. Năm 2014, một phụ nữ Brazil đã thổi bùng cơn thịnh nộ của công chúng khi chụp ảnh mỉm cười trước quan tài của Ứng viên Tổng thống Eduardo Campos trong lễ tang của ông ấy. Selfie tại những địa điểm linh thiêng hoặc selfie trong đám ma có thể gây ra nhiều hậu quả mà người chụp chúng không lường trước.
Việc chụp ảnh tự sướng một cách hồn nhiên, ở mọi lúc, mọi nơi, cũng mang đến phiền toái cho những người xung quanh, đặc biệt là người dân bản địa.