MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Agifish (AGF) bị hủy niêm yết bắt buộc trên HoSE sau 18 năm lên sàn

Agifish đã đăng ký giao dịch cổ phiếu trê Upcom.

Ngày 16/1/2020 Sở GDCK Thành phố Hồ Chí Minh đã ký quyết định hủy niêm yết toàn bộ 28.109.743 cổ phiếu AGF của CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (Agifish) từ ngày 17/2/2020. Cổ phiếu AGF đã giao dịch phiên cuối cùng trên HoSE vào ngày 14/2/2020. Giá đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của cổ phiếu AGF trên HoSE là 2.910 đồng/cổ phiếu.

Nguyên nhân hủy niêm yết do "tổ chức niêm yết vi phạm chậm nộp báo cáo tài chính trong 3 năm liên tiếp" thuộc trường hợp chứng khoán bị hủy niêm yết bắt buộc theo quy định.

Sau khi rời sàn HoSE, Agifish đã đươc Sở GDCK Hà Nội chấp thuận đăng ký toàn bộ số cổ phiếu lên Upcom. Ngày giao dịch đầu tiên 24/2/2020. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 2.900 đồng/cổ phiếu.

Agifish (AGF) bị hủy niêm yết bắt buộc trên HoSE sau 18 năm lên sàn - Ảnh 1.

Diễn biến giá cổ phiếu AGF từ khi lên sàn năm 2002.

CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang được thành lập từ tháng 6/2001 và đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn chứng khoán từ tháng 5/2002. Sau 18 năm lên sàn, cổ phiếu AGF cũng đã có rất nhiều biến động, lên cao nhất sát mức giá 50.000 đồng/cổ phiếu (giá đã điều chỉnh), và thời điểm này giá cổ phiếu AGF đang sở vùng đáy, quanh mức 2.900 đồng/cổ phiếu.

Trước đó Agifish đã công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm tài chính 2018-2019 (năm tài chính của Agifish bắt đầu từ 1/10 và kết thúc vào 30/9 năm sau) với doanh thu đạt hơn 807 tỷ đồng, giảm 37,2% so với năm trước đó, đồng thời ghi nhận lỗ hơn 255 tỷ đồng – tăng mạnh so với số lỗ hơn 178 tỷ đồng năm trước đó. Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp công ty chịu lỗ. Tổng lỗ lũy kế đến 30/9/2019 lên đến hơn 526 tỷ đồng.

Trên BCTC kiểm toán, kiểm toán viên cũng nêu vấn đề nhấn mạnh về việc số lỗ lũy kế trong năm tài chính kết thúc ngày 30/9/2019 của công ty là 526 tỷ đồng và nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn hơn 108 tỷ đồng. Các điều kiện này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty.

Năm 2019 được xem là năm có khá nhiều khó khăn với ngành thủy sản khi các doanh nghiệp đang nỗ lực cùng nhau chung tay tháo gỡ thẻ vàng của EC. Tuy vậy, bên cạnh các doanh nghiệp ngành Thủy sản kinh doanh thua lỗ, vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt, tăng trưởng so với cùng kỳ.

Điển hình, ngay tại An Giang cũng có nhiều doanh nghiệp thủy sản trên sàn chứng khoán như Nam Việt (ANV) hay CTCP XNK Thủy sản Cửu Long An Giang (ACL)... Trong đó Nam Việt (ANV) báo lãi sau thuế hơn 704 tỷ đồng năm 2019. Còn Thủy sản Cửu long An Giang lãi sau thuế hơn 144 tỷ đồng, nâng tổng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến hết năm 2019 lên hơn 410 tỷ đồng, EPS duy trì mức cao với 6.329 đồng.

Thanh Mai

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên