Agriseco Research chỉ tên 4 nhóm cơ hội trên thị trường chứng khoán sẽ "đón sóng" vĩ mô phục hồi
Theo Agriseco Research, thị trường chứng khoán về cơ bản đang được hưởng lợi từ quá trình hồi phục và ổn định kinh tế vĩ mô. Hiện, mặt bằng định giá P/E của VN-Index đang giao dịch quanh 17 lần - mức ngang trung bình của chỉ số trong lịch sử và thấp hơn so với các TTCK khác trong khu vực.
Báo cáo vĩ mô tháng 1/2022 của Chứng khoán Agribank (Agriseco) mới công bố đã đánh giá, diễn biến dịch bệnh phức tạp sẽ tiếp tục cản trở quá trình phục hồi kinh tế Việt Nam. Mặc dù vậy, các chỉ báo dự báo sớm tăng trưởng kinh tế tháng 1 đang hồi phục tích cực cho thấy triển vọng tăng trưởng kinh tế khả quan. GDP 2022 được dự báo sẽ tăng trưởng đạt 6 – 6,5%.
Theo Agriseco Research, một số điểm tích cực về vĩ mô trong tháng 1 vừa qua liên quan đến mức lạm phát tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát do nhu cầu tăng cao dịp Tết Nguyên đán. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 tăng 0,19% so với tháng 12 và tăng 1,94% so với cùng kỳ chủ yếu do tăng mạnh giá dầu theo đà tăng của giá nhiên liệu. Trong tháng 1, hầu hết các mặt hàng đều tăng giá do nhu cầu mua sắm dịp Tết tăng cao. Mặc dù vậy, Agriseco Research dự báo lạm phát chỉ trong khoảng từ 2 -3% trong nửa đầu năm 2022 do sức cầu yếu, giá cả hàng hóa thế giới dần hạ nhiệt, giá thịt lợn vẫn thấp hơn 35% so với đầu năm ngoái.
Mặt khác, câu chuyện thúc đẩy quá trình đầu tư công được Agriseco Research đánh giá sẽ là động lực giúp tăng trưởng kinh tế năm 2022.
Chỉ số sản xuất tháng 1 giảm so với tháng 12 do đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm ở dịp cận Tết. Nếu so với cùng kỳ 2021, IIP tăng ở nhóm công nghiệp chế biến, và dự kiến đây sẽ tiếp tục là nhóm dẫn dắt chỉ số IIP tăng trong tháng tới.
Doanh thu bán lẻ đã có sự phục hồi nhẹ ở hầu, tuy nhiên, Agriseco Research đánh giá quá trình phục hồi sẽ chậm hơn so với các quốc gia khác chủ yếu nhờ sức cầu tiêu dùng còn yếu. Điều này có thể ảnh hưởng một phần đến tăng trưởng kinh tế và nhóm doanh nghiệp lĩnh vực bán lẻ.
Về tình hình hoạt động, các doanh nghiệp đang từng bước phục hồi các hoạt động kinh doanh và sản xuất, tỷ lệ thành lập và quay trở lại cao hơn với tháng trước. Cụ thể hơn, các doanh nghiệp thuộc nhóm kinh doanh bất động sản; vận tải và dịch vụ lưu trú, ăn uống là nhóm có tốc độ đăng ký thành lập mới tăng trưởng so với cùng kỳ. Agriseco Research đánh giá các nhóm ngành dịch vụ ăn uống và vận tải sẽ cần thời gian để phục hồi nhưng điều này cũng tác động tích cực lên thị trường chứng khoán khi hoạt động kinh doanh của nhóm đang dần bình thường hóa.
Về cơ bản, thị trường chứng khoán đang được hưởng lợi từ quá trình hồi phục và ổn định kinh tế vĩ mô. Hiện, mặt bằng định giá P/E của VN-Index đang giao dịch quanh 17 lần - mức ngang trung bình của chỉ số trong lịch sử và thấp hơn so với các TTCK khác trong khu vực.
Báo cáo cũng đã chỉ ra một số cơ hội đầu tư rút ra từ kinh tế vĩ mô tháng 1.
Thứ nhất, Quốc hội đã thông qua Chương trình phục hồi và kích thích kinh tế với quy mô 347.000 nghìn tỷ đồng (khoảng 5% GDP). Gói kích thích tập trung vào việc giảm lãi suất cho vay, phát triển cơ sở hạ tầng, y tế và hỗ trợ doanh nghiệp. Agriseco Research đánh giá một số nhóm ngành kỳ vọng được hưởng lợi trực tiếp nếu đề án được thông qua gồm bất động sản, xây dựng, vật liệu xây dựng, y tế.
Thứ hai, dòng vốn FDI mới và vốn thực hiện đều tăng trở lại sẽ tạo đà tăng trưởng trong năm 2022 khi Việt Nam đang có nhiều lợi thế trong việc thu hút vốn FDI. Điều này sẽ tạo cơ hội tăng trưởng dài hạn cho nhóm BĐS khu công nghiệp.
Thứ ba, nền kinh tế mở cửa trở lại có thể tác động tích cực đến nhóm bán lẻ, hàng không và dịch vụ, cảng biển. Các nhóm ngành này dự kiến sẽ phục hồi trong năm 2022.
Thứ tư, xuất khẩu được kỳ vọng tăng trưởng tốt trong năm 2022 nhờ kinh tế toàn cầu hồi phục mạnh. Agriseco cho rằng điều này tạo ra nhiều tiềm năng cho các nhóm xuất khẩu chủ lực như sơ, xợi, dệt may; gỗ; cao su; sắt thép; thủy sản.