MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ai có lợi khi lãi vay tăng trở lại?

28-03-2021 - 16:28 PM | Tài chính - ngân hàng

Lạm phát có xu hướng tăng cùng đà phục hồi của nền kinh tế và quá trình kiểm soát dịch bệnh, sẽ gây áp lực tăng lãi suất cho vay trở lại trong thời gian tới.

TS. Phạm Thế Anh
TS. Phạm Thế Anh
Chuyên gia, Giảng viên Trường ĐH Kinh tế Quốc dân
13 bài viết

Lạm phát có xu hướng tăng cùng đà phục hồi của nền kinh tế và quá trình kiểm soát dịch bệnh, sẽ gây áp lực tăng lãi suất cho vay trở lại trong thời gian tới.

Ai có lợi khi lãi vay tăng trở lại? - Ảnh 1.

Đó là nhận định của PGS.TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) khi trao đổi với DĐDN xung quanh chủ đề này.

- Nhiều chuyên gia dự báo lạm phát đang có xu hướng tăng mạnh khi kinh tế thế giới phục hồi trở lại. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Như chúng ta thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hiện đang có xu hướng tăng trở lại với các lý do như sau:

Thứ nhất, giá cả đang tăng cùng với sự hồi phục của nền kinh tế thế giới, nhất là khi các nước lớn đang mạnh tay mở rộng tiền tệ trong hơn một năm qua.

Thứ hai, Việt Nam cũng đang áp dụng chính sách mở rộng tiền tệ như các nước lớn, thể hiện ở chỉ số tăng trưởng cung tiền rất cao trong năm vừa qua so với tăng trưởng kinh tế thực. Sau 10 năm, lượng cung tiền M2 tăng khoảng 4,3 lần. Đây là một trong những nguyên nhân làm tăng áp lực lạm phát trong thời gian tới.

Song, mức độ tăng mạnh lạm phát đến đâu còn phụ thuộc vào các vấn đề mở rộng tiền tệ ở Việt Nam, phụ thuộc vào diễn biến dịch COVID-19 có được khống chế trên thế giới hay chưa và nhu cầu tiêu dùng đã thực sự trở lại?

Như vậy, giá hàng hóa thế giới đảo chiều tăng cộng hưởng với lượng tiền lớn trong nền kinh tế có thể kích hoạt lạm phát tăng mạnh bất cứ lúc nào.

- Áp lực lạm phát có gây sức ép tăng lãi vay trở lại không, thưa ông?

Nếu chúng ta đã nhận định lạm phát có xu hướng tăng trở lại đồng nghĩa là kinh tế đang dần hồi phục cùng với quá trình kiểm soát dịch bệnh thì lãi suất tăng là tất yếu. Nếu không, người dân sẽ chuyển tiền gửi sang các kênh khác để bảo toàn giá trị tài sản của mình, dẫn đến huy động vốn của ngân hàng gặp khó khăn, cản trở việc tiếp vốn cho đà phục hồi của nền kinh tế.

Đơn cử như thời gian gần đây, lãi suất ngân hàng thấp, nhiều người có xu hướng vay tiền đổ sang các kênh đầu tư khác, cụ thể thị trường bất động sản có dấu hiệu nóng lên. Đó là một phần kết quả của nhu cầu sử dụng vốn sản xuất ít đi nên phải đầu tư sang tài sản khác.

- Theo ông, xu hướng tăng lãi vay sẽ bắt đầu từ khi nào? Chính sách tiền tệ nên được điều hành như thế nào để tránh ảnh hưởng tiêu cực đến đà phục hồi kinh tế?

Nhu cầu về vốn tăng lên từ quý 2/2021, các ngân hàng sẽ phải tăng lãi suất huy động. Khi các ngân hàng nhỏ tăng lãi suất, sẽ gây áp lực tới các ngân hàng khác và khi đó "cuộc đua" tăng lãi suất lại có thể bắt đầu.

Lạm phát, lãi suất và hệ quả từ các vấn đề trên đều có mối quan hệ cùng chiều, khăng khít với nhau. Ngân hàng tăng lãi vay thì đương nhiên khả năng tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp sẽ khó hơn, chi phí đi vay trở nên "đắt đỏ" hơn mà vốn dĩ trước đó nhiều doanh nghiệp đã khó tiếp cận tín dụng.

Theo tôi, Chính phủ nên thận trọng với chính sách điều tiết, đặc biệt là việc mở rộng tiền tệ. Thực chất, điều này không khiến doanh nghiệp được hưởng lợi nhiều mà vẫn phải trả những chi phí đắt đỏ cho việc vay vốn. Việc mở rộng tiền tệ chủ yếu làm lợi cho hệ thống tài chính và thị trường tài sản nhiều hơn. Bằng chứng là, các ngân hàng vẫn lãi lớn trong những năm vừa qua, đó là chưa kể việc tới đây lãi suất cho vay sẽ tăng trở lại.

Theo Diễm Ngọc thực hiện

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên