MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ai có nguy cơ bị ung thư dạ dày: Nếu có một trong những yếu tố sau, cần cẩn thận!

13-07-2020 - 18:24 PM | Sống

Khả năng bạn bị mắc ung thư dạ dày cao hơn nếu bạn có tiền sử viêm dạ dày gây ra bởi vi khuẩn Helicobacter pylori, vi khuẩn này cũng có thể gây ra các vết loét trong dạ dày.

Tác giả thuộc Dự án Y học Cộng đồng:

BS Phạm Thị Thoa

TS.BS Phạm Nguyên Quý

Nơi làm việc: Khoa Ung thư Nội khoa, Bệnh viện Trung tâm Kyoto Miniren và Đại học Kyoto.

Ung thư dạ dày là gì?

Ung thư dạ dày là sự tăng sinh của các tế bào ung thư trong niêm mạc và thành dạ dày.

Ai có nguy cơ bị ung thư dạ dày: Nếu có một trong những yếu tố sau, cần cẩn thận! - Ảnh 1.

Các triệu chứng của ung thư dạ dày là gì?

Đôi khi ung thư có thể phát triển trong dạ dày một thời gian dài trước khi nó gây ra các triệu chứng.

1- Trong giai đoạn đầu, ung thư dạ dày có thể gây ra các triệu chứng sau đây:

Khó tiêu, cảm giác khó chịu ở dạ dày hoặc ợ nóng; Buồn nôn; Mất cảm giác ngon miệng; Mệt mỏi.

2- Khi ung thư phát triển lớn hơn, nó có thể gây ra các triệu chứng sau đây:

Có máu trong phân hay phân có màu đen; Cảm giác đầy bụng sau khi ăn, ngay cả khi ăn một lượng nhỏ; Ói mửa sau bữa ăn; Sút cân ngoài ý muốn; Đau dạ dày, đặc biệt là sau bữa ăn; Yếu sức và mệt mỏi.

Nhiều trong số các triệu chứng này có thể gây ra bởi các bệnh lý khác không phải ung thư. Tuy nhiên, nếu bạn có bất kỳ những triệu chứng này và không có dấu hiệu thuyên giảm theo thời gian, hãy đến gặp bác sĩ. Việc điều trị ung thư dạ dày sẽ hiệu quả hơn khi được phát hiện ở giai đoạn sớm.

Các đối tượng có nguy cơ bị ung thư dạ dày?

Khả năng bạn bị mắc ung thư dạ dày cao hơn nếu bạn có tiền sử viêm dạ dày gây ra bởi vi khuẩn Helicobacter pylori, vi khuẩn này cũng có thể gây ra các vết loét trong dạ dày.

Bạn cũng có nhiều khả năng bị ung thư dạ dày nếu:

Là nam giới; Tuổi cao trên 50 tuổi; Có người thân trong gia đình mắc ung thư dạ dày, ung thư đường tiêu hóa...

Người có thói quen thường xuyên hút thuốc lá và uống nhiều rượu...

Là người gốc Phi, gốc Tây Ban Nha, gốc Châu Á-Thái Bình Dương; Có polyp dạ dày (tăng sản tế bào tạo nên khối lồi lên mặt lót trong của dạ dày).

Ai có nguy cơ bị ung thư dạ dày: Nếu có một trong những yếu tố sau, cần cẩn thận! - Ảnh 2.

Bác sĩ chẩn đoán ung thư dạ dày như thế nào?

Nếu bác sĩ nghi ngờ rằng bạn bị ung thư dạ dày, họ sẽ xem xét bệnh sử của bạn và thực hiện các xét nghiệm. Bác sĩ có thể sử dụng nội soi (endoscopy) để phát hiện khối u. Ở xét nghiệm này, một ống nhỏ được cho vào miệng của bạn và sau đó được đưa (luồn) xuống dạ dày. Trước xét nghiệm, bác sĩ có thể cho bạn dùng thuốc để giúp cho bạn cảm thấy dễ chịu hơn.

Trong khi nội soi, bác sĩ có thể lấy một mảnh mô nhỏ của dạ dày để kiểm tra xem trong đó có các tế bào ung thư hay không. Mảnh mô đó được gọi là một mẫu sinh thiết. Mẫu này sau đó được gửi đến phòng thí nghiệm, nơi nó được xử lý và quan sát bằng kính hiển vi để kết luận.

Ung thư dạ dày được điều trị như thế nào?

Điều trị ung thư dạ dày bao gồm phẫu thuật, hóa trị, xạ trị hoặc kết hợp các phương pháp trên. Lựa chọn điều trị tùy thuộc vào việc khối u còn khu trú ở dạ dày hay nó đã lan đến những nơi khác trong cơ thể. Tuổi tác và tình trạng sức khỏe tổng thể của bệnh nhân cũng sẽ ảnh hưởng đến sự lựa chọn phương pháp điều trị.

Ai có nguy cơ bị ung thư dạ dày: Nếu có một trong những yếu tố sau, cần cẩn thận! - Ảnh 3.

Cách ngăn ngừa ung thư dạ dày

Không có cách nào để ngăn ngừa ung thư dạ dày. Tuy nhiên, bạn có thể làm giảm nguy cơ bị ung thư dạ dày bằng cách không hút thuốc và hạn chế uống rượu. Ngoài ra, theo một chế độ ăn nhiều trái cây tươi, rau quả và cung cấp đủ vitamin C. Vitamin C được tìm thấy trong các thực phẩm như cam, bưởi và bông cải xanh.

Những câu hỏi để hỏi bác sĩ của bạn

Tôi bị loét dạ dày. Tôi có nhiều khả năng bị ung thư dạ dày không?

Việc theo một chế độ ăn lành mạnh sẽ giúp tôi phòng tránh ung thư dạ dày?

Cha tôi bị ung thư dạ dày. Tôi có nên làm xét nghiệm kiểm tra không?

Phương pháp điều trị tốt nhất cho bệnh ung thư dạ dày của tôi là gì?

Liệu tôi có thể ăn uống bình thường sau khi điều trị?

Sau khi điều trị, tôi có phải khám bệnh thường xuyên để biết ung thư không tái phát không?

Trong và sau khi điều trị, tôi có nên bỏ rượu không?

Theo BS Phạm Thị Thoa, TS.BS Phạm Nguyên Quý (Từ Nhật)

Tổ quốc

Trở lên trên