AI có thể tạo thêm lợi thế cạnh tranh cho các hãng công nghệ lớn
Chủ tịch Cơ quan giám sát chống độc quyền liên bang Đức Andreas Mundt ngày 9/10 cảnh báo rằng trí tuệ nhân tạo (AI) có thể gia tăng sức mạnh thị trường của các công ty lớn trong lĩnh vực công nghệ (Big Tech), đồng thời kêu gọi các nhà quản lý cảnh giác với bất kỳ hành vi phản cạnh tranh nào.
Ông Andreas Mundt nhấn mạnh lo ngại các "gã khổng lồ" công nghệ - với kho dữ liệu người dùng khổng lồ - có thể có được lợi thế cạnh tranh với những công nghệ mới ứng dụng trong những ngôi nhà thông minh, các công cụ tìm kiếm trực tuyến, quảng cáo trực tuyến, ô tô, cùng nhiều sản phẩm và dịch vụ khác.
Ông Mundt nêu rõ: "Đối với những cơ quan quản lý cạnh tranh như chúng tôi, điều quan trọng là công nghệ mới sẽ không củng cố thêm sự thống trị của các tập đoàn lớn. Tuy nhiên, nguy cơ tiềm ẩn vẫn rất lớn, vì có hai yếu tố tối cần thiết để phát triển AI, đó là hệ thống máy chủ mạnh và lượng dữ liệu khổng lồ. Các tập đoàn công nghệ lớn hội tụ cả 2 yếu tố này".
Ông Mundt cho biết lĩnh vực AI vẫn có chỗ cho sự cạnh tranh, nhưng các cơ quan quản lý cần đảm bảo duy trì tình hình như vậy. Bên cạnh đó, ông chỉ ra rằng mô hình từ các công ty nhỏ hơn cũng có thể trở nên phổ biến đến mức họ có thể phát triển thành một loại hệ điều hành, một nền tảng mới.
Theo ông Mundt, cả hai hướng phát triển đều có thể thành hiện thực. Với tư cách là cơ quan có thẩm quyền, Cơ quan giám sát chống độc quyền liên bang Đức phải cẩn trọng để mọi tiềm năng cạnh tranh không bị ngăn cản ngay từ đầu.
Google và Microsoft gần đây đã trở thành đối thủ của nhau trong lĩnh vực AI. Trong đó, Microsoft đầu tư mạnh vào công ty khởi nghiệp OpenAI với dịch vụ ChatGPT đình đám, còn Google xây dựng chatbot Bard AI cạnh tranh.
Việc AI ngày càng phổ biến đã thúc đẩy các nước trên thế giới tìm cách áp đặt những quy định đối với việc sử dụng công nghệ này. Liên minh châu Âu (EU) đang thúc đẩy để có thể áp dụng các quy định quản lý AI vào cuối năm nay.
Báo tin tức