Ai cũng mong có Tết, nhưng nếu muốn có Tết, bạn buộc phải có ý thức “vì mọi người, đừng lười khai báo” đã!
Chỉ còn 5 ngày nữa là đến Tết nguyên đán, nhưng rất có thể chúng ta sẽ ăn Tết trong nơm nớp lo sợ. Sợ, vì những diễn biến khó lường và phức tạp của dịch Covid-19. Nhưng sợ hơn, đó là sự thiếu ý thức của những người liên quan đến các ca nhiễm mà trốn tránh cách ly, khai báo y tế sai lệch.
- 06-02-2021Thăm nhà "Táo Y tế" Vân Dung: Tiết lộ thứ không thể thiếu trong căn hộ, kể chuyện nhập trạch nhầm nhà cười 3 ngày không hết
- 06-02-2021Cả đời "đấu đá" vì danh vọng và tiền tài nhưng tiếc thay, đó không phải đích đến của thành công!
- 06-02-2021Cô gái trẻ Việt chọn trở về nước dù được nhận vào hãng Luật top 1 tại Anh: "Đó từng là ước mơ cháy bỏng nhưng tôi chọn sức khoẻ và gia đình"
Còn sự sợ hãi mang tên “Tết đến nơi rồi” và những kẻ hám lợi tiếp tay cho nhập cảnh trái phép, Tết này chúng ta còn chưa yên
- Nhà bạn em ở 88 Láng Hạ, nó nghe tin bị phong tỏa là không về nhà luôn, trốn ra khách sạn ở.
- Hôm qua, 10h tối tôi còn thấy một nhóm không đeo khẩu trang, lang thang ngồi quán cafe chém gió phần phật. Đang ngồi thì hội ấy bị đi xét nghiệm.
- Nhà kia có con bé đi thực tập ở Đông Triều, vừa về cuối tuần rồi đấy. Mà hôm qua tôi mới hỏi nhẹ chuyện khai báo y tế, cả nhà nó hùa ra mắng, dọa tôi mà xì ra thì không yên thân đâu…
Đó không phải những chuyện phiếm vỉa hè, những dòng bình luận cho vui trên mạng xã hội. Đó cũng không phải chuyện bịa, như “ông ba bị” để dọa trẻ con ở yên trong nhà. Đó là một sự thật, là những con người bằng xương bằng thịt, có liên đới đến làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 3 vừa kéo đến nước ta, nhưng vẫn đang ở ngoài cộng đồng.
Ngay ngày 28/1/2021, khi thông tin về việc có ca lây nhiễm trong cộng đồng xảy ra ở Quảng Ninh, Hải Dương, hàng đoàn người ở Quảng Ninh đã ra quốc lộ đón xe vội vã bỏ đi. Nhiều người còn “nhanh trí” đến mức ra ngoài thành phố bằng xe mang biển kiểm soát tỉnh khác.
Theo Ban chỉ đạo chống dịch, có đến 20% các ca F0 đã tỏ thái độ bất hợp tác với cơ quan chức năng trong quá trình truy vết. Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết chỉ có 1% trong số F1 tự báo tin tới các cơ quan chức năng, 99% là kết quả tìm kiếm.
Các tình nguyện viên chia truy vết thông tin các ca nhiễm bệnh. Ảnh: VGP/Đình Nam
Ai cũng có lý do riêng để hành động như thế. Họ cho rằng mình “hoàn toàn khỏe mạnh”, việc khai báo y tế, đi cách ly là “ngu”, nhất là trong thời điểm Tết Nguyên đán kề bên. Có người sợ bị công khai lịch trình, có người sợ mất cơ hội kiếm tiền nốt trong những ngày giáp Tết.
Chỉ có mắc bệnh, và tệ hơn là chết vì Covid-19 là không ai sợ chăng?
Thật buồn biết bao khi ngay trong thời điểm Covid-19 trở lại, vẫn có những người có suy nghĩ và hành động thiếu trách nhiệm, gây nguy hiểm cho chính bản thân và người thân cũng như cộng đồng. Nếu có ai trong số này nhiễm bệnh, đó không chỉ là việc cá nhân hay “may nhờ rủi chịu”, “trời kêu ai nấy dạ”, mà tác hại mà nó gây ra cho cộng đồng, cho đất nước là khôn lường.
Mà phẫn nộ hơn, một số kẻ đã tìm cách nhập lậu người nước ngoài (không rõ có mang bệnh hay không) vào lãnh thổ nước mình. Không nghi ngờ gì, đó là những kẻ vì lợi nhuận cá nhân trước mắt mà làm tổn hại đến cả quốc gia và sức khỏe cộng đồng. Dù có những người trong đường dây đã bị bắt và sẽ sớm được đưa ra xét xử, dù một số kẻ nhập lậu đã được tìm thấy, nhưng những hệ lụy của sự ích kỷ đó có thể kéo dài hơn thế, gây tổn hại nặng nề hơn thế.
Xét nghiệm Covid-19. Ảnh: Minh Phương
Còn nhớ năm ngoái, trong cơn hoành hành của làn sóng Covid-19 thứ hai, Việt Nam đã thiệt đơn thiệt kép. Hàng nghìn tỷ được chi ra để phòng chống và khắc phục hậu quả của dịch, kinh tế điêu đứng.
Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê công bố ngày 6/1, tính đến tháng 12/2020, cả nước có 32,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Con số này bao gồm người bị mất việc, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Dịch bệnh cũng tước đi cơ hội việc làm của 1,6 triệu người.
Nếu không muốn tiếp diễn cái bi kịch ấy, trong một kịch bản còn tệ hơn; nếu không muốn đình trệ những kế hoạch cuộc sống, nếu muốn ăn Tết thật an vui, mỗi công dân phải có trách nhiệm. Vì chính sự vô ý thức, ích kỷ và nỗi sợ hãi sẽ là chất xúc tác khiến dịch bệnh có thể trở nên khó kiểm soát hơn. Đó có lẽ mới là thứ virus nguy hiểm hơn bất cứ chủng biến thể nào của virus SARS-CoV-2.
Chẳng may mắc bệnh, đó là tai họa, nhưng nếu không trung thực khai báo y tế, đó là tội ác
Sẽ có người bảo rằng, một trong những lý do khiến họ im lặng là vì sợ bị kỳ thị, họ sợ bản thân và gia đình tổn thương, như một người tiết lộ: “Chung cư mình đang ở, vô tình mà biết ai F3 hay F4 là loạn hết cả lên, cử bảo vệ lên gác ở cửa nhà, tìm cách tránh cho xa”.
Quả thực, phản ứng cảnh giác thái quá và kỳ thị này có phần tàn nhẫn đối với người bệnh và cả những người liên đới. Tệ hơn, nó còn có thể khiến những người có nguy cơ giấu nhẹm thông tin y tế. Chính nỗi sợ mất đi cuộc sống bình thường (mà rõ ràng chỉ là tạm thời) có thể phần nào là lý do để những người có nguy cơ khai man lịch sử di chuyển, trốn cách ly để được “an toàn”.
Nhưng trên thực tế, không ai kỳ thị bệnh nhân Covid-19 vì họ mắc bệnh.
Họ là nạn nhân của virus. Mắc bệnh, đó là một tai họa mà chẳng ai muốn rơi vào đầu mình. Đừng đổ lỗi, hay bình phẩm về những người không may mắn như họ là nguyên do khiến ai đó, hoặc một vài người "mất Tết để đi cách ly". Dịch bệnh là tình hình chung, chẳng phải chúng ta đều biết vậy sao?
Nhưng hệ quả nguy hiểm hơn, đó là sự thiếu ý thức khai báo, một vài cá nhân gây khó dễ cho các cơ quan chức năng trong việc truy vết lây nhiễm trong cộng đồng.
Các chuyên gia y tế nhận định, tốc độ lây nhiễm của virus lần này rất cao (chỉ từ 27/1 đến chiều 5/2, Việt Nam ghi nhận 290 ca lây nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng), dịch bùng phát ở nhiều tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh, Hải Dương, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Gia Lai… với chu kỳ lây chỉ 1 - 2 ngày. Nếu không kiểm soát được 1 F0 ngoài cộng đồng, sau 7 ngày, con số lây nhiễm có thể lên 300 người cho một nguồn bệnh. Trong tình thế hiện tại, khi người người túa ra đường sắm Tết, về quê, cộng với tình hình dịch tễ như thế, sự giấu giếm ấy là một tội ác.
Những bác sĩ đi vào tâm dịch ở Hải Dương. Ảnh: Báo Tin tức.
Ai cũng có gia đình và người thân cần bảo vệ, nhưng trốn cách ly không phải là cách bảo vệ, mà là gián tiếp hại người thân của mình, nếu chẳng may mình là một F nào đó. Bao che cho một người có liên đới đến bệnh dịch, đó không phải là tử tế, mà là tàn nhẫn với cộng đồng, là đè thêm gánh nặng lên vai những chiến sĩ bộ đội, công an, nhân viên y tế, tình nguyện viên - những người làm nhiệm vụ ở “tuyến đầu”.
Tự do và êm ấm hưởng Tết nguyên đán bên gia đình, đó là điều ai cũng muốn. Nhưng trong tình thế này, hy sinh, hay nói đúng hơn là đóng góp một chút tự do của cá nhân, của người thân mình cho cuộc chiến chung của đất nước là mới là sự tử tế nhất có thể trao đi.
Cái xã hội cần là sự đồng lòng, bình tĩnh, thông tin trung thực và kế hoạch chống dịch khoa học. Và mỗi người, ngoài việc tuân thủ các nguyên tắc phòng dịch, cần có ý thức tự giác thông báo với cơ quan y tế, tuân thủ cách ly nếu đã đi qua vùng dịch hay thấy có nguy cơ tiếp xúc dịch tễ. Hãy cảm thông và hợp tác với lực lượng phòng dịch, trong trường hợp cần cách ly.
Đó không còn là một lựa chọn nữa, mà trở thành một nghĩa vụ công dân. “Sức khỏe dồi dào, vạn sự bình an” sẽ chỉ là lời chúc suông, nếu trong cộng đồng chúng ta vẫn còn những người “tàn nhẫn”. Có như thế, chúng ta mới thực sự có Tết. Và Tết là gì, nếu không phải là sự tự do: Tự do hít thở không khí trong lành, tự do đi học, đi làm, thăm nom nhau, tự do quây quần, sum họp mà chẳng phải nơm nớp chuyện người ngồi cạnh mình là F mấy?
Trường hợp F0, F1 không chủ động khai báo y tế theo quy định của pháp luật, từ chối hợp tác với cơ quan chức năng có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng về hành vi "Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A" theo điểm a khoản 3 Điều 7 Nghị định 117/2020/NĐ-CP.
Đối với trường hợp không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối mà dẫn đến lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo điểm c khoản 1 Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015. Đối với tội danh này, khung hình phạt thấp nhất là bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Pháp luật và bạn đọc