Ai cũng từng như thế: Chờ 7 ngày dài để chạy ù ra sạp đem về tờ báo còn thơm mùi giấy mới
Thời đại bùng nổ công nghệ và internet này, hiếm khi chúng ta có thể thấy người ta giở sồn sột từng trang báo giấy như thời xưa cũ nữa. Cái cảm giác chờ đợi mỗi tuần để tìm mua cho bằng được số báo mới của tạp chí yêu thích cũng dần phai nhạt đi ít nhiều...
Ai cũng từng như thế: Chờ 7 ngày dài để chạy ù ra sạp đem về tờ báo còn thơm mùi giấy mới
Những buổi sáng thứ 2 đầy háo hức của tụi học trò xưa bắt đầu từ các sạp báo vỉa hè: Đứa chạy ù từ nhà ra sạp mua hẳn hai tờ Hoa Học Trò và Mực Tím bỏ vào cặp rồi mang đến trường, đứa tiếc tiền thì đứng chây ì ở sạp giở giở từng trang đọc lén trước khi bị đuổi. Quý cô thành thị thì lúc nào cũng phải đắn đo ngắm nghía giữa một rừng tạp chí để chọn một quyển thật hay.
Các chú các bác thì đơn giản hơn nhiều: Lướt từng trang giấy xem hôm nay tin thời sự nào "nóng sốt" thì mua về, có 2 ngàn một tờ chứ mấy! Cũng vì niềm yêu thích và những thói quen đọc báo tờ, tạp chí ngày xưa ấy mà các sạp báo lúc nào cũng nhộn nhịp người mua kẻ bán. Nhiều hôm chủ sạp lấy ít báo mà sợ mất khách nên phải gọi người chạy đến tận tòa soạn mua về, treo sạp, bán tiếp.
Khi công nghệ đi vào đời sống và thời đại bùng nổ của internet bắt đầu, thói quen đọc của người dân cũng dần thay đổi. Độc giả được cập nhật tin tức, sự kiện tức thời với những hình ảnh và video sống động được cập nhật từng giờ, từng phút. Lâu dần, những tờ báo giấy không còn là ưu tiên số một và nhiều cơ quan báo chí buộc lòng phải giảm lượng phát hành, các sạp báo biến mất, những người bán báo dạo chuyển nghề…
Để rồi thỉnh thoảng dừng chân bên một sạp báo nhớ về một thời "cắm rễ" tại đây, mới nhận ra dòng chảy của thời cuộc đã kéo mình ra khỏi những hồi ức dễ thương năm nào.
Báo giấy vẫn tồn tại và vẫn có một vị thế nhất định trong lòng các độc giả trung thành. Chính vì thế mà sạp báo của cô Thủy ở quận 1 vẫn tồn tại suốt 25 năm qua, đi cùng từng lứa học trò của trường Bùi Thị Xuân.
Trò chuyện với cô Thủy, cô cứ cười và chia sẻ cái "tình yêu mãnh liệt" của mình với nghề báo. "Cô mở sạp lâu như vậy là vì cô yêu nghề, cô thích báo chí lắm, thật đó!" – cô Thủy nhấn mạnh. Cô Thủy thích học Văn từ cấp 2, yêu thích một vài tác giả nổi tiếng, say mê các bài viết về văn hóa Sài Gòn và tất nhiên vì thế mà cô yêu nghề báo.
"Nhưng vừa tốt nghiệp lớp 12 thì bố qua đời. Một mình mẹ cô phải gồng gánh nuôi các con, nên cô đành bỏ dở ước mơ thi vào trường báo chí để phụ giúp cho mẹ. Sau khi lấy chồng thì cô theo nghề bán báo này luôn. Lúc đó báo giấy được ưa chuộng lắm, cô treo tạp chí là kín bức tường này. Sạp cô là sạp nhỏ nhưng mỗi đầu báo cũng lấy vài chục tờ về bán, mà bán vèo vèo là hết" - cô cười tít mắt, ừ thì không có cơ hội viết báo thì mình đi bán những tờ báo mà người ta viết.
Mấy năm trước, lỡ hôm nào mà lấy thiếu tờ báo nào thì cô Thuỷ phải chạy ra tận chợ Lớn để mua thêm về bán, chứ không hề dễ dàng như bây giờ. Có bữa đang bán mà hết hàng phải năn nỉn người ta bỏ lại với giá cao hơn bình thường để có báo mà bán cho khách mối.
Nhìn những chồng báo vơi dần theo thời gian, cô buồn thiu: "Hồi đó một ngày cô lấy 50 cuốn Hoa Học Trò, bán hôm nay ngày mai là hết sạch. Nhưng giờ chỉ lấy tầm 5 cuốn mà có khi bán không hết, giới trẻ bây giờ đọc báo trên mạng là nhiều. Những báo khác cũng vậy, giảm khá nhiều. Giờ bán báo chi đủ tiền sống qua ngày, ngày nào bán hết thì mừng ngày đó".
Nhiều người bán cùng thời với cô Thuỷ giờ đã nghỉ và chuyển sang công việc khác. Người thân trong nhà cũng nhiều lần khuyên cô chuyển sang buôn bán mặt hàng khác để có thu nhập tốt hơn, nhưng cô vẫn quyết định gắn bó với nghề. Đơn giản vì cô còn yêu nghề lắm.
Không may mắn có được nhiều khách quen như cô Thuỷ, sạp báo của chú Phạm Văn Ham (62 tuổi) ở công viên Tao Đàn đìu hiu hơn rất nhiều. Chú cười nặng trĩu: "Ngày xưa một người đến mua 5 - 6 tờ báo về đọc. Giờ chỉ còn vài ông già đến tìm mua. Hơn 17 năm bán ở đây, giờ nhìn cảnh đìu hiu thiệt sự có chút chạnh lòng".
Những tiếng rao "Báo đây!", "Báo nóng hổi mới ra lò, vừa thổi vừa xem đây!" cũng dần chìm vào sự hối hả của cuộc sống công nghệ. Cô Tư (50 tuổi, Quảng Ngãi) là một trong số những người bán báo dạo hiếm hoi còn làm công việc này ở Sài Gòn. Mỗi ngày cô phải đi bộ hàng chục cây số bán báo dạo khắp các tuyến đường trung tâm, nhưng lời lãi chẳng đáng là bao.
"Cô vào Sài Gòn từ năm 2000, rồi bắt đầu đi bán báo dạo. Thời điểm đó báo bán chạy lắm, nhất là vào năm 2002 xảy ra vụ cháy ở toà nhà bên đường Nguyễn Trung Trực, lúc đó có tin nóng nên bán được lắm. Giờ là thua rồi, cô phải bán vé số để kiếm thu nhập chính, còn bán báo chỉ là phụ thêm tiền ăn sáng, ăn trưa" - cô tâm sự.
Trong thời đại nào thì người trẻ cũng có nhu cầu chia sẻ cảm xúc của cá nhân. Những tờ báo học trò vẫn đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống tinh thần của giới học sinh. Hẳn là có rất nhiều bạn từng để dành tiền ăn sáng cả tuần để mua một cuốn Mực Tím, Tuổi Xanh hay Hoa Học Trò, rồi háo hức chạy đi mua nhưng buồn xo vì hết báo... và cả những lá thư được viết nắn nót gửi về toà soạn, những ngày dài chìm trong mong ước mở báo ra sẽ thấy tên mình.
Vốn là một cây bút gắn bó hơn 10 năm trời với các độc giả trẻ, chị Chu Thu Hằng hóm hỉnh kể lại cảm giác háo hức của mình khi cầm trên tay quyển báo mới ra sạp. "Lúc đó chị đang học lớp 7 nhưng đã bắt đầu viết truyện gửi đăng báo. Mình ngô nghê nghĩ rằng cứ gửi đến toà soạn là người ta sẽ đăng ngay và trả nhuận bút ngay cho mình. Thế nên cứ trông ngóng từng số báo, vì nghĩ rằng khi lật tờ báo ra thì sẽ thấy truyện của mình và mình sẽ có tiền".
Vào thời đó không tồn tại khái niệm viết truyện, viết báo trên máy vi tính, mà hoàn toàn là viết tay trên giấy rồi gửi về toà soạn. "Sau này khi chị về làm chính thức cho Mực Tím, thì toà soạn mới chuyển từ viết tay lên gõ máy vi tính. Lúc đó cả toà soạn có 5 cái máy vi tính, phóng viên và biên tập viên phải đăng ký giờ để ngồi gõ, sau đó in bài ra rồi chuyển lên. Biên tập hay trưởng ban muốn sửa hay đảo đoạn phải cắt ra dán lại, ghi chú, sửa lỗi trực tiếp trên bản thào thành ra bản trả về luôn là một sấp giấy dán chi chít bay phấp phới" - chị Hằng bồi hồi nhớ lại.
Có rất nhiều độc giả đã lưu trữ nhiều số báo, tạp chí và đóng lại thành quyển, xem như một "gia tài tinh thần". Thời đó, không chỉ bạn đọc mong ngóng từng số báo mà cả những người làm nghề cũng mong chờ đứa con tinh thần của mình hàng tuần, hàng tháng xem nó thế nào, hồi hộp lật từng trang xem có sơ sót gì không. Sau khi báo phát hành, có khi phải bỏ tiền túi ra để mua tặng nhân vật, bạn bè của mình.
Với 18 năm làm nghề và kinh qua nhiều vị trí khác nhau, chị Trần Thị Ngọc Hương, từng giữ chức Giám đốc xuất bản Tạp chí Thế Giới Gia Đình cho biết: "Có những quãng thời gian, tôi và các đồng đội trẻ phải ngồi lại với nhau thường xuyên, tìm ra những đề tài hay nhất, đời nhất để làm chuyên đề, có ngày trong tuần hầu như phải thức đêm, thức hôm để biên tập, dàn trang, kiểm tra thông tin, chính tả, ký xuất file cho kịp deadline đi nhà in, nhất là trong các dịp Tết.
Khi chúng tôi ra về, Sài gòn đã gần bình minh với những hoạt động chào ngày mới khi những người bán hàng, những người đi giao báo… hòa trên đường cùng chúng tôi. Rồi buổi trưa, khi nhận bản proof từ nhà in, chúng tôi phải cùng nhau xem lại coi còn sai sót gì không để đảm bảo đến tay độc giả là những ấn phẩm hay nhất, sạch nhất của mình. Khi cảm thấy ổn rồi, chúng tôi mới về nhà, ngủ một giấc thật say để 2 hôm sau, nâng niu tờ tạp chí mới trong tay, ngồi ngắm nghía lại những đứa con tinh thần của mình mà cảm thấy sướng. Đó là một thời ký ức, một thời tuổi trẻ của tôi".
Đặc điểm của tạp chí là nội dung sâu sắc, chi tiết, hình ảnh đẹp, chỉn chu và một số tạp chí cao cấp còn phảng phất tinh thần phù phiếm cao độ. Cho nên, biên tập viên dù không chạy theo thời sự như báo ngày nhưng lại vất vả hơn khi phải biên tập trên phần mềm thiết kế, phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về layout, đôi khi, biên tập phải năn nỉ thiết kế cho thêm 1 từ, 1 dòng là bình thường.
Đặc điểm của tạp chí là nội dung sâu sắc, chi tiết, hình ảnh đẹp, chỉn chu và một số tạp chí cao cấp còn phảng phất tinh thần phù phiếm cao độ. Cho nên, biên tập viên dù không chạy theo thời sự như báo ngày nhưng lại vất vả hơn khi phải biên tập trên phần mềm thiết kế, phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về layout, đôi khi, biên tập phải năn nỉ thiết kế cho thêm 1 từ, 1 dòng là bình thường.
Thật ra trong sự biến chuyển của thời cuộc không có gì là chết đi mà nó chỉ chuyển từ hình thức này sang hình thức khác. Tôi lấy ví dụ về tạp chí, ngày xưa mình in ra sẽ cảm nhận được mỗi số báo được đầu tư chỉn chu, đẹp long lanh. Cầm tờ tạp chí cảm giác rất là sướng. Đến khi nhiều tờ tạp chí đóng cửa thì rất nhiều người hụt hẫng. Tuy nhiên hiện nay có khá nhiều kênh truyền thông họ chuyển sang làm E-Magazine, đây là một hình thức kết hợp giữa tạp chí in và báo điện tử khá hợp xu hướng. Các bài viết được đầu tư viết rất hay, hình ảnh đẹp, đồ hoạ cũng rất đẹp. Điều này giúp độc giả nguôi ngoai cái cảm giác nhớ tạp chí in ngày xưa" – chị Trần Thị Ngọc Hương.
Có một điều quan trọng là dù có chuyển đổi từ dạng này sang dạng khác thì tình yêu của độc giả dành cho báo chí vẫn mãi không thay đổi. Như cái cách mà cô Thuỷ dành tình yêu của mình cho công việc bán báo hằng ngày trên vỉa hè, cô cười hì hì: "Hồi mới cưới chú, cô nói với chú: không biết em có bán báo được đến 50 tuổi không, thế mà giờ cô 60 tuổi rồi đấy. Ai muốn đọc báo mạng thì đọc, nhưng báo tờ vẫn phải ra. Cô sẽ bán đến khi nào không còn sức nữa thì thôi". (cười)
Trí thức trẻ