MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ai cứu rỗi chúng ta thoát khỏi đại dịch Covid-19

15-04-2020 - 14:36 PM | Xã hội

Điều gì khiến cho Việt Nam - một quốc gia mới thoát nghèo, trình độ phát triển trung bình, hệ thống y tế với trang thiết bị còn khiêm tốn so với Mỹ, Italia, Tây Ban Nha, Đức mà lại chống đại dịch Covid-19 thành công ngoài mong đợi.

Đại dịch Covid-19 sẽ qua đi, cuộc sống thường nhật sẽ quay lại. Chắc chắn cả nhân loại ở tất cả các cấp độ sẽ phải dành một khoảng thời gian rất dài chiêm nghiệm nhằm rút ra những bài học kinh nghiệm cho hôm nay và con cháu mai sau, bởi Covid-19 chắc chắn không phải là thảm họa cuối cùng.

Những đề tài nghiên cứu, những hội thảo, những cuốn sách, những cuộc khảo sát chắc chắn sẽ diễn ra để tìm ra những câu hỏi rằng: Dịch từ đâu? Ai, tổ chức nào và quốc gia nào phải chịu trách nhiệm gây ra hậu quả thảm khốc này? Những quyết sách nào là sai lầm và đúng đắn?

Một thảm hoạ như ông Tổng thư ký liên hợp quốc xác quyết rằng nó lớn nhất, tồi tệ nhất kể từ sau thế chiến thứ 2 mà toàn thể nhân loại phải đối mặt. Chính hậu quả của nó và tiến trình chống lại nó đã phơi bày toàn bộ điểm mạnh và yếu của các quốc gia, các hệ thống chính trị, các tổ chức toàn cầu về quan điểm, nhận thức, về cấu trúc và cơ chế vận hành.

Rất nhiều nhận thức, mô hình tưởng như đã định hình và xác quyết là hoàn toàn đúng nay phải xem xét lại, đánh giá lại và điều chỉnh lại. Điều này không chỉ cho liên minh, quốc gia mà còn cho mỗi doanh nghiệp, trường học, hội đoàn tôn giáo, và tất nhiên là cho mỗi cá nhân.

Trong bài viết ngắn này, tác giả chỉ đề cập đến một góc nhìn hẹp về văn hoá và xã hội. Hãy bắt đầu từ ngay sân nhà! Đến lúc này, có thể tự tin khẳng định Việt Nam là quốc gia thành công nhất trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 , đã khống chế được dịch, số ca bị nhiễm thấp, không có ai chết vì dịch, xã hội không rơi vào khủng hoảng toàn diện về lương thực - thực phẩm, an ninh, an sinh, mắc dù gặp khó khăn và có những xáo trộn xã hội nhất định.

Như đã biết, dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện từ tháng 12/2019 tại tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ngày 9/1, trường hợp đầu tiên chết vì Covid-19 ở Vũ Hán, ngày 15/1 ca đầu tiên chết vì Covid-19 xảy ra bên ngoài Trung Quốc là ở Thái Lan, ngày 23/1 chính phủ Trung Quốc ra lệnh phong toả Vũ Hán, ngày 24/1 ca đầu tiên là người Trung Quốc chết tại Pháp.

Mãi đến đêm ngày 11/3 theo giờ Việt Nam, sau nhiều lần chần chừ, thiếu quyết đoán WHO mới ra tuyên bố chính thức đây là “đại dịch toàn cầu”. Điều mà làm cho thế giới ngạc nhiên là ngay từ khi dịch mới xuất hiện ở Vũ Hán thì chính phủ Việt Nam đã ngay lập tức nhập cuộc một cách tích cực và quyết liệt nhất. Một ban chỉ đạo chống địch được thành lập dưới sự chỉ đạo của một phó thủ tướng và các kịch bản và phương án chống dịch được xây dựng đến từng chi tiết nhỏ nhất.

Tối ngày 23/1 khi hai bệnh nhân đầu tiên người Trung Quốc được xác nhận là bị dương tính tại bệnh viện Chợ Rẫy thì ngay ngày hôm sau 24/1, lệnh kích hoạt Trung tâm phòng chống dịch được ban hành.

Toàn bộ hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương nhập cuộc chuyển động rất nhanh và bắt đầu từ đó hệ thống giải pháp hiệu quả được dần hoàn thiện đường như không có một sơ hở nào đáng kể. Tinh thần “chống dịch như chống giặc” và phương châm “ngăn chặn, phát hiện, khoanh vùng, cách ly, dập tắt” được triển khai thành công. Điều gì khiến cho một quốc gia mới thoát nghèo, trình độ phát triển trung bình, hệ thống y tế với trang thiết bị còn khiêm tốn so với Mỹ, Italia, Tây Ban Nha, Đức mà lại thành công ngoài mong đợi.

Một thể chế chính trị của Mỹ, Canada và cộng đồng chung Châu Âu được coi là hoàn thiện nhưng lại bị bất ngờ và cực kỳ lúng túng với đại dịch. Rõ ràng phân quyền sâu rộng và đa phương có nhiều ưu thế nhưng lại bất lợi khi cần ra một quyết định nhanh nhất và thống nhất cao trong tình huống khẩn cấp mang tính toàn cầu.

Ngoài việc một hệ thống chính trị đa nguyên nhiều tầng nấc, các chủ thể hành chính độc lập với nhau như ở Mỹ, hay một liên minh rộng lớn không biên giới như 27 nước thuộc Liên minh châu Âu khiến cho việc thống nhất một chính sách rất mất thời gian ra thì còn ghi nhận những quan niệm sống và văn hoá của người dân châu Âu và Bắc Mỹ khiến cho các chính phủ lúng túng khi ra các quyết định quan trọng nhất.

Mặc dù các chính phủ nhận thấy việc mang khẩu trang, ở trong nhà, giãn cách xã hội là cần thiết nhưng lại không nhận được sự đồng thuận của đa phần người dân, bởi với họ đó là sự lựa chọn cá nhân, là quyền riêng tư. Họ có quyền mang hay không mang khẩu trang, có quyền ở nhà hay ra ngoài đường, thích hay không thích rửa tay với cồn sát khuẩn và nếu chính quyền ban bố một lệnh như thế được coi là vi phạm nhân quyền .

Chính vì thế, hơn 2 tháng phát dịch người dân châu Âu kỳ thị với những người mang khẩu trang, coi ai mang khẩu trang là người mang bệnh và mất lịch sự khi ra đường và nói chuyện với người khác qua một lớp vải che, điều này giống như truyền thống văn hoá Tây Âu là không bao giờ nói chuyện với nhau qua kính dâm mầu sẫm, bắt tay nhau qua lớp găng tay và bây giờ là nói chuyện qua lớp khẩu trang mà họ gọi là mặt nạ (face mask).

Chính phản ứng văn hoá có phần thái quá này làm cho các chính phủ lúng túng không biết phải xử lý thế nào, cho đến nay đã hơn 3 tháng dịch mà các nước khu vực 27 nước thuộc cộng đồng chung châu Âu mới chỉ dừng ở mức khuyến cáo người dân nên mang khẩu trang khi đến nơi cộng cộng. Trong khi điều này thực hiện không quá khó khăn ở các nước châu Á như Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Có nhiều cách lý giải về điều này, chẳng hạn GS. Trương Tự Minh của Đại học Vũ Hán cho rằng các nước này chịu ảnh hưởng của Nho giáo nên thiết lập một trật tự xã hội mới là không khó khăn, ở một khía cạnh khác các nhà nghiên cứu cho rằng người dân ở các nước Á Đông đề cao giá trị cộng đồng hơn giá trị cá nhân, có nghĩa là khi có chiến tranh, thiên tai, dịch hoạ thì lợi ích cộng đồng được chấp nhận và đề cao hơn lợi ích riêng tư.

Như thế, mỗi cá nhân, gia đình phải chấp nhận hy sinh sở thích, tự do, và quyền lợi nhỏ bé nếu sự hy sinh đó đóng góp điều tốt cho cộng đồng, quốc gia. Những gì đang diễn ra ở Việt Nam trong cuộc chống Covid-19 này đang chứng tỏ điều đúng đắn đó.

Bắt đầu từ những năm 60 của thế kỷ trước, khi mà các con rồng châu Á trỗi dậy, thì các giá trị xã hội của vùng đất được người phương Tây gọi là phương Đông được toàn thế giới chú ý nhiều hơn, và nhiều giá trị xã hội châu Á được người châu Âu, Bắc Mỹ đem ra so sánh giữa các bảng giá trị đạo đức và xã hội với nhau.

Các giá trị xã hội đó là sự gắn kết các thành viên trong gia đình, tôn trọng người già, đề cao giáo dục, hoà hợp với thiên nhiên và đặc biệt là giá trị liên kết cộng đồng khu vực dân cư như làng xã, thôn bản, phường ấp,… Ở Đông Nam Á, giá trị cộng đồng được hình thành từ nông nghiệp lúa nước. Chẳng ai có thể canh tác lúa nước một mình, việc đưa nước từ sông vào từng thửa ruộng, việc làm cỏ, trừ sâu, thu hoạch là chuyện chung, nếu một nhà không trừ sâu thì nguy cơ cả làng mất mùa.

Do vậy, mà những câu ca dao, danh ngôn nhắc nhở truyền đời như “mua anh em xa, bán làng giềng gần”; “làng xóm tối lửa tắt đèn có nhau”; “một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Cái giá trị cộng đồng ấy như một truyền thống được duy trì, nuôi dưỡng, trao chuyền từ đời này qua đời khác trở thành một mạch ngầm không bao giờ cạn. Đặc biệt trong hoàn cảnh khó khăn như chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh thì vai trò của cộng đồng phát huy rất mạnh mẽ.

Những ngày đại dịch covid-19 này, người ta đã chứng kiến rất nhiều điều có ý nghĩa mà cộng đồng mang lại. Trong khó khăn, giá trị cộng đồng được thể hiện ra ở việc chia sẻ cảm xúc xã hội, truyền tải thông tin, hỗ trợ vật chất và đoàn kết thống nhất ý chí cùng nhìn về một hướng.

Trong lịch sử, chưa khi nào có chuyện một xã hội với hơn 10.000 dân hoàn toàn bị cách ly với bên ngoài trong tình trạng “nội bất xuất, ngoại bất nhập” trong 21 ngày. Xã Sơn Lôi huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc đã thực hiện cách ly thành công trong tình trạng bình an, yên ổn và hoà bình. Thành công này có công lao rất lớn của cộng đồng dòng họ, làng xã. Họ đã cùng nắm tay nhau đi qua những ngày khốn khó.

Sau hơn 100 ngày chống dịch, nhiều đơn vị hành chính cấp phường, xã và chung cư ở Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, TP. HCM đã và đang bị khu biệt với xã hội bên ngoài. Các thành viên trong nội cộng đồng và ngoại cộng đồng không chỉ chia sẻ với nhau khẩu trang, nước sát khuẩn, gói mì tôm, chục trứng gà mà còn luôn động viên tinh thần cho nhau, thông báo cho nhau hàng ngày hàng giờ về diễn biến dịch bệnh, về các thông báo mới của chính phủ và các phương pháp cách thức phòng dịch.

Ngoài cộng đồng cư trú theo địa bàn hành chính ra thì còn có những cộng đồng qui ước, những cộng đồng này trong những ngày qua cũng có những đóng góp tích cực cho việc chống dịch, trong đó phải kê đến cộng đồng nghệ sĩ.

Danh sách những nghệ sĩ bỏ tiến riêng của mình ra và bằng uy tín của mình gây quỹ cho việc chống dịch ngày một dài ra, tiên phong là ca sĩ Hà Anh Tuấn, Hồ Ngọc Hà, Chi Pu, Tùng Dương, Phạm Thuỳ Dung, Tóc Tiên,… Nhiều tỷ đồng được quyên góp để mua các phòng cách ly áp lực âm, trang phục bảo hộ, khẩu trang, nước sát trùng, găng tay, thực phẩm….

Tinh thần “thương người như thể thương thân” đang lan toả rộng rãi và mạnh mẽ khắp cả nước. Các bác sĩ, y tá, điều dưỡng đang làm việc quên thân mình trên tuyến đầu chống dịch, các anh bộ đội chịu rét chịu đói trấn giữ ở biên giới quốc gia, các anh công an, dân phòng ngày đêm lăn xả giữ yên cho xã hội chính là tấm gương sáng của tinh thần “thương người” này.

Hình ảnh bà mẹ 101 tuổi ở Hà Tĩnh tặng 2 tấn gạo, hàng trăm quán cơm miễn phí cho người mất kế sinh nhai xuất hiện ở TP. HCM, Đà Nẵng, hàng chục điểm phát nhu yếu phẩm miễn phí dọc các cung đường giao thông, và nhiều sáng kiến nảy sinh phục vụ cộng đồng, trong đó phải kể đến “ATM” cung cấp gạo miễn phí cho người nghèo xuất hiện khắp các tỉnh thành.

Vũ Hán, nơi được coi là nơi xuất hiện đầu tiên của dịch Covid-19 và cũng là trung tâm dịch lớn nhất thế giới cho đến thời điểm này. Họ đã trụ được và dần khôi phục cho dù thiệt hại cực kỳ nặng nề về nhân mạng và của cải vật chất.

Nếu không nhờ có các cộng đồng dân cư và sáng kiến của họ thì chưa chắc dịch đã được khống chế như bây giờ, bởi ngay từ đầu chính quyền địa phương đã mắc một sai lầm khủng khiếp là không minh bạch thông tin. Chính quyền đã giấu nhẹm thông tin, trấn áp các nhà khoa học không cho công bố loại vi rút nguy hiểm này. Nếu chính quyền địa phương lắng nghe ý kiến của bác sĩ Lý văn Lượng cho biết về con vi rút nguy hiểm này từ tháng 12/2019 thì chắc không có một trận đại dịch mang tính toàn cầu này.

Tôi đã từng sống ở châu Âu nên phần nào hiểu điều này. Xưa nay dân châu Âu rất tự hào về hệ thống y tế hiện đại và an sinh xã hội của họ có thể đối phó được mọi tình huống, còn người châu Âu luôn có suy nghĩ rằng dịch bệnh rất khó xuất hiện ở xứ họ vì ở đây quá văn minh, môi trường sạch sẽ, thực phẩm chất lượng cao, nếu có thì chỉ ở các nước nghèo nàn, lạc hậu có trình độ y tế thấp kém, môi trường ô nhiễm, dịch bệnh sẽ bùng phát ở các khu ổ chuột, các khu cư trú dọc kênh rạch. Họ rất chủ quan và coi thường đến mức ai mà mang khẩu trang là bị kỳ thị, cho nên khi dịch lan tới là cả khối Schengen rơi vào tình thế bị động, chống đỡ không kịp.

Hơn nữa người châu Âu có quan niệm dứt khoát rằng họ là người dân có trách nhiệm đóng đủ thuế, nên việc lo dịch vụ, trong đó có việc chống dịch là chuyện của chính phủ. Hầu như ở các nước châu Âu không có chuyện toàn dân chống dịch như ở ta, không có chuyện các cộng đồng đứng ra cùng chính phủ huy động tối đa tất cả mọi nguồn lực cho một mục tiêu là dập dịch.

Một điều nữa cần nhắc đến, cho dù rất ít người chú ý. Đó là truyền thống “phòng thân”, “lo xa” đã giúp chính phủ Việt Nam và người dân hợp tác chắt chẽ với nhau cuộc chiến sinh tử này. Có thể do địa chính trị và vị trí đia lý mà Việt Nam là một trong các quốc gia luôn phải chịu mọi thử thách chết người. Đó là thiên tai, địch hoạ, đó là chiến tranh xâm lược. Bất kỳ lúc nào mỗi cá nhân, gia đình và cả dân tộc có thể bị rơi vào rủi ro. Chắc chắn là như thế cho nên từ lâu lắm rồi, có lẽ hàng nghìn năm cha ông ta có một truyền thống là chuẩn bị biến ngay khi an.

Hãy xem, cha ông ta dạy con cháu rằng ai cũng có thể bị sa cơ, ngay cả với người đang có của ăn của để, rằng “ăn mày là ai /ăn mày là ta ? Đói cơm rách áo, hóa ra ăn mày” do vậy mà lúc nào cũng phải “tích cốc, phòng cơ”, “ăn bữa nay lo bữa mai”, lúc nào cũng chuẩn bị tinh thần “quân tử phòng bị gậy”. Lúc nào cũng chuẩn bị đối phó với “thuỷ hoả đạo tắc” theo kiểu “phòng bệnh hơn trị bệnh”; “phòng cháy hơn chữa cháy”, ngay cả trong quân sự cũng vậy, cha ông ta có truyền thống “chuẩn bị chiến tranh ngay khi đang hoà bình”, như Hưng Đạo Đại Vương dạy rằng phải luôn coi việc "đặt mồi lửa dưới đống củi nỏ" làm nguy.

Thấm nhuần truyền thống văn hoá này mà ngay từ khi dịch mới khởi phát ở Vũ Hán, chính phủ và các cơ quan chức năng đã ngay lập tức nhập cuộc một cách chủ động. Người đứng đầu chính phủ thấu hiểu rằng Việt Nam có 1.450 km chung đường biên giới với Trung Quốc, mỗi ngày có hàng trăm ngàn khách du lịch từ tất cả các nước trên thế giới đến Việt Nam, nếu không quyết liệt thì dịch sẽ bùng phát.

Có lẽ Việt Nam là quốc gia sớm nhất đưa ra quyết định khó khăn là “sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế để đảm bảo an toàn cho nhân dân”, bởi quyết định này đồng nghĩa với suy giảm kinh tế, mất việc làm , mất thu nhập, kéo lùi GDP từ 7,5 % xuống còn 3%, thậm chí là bằng 0 hay âm.

Cho đến nay, dịch đã đi qua được hơn 100 ngày, có thể nói chúng ta đã làm chủ được tình thế và nhất định sẽ chiến thắng. Chưa bao giờ truyền thống đoàn kết cộng đồng lại lan toả rộng khắp, và nhân lên mạnh mẽ như trong thời gian này đúng như Tổng bí thư, Chủ tịch nước trong lời hiệu triệu trước quốc dân đồng bào có nói “Nhân dân ta có truyền thống yêu nước, nhân nghĩa. Mỗi khi đất nước gặp khó khăn, truyền thống đó lại càng được nhân lên gấp bội”.

Với tinh thần nhân nghĩa đó, chắc chắn chúng ta sẽ thắng trong cuộc đại dịch này.

(*) Bài viết thể hiện quan điểm của PGS.TS Nguyễn Minh Hòa – Giảng viên cao cấp khoa đô thị học Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP. HCM, Phó chủ tịch Hội quy hoạch và phát triển đô thị TP. HCM.

Theo PGS.TS Nguyễn Minh Hòa

The Leader

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên