Ai đang thực sự thao túng lợi ích từ cát?
Có lẽ việc lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh cầu cứu vì bị đe dọa liên quan dự án nạo vét gắn với tận thu cát trên sông Cầu là hy hữu. Nhưng nhóm lợi ích lớn cỡ nào mà khiến bộ máy công quyền cấp tỉnh bất lực? Chúng tôi có cuộc đối thoại với Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật.
- 15-03-2017Người dân Bắc Giang bức xúc nạn khai thác cát trái phép
- 20-12-2016Đột kích “đại công trường” khai thác cát lậu tại Bà Rịa - Vũng Tàu
- 29-09-2016Nhức nhối tình trạng khai thác cát, tàn phá môi trường ở TT-Huế
- 24-06-2016Khai thác cát trái phép: Chính quyền đùn đẩy trách nhiệm
Mong công an làm rõ
Ông suy nghĩ gì trước việc lãnh đạo Bắc Ninh cho biết họ bị đe dọa bởi quyết định dừng dự án nạo vét gắn với tận thu cát trên sông Cầu do Bộ GTVT quản lý?
Việc lãnh đạo cấp cao của một tỉnh với đủ các hệ thống bảo vệ pháp luật bị đe dọa là chuyện lớn, không bình thường. Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Công an vào cuộc, công an Bắc Ninh cũng đang điều tra. Vì vậy, chúng tôi không muốn có ý kiến hay bình luận gì, mà đợi công an làm rõ.
Với trách nhiệm bộ quản lý chuyên ngành, ngay sau khi lãnh đạo Bắc Ninh có ý kiến, chúng tôi đã có văn bản trả lời ban đầu với tỉnh Bắc Ninh, chỉ đạo Cục Đường thủy nội địa rà soát, báo cáo. Chúng tôi rất mong cơ quan chức năng làm rõ việc này.
Việc lãnh đạo cấp tỉnh bị đe dọa khiến người ta nghĩ rằng, đối tượng đe dọa ở tầm cao hơn và lợi ích từ khai thác cát gắn với nạo vét luồng không nhỏ, thưa ông?
Việc nghi ngờ, suy diễn là tự nhiên, chúng tôi không bình luận. Còn lợi ích và những phức tạp trong công tác nạo vét, duy tu luồng tàu thủy gắn với tận thu cát, Bộ GTVT nhận thấy từ lâu và đã có các biện pháp kiểm soát.
“Trong khai thác cát có 3 loại: Duy tu luồng do Cục Đường thủy cấp; cấp khai thác khoáng sản do địa phương cấp (khoảng 500 dự án) và thứ 3 là “cát tặc”. Từ năm 2016, Bộ GTVT không cấp phép dự án nào. Theo quy trình cấp phép tận thu, tất cả dự án nếu không được địa phương chấp nhận và không có đánh giá tác động môi trường thì không được thông qua”.
Thứ trưởng GTVT Nguyễn Nhật
Tính từ năm 2011 đến nay, cả nước có 66 dự án nạo vét luồng đường thủy theo phương thức xã hội hóa. Trong đó, 28 dự án sau rà soát, Bộ yêu cầu chấm dứt, 10 dự án hết hạn hợp đồng cũng đã cho dừng; 3 dự án hoàn thành thủ tục nhưng chưa triển khai thi công vì địa phương không đồng thuận, 3 dự án chưa hoàn thành thủ tục, 5 dự án tạm dừng thi công (trong đó có dự án sông Cầu - PV), 14 dự án đang thi công. Đến nay, chỉ có 1 dự án đưa vào vận hành, 2 dự án đã thực hiện xong đang hoàn tất thủ tục.
Như vậy, số lượng dự án nạo vét kết hợp tận thu thực tế được triển khai rất ít. Từ năm 2015 đến nay, Bộ chỉ đồng ý cấp thêm duy nhất một dự án nạo vét kết hợp tận thu cát trên sông Đà vì đây là tuyến đường sông quan trọng, doanh nghiệp vận tải đường thủy và địa phương nhiều lần kiến nghị. Tuy nhiên, ngay cả dự án này cũng chưa triển khai.
Riêng với dự án nạo vét trên sông Cầu qua Bắc Giang và Bắc Ninh, Bộ GTVT tạm dừng. Cuối năm 2015 và đầu 2016, 17 doanh nghiệp vận tải đường thủy trên tuyến viết đơn đề nghị Bộ GTVT thực hiện nạo vét để tàu qua lại. Bộ GTVT cùng địa phương lập đoàn khảo sát và đồng ý cho tiếp tục nạo vét, tận thu cát những điểm cấp thiết. Quyết định của Cục Đường thủy cũng ghi rõ, dự án chỉ được tiếp tục khi địa phương đồng ý. Tỉnh Bắc Giang đồng ý nên nhà đầu tư thi công; còn khu vực Bắc Ninh, nhà đầu tư chưa làm. Họ báo cáo, khi đến địa bàn, thấy nhiều tàu hút cát trái phép, trong đó có tàu mang danh nghĩa của chính họ nên đã chủ động xin dừng.
Sẽ xem xét trách nhiệm Cục Đường thủy
Hẳn công tác quản lý có nhiều phức tạp nên Bộ GTVT mới liên tục rà soát như vậy, thưa ông?
Ngay sau sự việc trên sông Cầu ở Bắc Ninh, Bắc Giang, dù chưa thể kết luận dấu hiệu tiêu cực nhưng Bộ GTVT đã chỉ đạo đình chỉ công tác các thanh tra đường thủy phụ trách khu vực này. Công tác phòng chống khai thác cát trái phép trên luồng vận tải thuộc trách nhiệm của họ, nhưng không hoàn thành và không báo cáo lên Cục và Bộ.
Bộ GTVT luôn nêu cao quan điểm sẽ xử lý trách nhiệm người đứng đầu. Lần này thì sao?
Chúng tôi sẽ xem xét trách nhiệm quản lý nhà nước của Cục Đường thủy Nội địa trong sự việc cụ thể vừa qua và cả quá trình trước đây.
Tuy nhiên, có một thực tế là lực lượng thanh tra đường thủy hiện nay quá mỏng. Tuyến đường sông trung ương đã lên đến 7.100 km nhưng lực lượng thanh tra mỏng, chỉ gồm 2 chi cục ở miền Bắc và miền Nam.
Ngoài thanh tra của Cục Đường thủy nội địa còn có rất nhiều lực lượng khác cùng kiểm soát lòng sông và xử lý cát tặc như CSGT đường thủy, thanh tra giao thông các địa phương, cơ quan thuế… Tuy nhiên, tình trạng cát tặc vẫn xảy ra chứng tỏ công tác kiểm soát, phối hợp chưa tốt.
Chính sách có kẽ hở
Lãnh đạo Cục Đường thủy thừa nhận chưa có dự án nạo vét đường thủy nào được đấu thầu. Điều đó khó tránh việc dư luận nghi ngờ có sự móc nối giữa đơn vị cấp phép và nhà đầu tư. Ý kiến của ông thì sao?
Việc không đấu thầu chính là yếu tố chưa hoàn thiện của chính sách. Hiện nay, Bộ GTVT dừng cấp dự án mới cũng nhằm để bổ sung quy định đấu thầu dự án. Cụ thể, chúng tôi đang sửa đổi thông tư quy định về triển khai dự án xã hội hoá nạo vét và đưa các quy định đấu thầu dự án vào. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã hoàn thiện hồ sơ để xây dựng hai nghị định trình Chính phủ, gồm nghị định quản lý luồng tuyến đường thủy và một nghị định riêng về công tác duy tu, nạo vét luồng đường thủy. Trong đó sẽ có các quy định chặt chẽ về thực hiện các dự án xã hội hóa nạo vét luồng.
Vậy từ trước đến nay, mất kiểm soát với nhà đầu tư sao?
Hiện dự án nạo vét kết hợp tận thu được lập ra dựa trên khảo sát luồng tàu của Cục Đường thủy nội địa, có sự tham gia của địa phương. Ngoài ra, trước đây có dự án do nhà đầu tư đề xuất nhưng hiện nay Bộ không chấp nhận việc doanh nghiệp tự đề xuất, “chạy” dự án.
Khi chưa có quy định đấu thầu, nhà đầu tư được phép tiến hành khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật thi công, quá trình thi công có tư vấn giám sát, Cục Đường thủy cùng các cơ quan ở địa phương giám sát. Tuy nhiên, do quan điểm lượng cát bồi lắng trong luồng thường không lớn bằng các mỏ khai thác cát được cấp cạnh khu vực luồng (thuộc quản lý của địa phương) nên từ trước đến nay áp dụng, Bộ GTVT cho phép nhà đầu tư hưởng toàn bộ số cát tận thu tại dự án sau khi đã nộp đủ các loại thuế phí. Cách làm đó là chưa chặt chẽ, Nhà nước không thu được lợi ích trong trường hợp số lượng cát tận thu lớn.
Nhiều doanh nghiệp vận tải thủy và doanh nghiệp cảng sông phản ánh, chủ đầu tư nạo vét chỉ quan tâm hút cát, không hút bùn; thậm chí hút cát của cả phần bờ?
Dù tư vấn giám sát được Cục phê duyệt nhưng lại nhận chi phí giám sát của nhà đầu tư nên việc hiệu quả giám sát còn hạn chế. Tới đây, Bộ GTVT không cho phép thực hiện theo phương thức này. Tư vấn giám sát phải do Cục Đường thuỷ lựa chọn, họ nhận chi phí và chịu trách nhiệm trước Cục Đường thủy.
Ngoài ra, các biện pháp khác như kiểm tra đột xuất của Cục Đường thủy, việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật hiện đại để kiểm soát luồng nạo vét phải được đưa vào ngay mới khắc phục được các bất cập hiện nay.
Cảm ơn ông.
Tiền Phong