Ai đang xóa sổ biệt thự cổ một thời vang bóng
Chỉ tính riêng trung tâm TPHCM, sau năm 1975 Sở Quy hoạch- Kiến trúc thống kê có 1.227 biệt thự cổ. Tuy nhiên, đến nay hơn một nửa trong số đó đã biến mất, thay vào đó là những toà nhà cao tầng. Nhiều căn biệt thự cổ khác đứng trước nguy cơ “bị xoá sổ”.
- 30-11-2018Soi tân binh của thị trường biệt thự biển cuối 2018
- 29-11-2018Cận cảnh căn biệt thự cổ gần 100 năm trị giá 35 triệu USD tại Sài Gòn, vừa được đề xuất đưa vào danh mục phải trùng tu hoàn toàn
- 28-11-2018Bộ Xây dựng yêu cầu Hà Nội báo cáo vụ “ăn bớt” đất nhà ở xã hội xây biệt thự
“Ðặc khu di sản” bị thôn tính
Nhà nghiên cứu Trần Hữu Phúc Tiến trong nghiên cứu về thực trạng các di tích tại TPHCM cho biết, Sài Gòn trước đây là “Đặc khu di sản”. Ông xếp hạng “đặc khu di sản” này là vùng đất trung tâm Sài Gòn với diện tích hơn 190ha được bao quanh bởi 4 con đường là Võ Thị Sáu- Hai Bà Trưng- Nguyễn Du- Cách Mạng tháng 8. Bên trong “Đặc khu Di sản” này là một đô thị được người Pháp thiết kế, quy hoạch và xây dựng để trở thành một đô thị hoàn chỉnh, bao gồm các khu hành chính, dân cư, khu thương mại, khu vui chơi….
Suốt một thời gian dài, “Đặc khu di sản” này trở thành một không gian sống kiểu mẫu khi môi trường sống luôn được đảm bảo, thuận tiện và hài hòa. Không gian đó đã trở thành giá trị lịch sử, văn hóa và ký ức sâu thẳm của bao người mà giờ đây khó có thể tìm được. “Nhưng hiện nay chúng ta đang bỏ quên những giá trị của không gian này”- ông nói và lấy làm tiếc khi hàng ngàn biệt thự ở khu vực này bị bỏ quên, bị tàn phá.
Đồng tình với nhà nghiên cứu Phúc Tiến, TS Nguyễn Thị Hậu- Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử TPHCM cho rằng, nét độc đáo của những biệt thự cổ tại Sài Gòn là kiến trúc theo kiểu kết hợp Đông- Tây. Những ngôi biệt thự đều có diện tích khá lớn, được xây dựng bằng các vật liệu bền vững và có không gian phù hợp với sinh hoạt, truyền thống của gia đình người Việt. Tuy nhiên, hiện nay các di sản này không được bảo tồn, nhiều chủ sở hữu chưa có ý thức gìn giữ dẫn đến nhiều di sản bị tàn phá không thương tiếc…
Thống kê của Sở Quy hoạch- Kiến trúc TPHCM cho thấy, đường Nguyễn Đình Chiểu từng có 53 căn nhưng hiện chỉ còn 24; đường Hai Bà Trưng có 40 căn giờ chỉ còn khoảng 20; đường Lê Quý Đôn và Mạc Đĩnh Chi nay chỉ còn 6 trong số 20 căn…
TS Nguyễn Thị Hậu- Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử TPHCM cho rằng, nét độc đáo của những biệt thự cổ tại Sài Gòn là kiến trúc theo kiểu kết hợp Đông- Tây. Những ngôi biệt thự đều có diện tích khá lớn, được xây dựng bằng các vật liệu bền vững và có không gian phù hợp với sinh hoạt, truyền thống của gia đình người Việt.
Biệt thự Phương Nam 110-112 Võ Văn Tần như báu vật quốc gia từng bị quên lãng
Lý giải về sự “mất tích” của biệt thự cổ, sở này cho rằng nguyên nhân một phần do thủ tục duy tu, tôn tạo gặp nhiều khó khăn, nhiêu khê khiến nhiều chủ sở hữu làm liều. “Khi cơ quan chức năng phát hiện, nhiều kiến trúc cổ chỉ còn trên giấy, hoặc bị sửa chữa, chắp vá”- đại diện sở này cho hay. Thêm vào đó, việc phá dỡ hay cơi nới các biệt thự cổ xuất phát từ lợi ích trước mắt mà những người sống trong biệt thự vì kế sinh nhai. Không ít đại gia bất động sản khi bỏ ra hàng trăm tỷ đồng mua lại các biệt thự cổ người chỉ nhắm vào tiềm năng khu đất, sẵn sàng đập bỏ thay vì bảo tồn, tôn tạo. Những chủ sở hữu thật sự mong muốn, đủ tiền bạc, như năng lực bảo tồn, tôn tạo biệt thự cổ là quá ít.
Bảo tồn: Còn trên giấy
TS- KTS Tô Kiên cho biết, hoạt động bảo tồn nếu tổ chức tốt sẽ là “Nồi cơm Thạch Sanh” cho kinh tế, gắn kết được giữa phát triển và bảo tồn. “Những nước có lịch sử phát triển lâu đời và số lượng di sản lớn như Ý, Pháp, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Nhật Bản đều có doanh thu rất lớn từ du lịch. Ngay như Singapore, dù số lượng di sản không nhiều nhưng Chính phủ đã có những biện pháp cấp thiết để bảo tồn và khai thác, tại sao chúng ta lại bỏ phí một nguồn lợi như thế?” TS Tô Kiên nói.
TS Nguyễn Thị Hậu nêu hai trường hợp để so sánh, đó là Cung điện cổ Wroclaw tại Ba Lan đã được một người Việt mua lại. Cung điện này xây dựng năm 1890, bị tàn phá một phần trong chiến tranh. Tuy nhiên, sau bán cho chủ sở hữu mới, người mua phải chấp hành bảo tồn trùng tu theo đúng hiện trạng cũ. Theo TS Nguyễn Thị Hậu, trước đây có một ngôi nhà cổ 237 Nơ Trang Long (Bình Thạnh) đã biến mất và hiện nay ngôi biệt thự Phương Nam số 110- 112 Võ Văn Tần (Quận 3) cũng đang rơi vào cảnh tương tự nếu không sớm có giải pháp.
“Do đó nên chăng việc bán những ngôi biệt thự cổ cho những chủ sở hữu có đủ điều kiện về bảo tồn sẽ là giải pháp để gìn giữ? Nhà nước nên có các giải pháp khuyến khích chủ sở hữu sử dụng biệt thự cổ cho các mục đích văn hóa, chia sẻ với chủ sở hữu về việc gìn giữ, bảo tồn”- TS Nguyễn Thị Hậu nêu vấn đề.
Nhà nghiên cứu Phúc Tiến cho rằng, với không gian di sản còn lại hiện nay cần sớm có giải pháp để bảo vệ và phát huy những giá trị kiến trúc, lịch sử, văn hóa. Có thể là xây dựng phố đi bộ, có thể xây dựng một không gian những con đường biệt thự cổ để phát huy các giá trị của di sản.
Theo Nhà nghiên cứu Phúc Tiến, "Đặc khu di sản" từng là nơi có nhiều căn biệt thự mà nhiều người nổi tiếng đã sống và làm việc như nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, giáo sư Trần Văn Giàu (Đường Phạm Ngọc Thạch), biệt thự Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (Đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa), Dinh Đại tướng Andre’ Hartemam (Chỉ huy Không quân Pháp vùng Viễn Đông), gia đình nhà văn Marguerite Duras (Tác giả cuốn Người tình), Dinh đô đốc Elmo Zumwalt (Đường Võ Văn Tần)… tất cả những biệt thự này sẽ tạo ra nguồn lợi lớn nếu được bảo tồn và khai thác.
Tiền phong