AI định hình tầm nhìn mới: Thách thức và cơ hội cho lãnh đạo ngành Ngân hàng
Trí tuệ nhân tạo (AI) đang cách mạng hóa toàn diện mọi lĩnh vực, và ngành ngân hàng cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Đối với lãnh đạo các ngân hàng, AI không chỉ là một công cụ hỗ trợ mà còn là một yếu tố quyết định thành công của mỗi nhà băng trong tương lai.
1. AI đang thay đổi góc nhìn và định hướng của các lãnh đạo ngân hàng thế nào?
Theo nghiên cứu của McKinsey, AI có tiềm năng mang lại giá trị gia tăng lên đến 1 nghìn tỷ USD mỗi năm. Sự quan tâm đến AI đang bùng nổ trên toàn cầu khi công nghệ này được áp dụng rộng rãi trong nhiều ngành nghề, thúc đẩy niềm tin ngày càng lớn từ các nhà quản lý. Phân tích từ Statista dự báo rằng việc triển khai AI trong lĩnh vực tài chính sẽ chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể trong giai đoạn 2022-2025.
Các nghiên cứu cho thấy ứng dụng AI trong Ngành đang có sự gia tăng đáng kể, với tỷ lệ dự kiến sẽ tăng từ 8% vào năm 2022 lên 43% vào năm 2025. Khi ngày càng nhiều doanh nghiệp áp dụng AI, tiềm năng cho đổi mới sáng tạo sẽ được mở rộng, đồng thời các hoạt động ứng dụng sẽ dần được tiêu chuẩn hóa và trải nghiệm khách hàng cũng sẽ được cải thiện đáng kể.
Với tác động ngày càng rõ rệt trong thực tế của AI, các doanh nghiệp đang quan tâm nhiều hơn đến thời gian thực hiện và mức độ triển khai AI, điều này phụ thuộc vào năng lực của từng tổ chức. Trong số các ngành chịu ảnh hưởng lớn từ AI, ngân hàng là một trong những ngành có tiềm năng ứng dụng mạnh mẽ nhất nhờ vào các yếu tố đặc thù:
(1) Ngành ngân hàng có sẵn nguồn dữ liệu lớn và độ xác thực cao, mang lại lợi thế trong việc triển khai AI so với các lĩnh vực khác.
(2) Ngân hàng đã đạt đến mức độ "trưởng thành số" cao, nhờ vào các khoản đầu tư vào công nghệ thông tin (CNTT) trong nhiều năm.
(3) Nhân sự trong ngành đã quen thuộc với việc sử dụng công nghệ trong các hoạt động nghiệp vụ thường ngày, giúp dễ dàng tiếp cận và ứng dụng các công nghệ đột phá như AI.
(4) Nhiều tác vụ trong ngành được lặp đi lặp lại, đòi hỏi khả năng kết nối và xử lý thông tin cao, tạo ra nhu cầu lớn cho việc ứng dụng AI trong các quy trình thủ công.
Các nhà lãnh đạo nhận thức rõ tầm quan trọng và tiềm năng của AI, nhưng nhiều người vẫn gặp khó khăn trong việc triển khai hiệu quả các sáng kiến AI trong tổ chức. Thông thường, các phòng ban và bộ phận nghiệp vụ trong doanh nghiệp sẽ thực hiện các dự án AI một cách độc lập. Ban đầu, điều này có thể tạo ra những tín hiệu tích cực, khi sự tham gia và cam kết rộng rãi từ các bộ phận là yếu tố quan trọng cho quá trình chuyển đổi AI của toàn tổ chức.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lớn cho biết họ đã gặp phải khó khăn trong việc phối hợp khi triển khai các sáng kiến và thí điểm AI khác nhau. Các đơn vị trong doanh nghiệp cần thiết lập các tiêu chuẩn và quy trình hợp lý, đồng thời tránh việc nghiên cứu và phát triển trùng lặp. Lãnh đạo doanh nghiệp đang tìm kiếm cách thức tối ưu để tận dụng nguồn nhân lực khan hiếm hiện có, đồng thời đảm bảo năng suất và hiệu quả hoạt động được nâng cao tối đa.
Khi trí tuệ nhân tạo (AI) được ứng dụng rộng rãi trên thị trường, các nhà lãnh đạo cấp cao sẽ phải tạo ra các cơ cấu tổ chức phục vụ cho hoạt động tự chủ về trí tuệ nhân tạo trên quy mô lớn.
Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải từ bỏ nhiều mô hình tổ chức truyền thống vốn phổ biến trong các phòng họp hiện nay, đồng thời phát triển những thước đo và cấu trúc tổ chức mới, linh hoạt hơn để đáp ứng các yêu cầu của kỷ nguyên AI.
2. Các lãnh đạo Ngân hàng phải thay đổi như thế nào trong bối cảnh AI được ứng dụng trong toàn bộ ngân hàng?
Tổng giám đốc (CEO)
Tầm nhìn và chiến lược phát triển:
Xác định tầm nhìn AI rõ ràng phù hợp với mục tiêu chiến lược phát triển ngắn hạn, trung hạn và dài hạn của ngân hàng.
Xây dựng lộ trình phát triển năng lực AI dài hạn bao gồm các ưu tiên đầu tư, quan hệ đối tác tiềm năng và mục tiêu đổi mới.
Quản lý văn hóa và sự thay đổi:
Thúc đẩy văn hóa đổi mới sáng tạo và học hỏi không ngừng để ứng dụng AI trong các hoạt động nghiệp vụ của ban lãnh đạo và các đơn vị thành viên.
Truyền đạt lợi ích và mục tiêu của các sáng kiến liên quan đến AI tới tất cả các bên liên quan để thúc đẩy sự đồng tình và giảm bớt sự phản kháng.
Sự tham gia của các bên liên quan:
Tương tác với các bên liên quan, bao gồm thành viên hội đồng quản trị, nhà đầu tư, khách hàng và cơ quan quản lý để truyền đạt tầm quan trọng chiến lược và tác động của AI.
Trực tiếp dẫn dắt các cuộc thảo luận về những cân nhắc liên quan đến đạo đức và tác động xã hội trong việc áp dụng AI.
Giám đốc CNTT (CIO)
Hạ tầng và công nghệ:
Xác định các định hướng đầu tư vào cơ sở hạ tầng CNTT linh hoạt và dễ dàng tích hợp mở rộng giúp hỗ trợ nhanh chóng các ứng dụng AI, bao gồm điện toán đám mây, khả năng lưu trữ và xử lý dữ liệu.
Triển khai các biện pháp bảo mật an toàn thông tin giúp bảo vệ dữ liệu nhạy cảm cũng như các thông tin liên quan đến mô hình AI
Tích hợp công nghệ:
Đảm bảo tích hợp liền mạch các công nghệ AI với các hệ thống và nền tảng sẵn có của doanh nghiệp
Làm việc với các bộ phận phòng ban nghiệp vụ để xác định các lĩnh vực mà AI có thể nâng cao hoạt động và dịch vụ.
Quản lý các nhà cung cấp dịch vụ và đối tác công nghệ:
Đánh giá và lựa chọn nhà cung cấp, đối tác công nghệ AI để hợp tác.
Đàm phán hợp đồng và hợp nhất các đơn vị cung cấp dịch vụ và đối tác công nghệ để đảm bảo giá trị và hiệu quả hoạt động.
Giám đốc phụ trách dữ liệu (CDO)
Quản trị và quản lý dữ liệu:
Thiết lập và thực thi các chính sách quản trị dữ liệu giúp đảm bảo chất lượng, tính nhất quán và bảo mật dữ liệu.
Triển khai các biện pháp quản lý dữ liệu tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu thập, lưu trữ và truy xuất dữ liệu hiệu quả.
Xây dựng chiến lược dữ liệu:
Phát triển chiến lược dữ liệu toàn diện hỗ trợ các sáng kiến AI, tập trung vào khả năng tiếp cận, khả năng sử dụng và phân tích dữ liệu.
Thúc đẩy việc ra quyết định dựa trên dữ liệu trong toàn bộ doanh nghiệp.
Xác định quyền riêng tư và tuân thủ dữ liệu:
Đảm bảo doanh nghiệp tuân thủ các quy định bảo vệ dữ liệu, chẳng hạn như các tiêu chuẩn quốc tế GDPR và tiêu chuẩn dựa trên nghị định 13/2023/NĐ-CP
Thực hiện các biện pháp an toàn bảo mật thông tin về dữ liệu khách hàng.
Giám đốc tài chính (CFO)
Phân bổ đầu tư và ngân sách:
Phân bổ nguồn lực và ngân sách cho các dự án AI, đồng bộ với các chiến lược phát triển theo từng giai đoạn của doanh nghiệp.
Đánh giá tác động tài chính và ROI của các sáng kiến AI để chứng minh cho khoản đầu tư
Quản lý rủi ro tài chính:
Đánh giá và giảm thiểu rủi ro tài chính liên quan đến AI, chẳng hạn như rủi ro về mô hình, chi phí tuân thủ và những gián đoạn tiềm ẩn.
Xây dựng kế hoạch dự phòng để giải quyết những thách thức tài chính không lường trước được.
Liên tục đo lường hiệu suất đầu tư:
Xác định KPI để đo lường hiệu suất tài chính và tác động của các sáng kiến AI.
Thường xuyên xem xét và điều chỉnh ngân sách dựa trên kết quả theo từng giai đoạn của các sáng kiến AI
Giám đốc vận hành (COO)
Hiệu quả hoạt động:
Xác định và ưu tiên các lĩnh vực nghiệp vụ chuyên môn mà AI có thể nâng cao hiệu quả, chẳng hạn như tự động hóa quy trình, phát hiện gian lận và tăng cường dịch vụ khách hàng.
Triển khai các giải pháp dựa trên AI để tự động hóa các hoạt động và giảm thiểu các chi phí vận hành của doanh nghiệp.
Cải tiến quy trình:
Liên tục theo dõi và cải tiến các quy trình được hỗ trợ từ AI giúp nâng cao hiệu suất và tối ưu hiệu quả vận hành.
Khuyến khích các hoạt động cộng tác liên phòng ban để tích hợp các giải pháp AI một cách liền mạch vào hoạt động thường nhật của doanh nghiệp.
Khả năng mở rộng linh hoạt:
Đảm bảo rằng các sáng kiến AI có khả năng mở rộng và linh hoạt thích ứng với chiến lược kinh doanh phát triển đang liên tục thay đổi dựa trên các yêu cầu về sản phẩm/ dịch vụ của khách hàng.
Lập kế hoạch cho sự phát triển bền vững và bảo trì lâu dài của các sáng kiến và nền tảng hạ tầng phục vụ AI.
Lời kết
Bằng cách tập trung vào những định hướng hành động cụ thể, ban lãnh đạo ngành ngân hàng đóng một vai trò quan trọng trong việc tích hợp thành công AI vào nghiệp vụ ngân hàng, thúc đẩy sự đổi mới, hiệu quả và lợi thế cạnh tranh trong khi quản lý các rủi ro và thách thức liên quan. Bên cạnh đó, ngân hàng cần cân nhắc để tạo điều kiện tiếp cận nhanh chóng và hiệu quả cho toàn bộ nhân sự trong doanh nghiệp.
Nguồn tham khảo: Mckinsey
Tổng hợp bởi Nhóm tác giả DTSVN - Giải pháp chuyển đổi số ngành Tài chính - Ngân hàng.
Nhịp sống thị trường