MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ai là người giàu nhất trong lịch sử loài người? Câu trả lời bất ngờ về người duy nhất đủ sức tạo ra 1 chu kỳ kinh tế

07-03-2021 - 16:59 PM | Tài chính quốc tế

Ai là người giàu nhất trong lịch sử loài người? Câu trả lời bất ngờ về người duy nhất đủ sức tạo ra 1 chu kỳ kinh tế

Những người giàu nhất thế giới đã sống ở những thời đại trước, thời kỳ mà sự giàu có là một điều gì rất khó để đo lường.

Một số người giàu có một cách khó tin. Theo Bloomberg, tính đến ngày 13 tháng 1 năm 2021, Elon Musk của Tesla là người đàn ông giàu có nhất thế giới với tổng tài sản trị giá 202 tỷ USD. Con số đó xấp xỉ tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Myanmar, Lào và Campuchia, với khoảng 76 triệu dân.

Chắc chắn là trong thế giới hiện đại của chúng ta, nơi công nghệ cho phép tạo ra và củng cố sự giàu có một cách khó tin, chúng ta đang sống tại thời kỳ sản sinh ra những cá nhân giàu có nhất trong lịch sử. Nhưng thật bất ngờ, điều này lại không chính xác. Bởi lẽ những người giàu nhất thế giới đã sống ở những thời đại trước, thời kỳ mà sự giàu có là một điều gì rất khó để đo lường.

Từ Thành Cát Tư Hãn đến J.P. Morgan

Việc ước tính sự giàu có trong các thời đại đã qua là rất khó vì ý nghĩa của việc giàu có rất khác nhau giữa các thời đại. Chúng ta nên đánh giá thế nào về các thành trì của các hoàng đế Ba Tư? Nhân trọng lượng theo ounce tích trữ của Thành Cát Tư Hãn với 1.859,60 USD (giá vàng trên mỗi ounce gần đây nhất, tính đến tháng 1 năm 2021) có thực sự cho chúng ta biết khối tài sản của ông đáng giá bao nhiêu vào thời điểm đó không?

Ở những nền kinh tế không có thứ gọi là tiền tệ thực sự, thuế được đánh bằng ngũ cốc và việc biết chữ cũng là một điều vô cùng cao siêu, việc áp dụng số tiền USD vào những đánh giá như vậy quả là một điều không tưởng.

Nhưng điều đó không làm cho việc tính toán này trở nên bớt thú vị. Lấy Marcus Licinius Crassus làm ví dụ với giá trị tài sản ròng ước tính là 170 triệu sesterces (đồng tiền của La Mã cổ đại). Là nhà đầu tư giá trị đầu tiên, ông ta đã mua toàn bộ khu vực thành Rome khi chúng cháy và chỉ cử đội quân xây dựng và kiến ​​trúc sư là những nô lệ của mình đến dập lửa nếu chủ sở hữu đã trả tiền. Khi các Spartacus (đấu sĩ nô lệ) dẫn đầu một cuộc nổi loạn vào năm 73 trước Công nguyên, Crassus đã đích thân điều động hai quân đoàn.Tương truyền rằng ông đã chết khi đang cố đổ vàng nóng chảy vào miệng, tượng trưng cho sự khát khao giàu có của ông.

Tuy nhiên, chúng ta không cần phải quay trở lại tận thời cổ đại để tìm những người có khối tài sản khổng lồ. John D. Rockefeller sở hữu khoảng từ 300 tỷ đến 400 tỷ USD, tùy thuộc vào ước tính. JP Morgan từng đóng vai trò là người cho vay cuối cùng của Mỹ trước khi Cục Dự trữ Liên bang được thành lập, giúp ổn định nền kinh tế thông qua một khoản vay lớn cho chính phủ sau thời kỳ Hoảng loạn của 1893.

Nhưng thay vì cố gắng đo lường sự giàu có một cách tuyệt đối, có lẽ tốt nhất là nên xem xét xem ai, trong thời gian và địa điểm của chính họ, đã giàu đến mức có thể tự mình xác định giá trị của đồng tiền. Xuyên suốt chiều dài lịch sử, có hai người kiểm soát rất nhiều của cải so với những người khác đến mức chi tiêu của họ (tự nguyện hoặc không) có thể khiến nền kinh tế của thế giới bị ảnh hưởng cực kỳ sâu sắc.

Mansa Musa

Năm 1324, Mansa (tức "Hoàng đế") Musa của Đế chế Malian đã tham gia cuộc hành hương của người Hồi giáo đến Mecca. Đoàn tùy tùng của ông ta bao gồm khoảng 60.000 người và đem theo một lượng vàng đủ sức tạo ra cơn chấn động khắp thế giới Địa Trung Hải. Ông đã tắm vàng cho những thành phố mà ông đến thăm, tặng chúng cho người nghèo, và xây một nhà thờ Hồi giáo mới vào thứ Sáu hàng tuần. Ông chi tiêu đặc biệt xa hoa ở Cairo và Medina khiến dòng tiền đột ngột đổ về mua sắm hàng hoá mỗi ngày tại hai thành phố này tăng vọt.

Nhận ra rằng bản thân đã gây ra làn sóng siêu lạm phát hoành hành cả một khu vực, ông đã tự mình bắt tay vào một chương trình nới lỏng định lượng, thâu tóm toàn bộ số vàng của Cairo để cho vay với lãi suất cao. Ông là người đàn ông duy nhất trong lịch sử đủ sức tạo ra một chu kỳ kinh tế.

Atahualpa

Nhưng còn Châu Mỹ thì sao? Năm 1532, một cuộc chiến tranh tàn khốc giữa hai anh em cùng cha khác mẹ Atahualpa và Huáscar vừa kết thúc, và Đế chế Inca đang bắt đầu quá trình phục hồi. Khi đối phó với Đế chế Inca, các vấn đề về bối cảnh kinh tế đặc biệt quan trọng. Đây là nền văn minh quy mô lớn, phức tạp duy nhất từng phát triển mà không có bất kỳ hình thái thị trường nào. Hoàn toàn không hề có khái niệm về tiền bạc ở đây.

Thay vào đó, toàn bộ nhà nước được tổ chức như một loại đơn vị gia đình, với người Inca kiểm soát mọi thứ: thực phẩm, quần áo, hàng xa xỉ, nhà cửa và con người. Là một người đàn ông, bạn phục vụ Hoàng đế với tư cách là một nông dân, người lao động, thợ thủ công hoặc người lính. Đổi lại, bạn được cung cấp mọi thứ cần thiết để tồn tại.

Khi những kẻ chinh phạt Tây Ban Nha phục kích Atahualpa tại Cajamarca và bắt ông ta làm tù binh, chúng đã có thể thu được một khoản tiền chuộc chưa từng thấy, lấp đầy một căn phòng lớn bằng vàng. Quyền lực của ông là không thể không thể nghi ngờ, đến mức ông ta có thể lấy đi toàn bộ vàng trong các ngôi đền, và ông đã làm như vậy. Về lý thuyết, không có gì trong đế chế mà ông ta không kiểm soát.

Mặc dù con số trên phần lớn là vô nghĩa trong bối cảnh cụ thể, nhưng số tiền chuộc mà ông trả sẽ trị giá khoảng 1,5 tỷ USD theo tính toán của ngày hôm nay. Dù sao thì người Tây Ban Nha vẫn giết chết ông và rút ruột đế chế Inca, nhưng vàng và bạc trị giá hàng tỷ USD đã tràn vào châu Âu sau năm 1500 gây ra lạm phát cao và suy thoái kinh tế kéo dài. Phần lớn lượng vàng khổng lồ đã nhấn chìm nền kinh tế châu Âu trong thế kỷ 16 đến từ Atahualpa.

Tổng kết

Nếu bạn đang choáng ngợp bởi ý tưởng rằng hiện nay, chưa đến 100 người đang kiểm soát lượng tài sản nhiều như một nửa thế giới, hãy tưởng tượng tiền bạc khủng khiếp đã từng quy tụ trong tay một số cá nhân ít ỏi như thế nào. Ngay cả khi Bill Gates có kỳ nghỉ xa hoa nhất có thể, ông có thể sẽ không không gây ra một cuộc khủng hoảng tiền tệ khu vực. Nếu ai đó bắt cóc bất kỳ tỷ phú nào, liệu họ có thể đòi bất kỳ khoản tiền chuộc lớn đến mức đẩy một lục địa vào suy thoái hay không?

Mỹ Linh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên