Ai là người 'thua cuộc' nếu giá dầu vọt lên 100 USD/thùng?
Sau động thái cắt giảm sản lượng bất ngờ của OPEC+, giá dầu đã tăng mạnh và người ta lại bắt đầu nói về câu chuyện giá dầu 100 USD/thùng.
- 15-04-2023Giá dầu tăng sau cú 'đánh úp' của OPEC+, Nga cười thầm vì thu về doanh thu khủng
- 06-04-2023Giá dầu tăng 20% trong 2 tuần, Việt Nam ảnh hưởng ra sao?
Các nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới được hưởng lợi từ việc cắt giảm sản lượng bất ngờ của OPEC+. Ngược lại, có một số quốc gia khác sẽ bắt đầu cảm thấy “khó thở” nếu giá dầu vọt lên mức 90-100 USD/thùng.
Giá dầu Brent đang được giao dịch ở mức khoảng 86 USD/thùng trong khi dầu WTI là 82,5 USD do đợt cắt giảm sản lượng 1,66 triệu thùng/ngày của gần 1 nửa số thành viên OPEC+ từ tháng 5 đến tháng 12 năm nay. Sau màn “đánh úp” này của OPEC+, nhiều chuyên gia đã lại một lần nữa nói về câu chuyện giá dầu 100 USD.
Giá dầu ở mức 90-100 USD/thùng sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế của các nước nhập khẩu dầu lớn. Giá năng lượng tăng trở lại có thể khiến lạm phát ở Mỹ và châu Âu tiếp tục ở mức cao, làm phức tạp thêm chính sách lãi suất của các ngân hàng trung ương – vốn vừa báo hiệu chu kỳ tăng lãi suất sắp kết thúc.
Mỹ sẽ chứng kiến giá xăng cao hơn nhưng đây không phải nước chịu thiệt hại lớn nhất, ít nhất là về mặt tài chính. Ở Mỹ, đối tượng gặp rắc rối lớn nhất có lẽ là chính quyền Tổng thống Biden – vốn đã dành gần 1 năm qua để thuyết phục người Mỹ rằng chính sách của Tổng thống đã giúp hạ giá xăng dầu.
Xét về tác động đến tài chính của các chính phủ từ việc cắt giảm của OPEC+, những người chịu thiệt hại lớn nhất sẽ là các nền kinh tế phát triển của châu Á phụ thuộc vào nhập khẩu dầu mỏ cũng như các thị trường mới nổi ở Nam và Đông Nam Á – không chỉ dựa vào năng lượng nhập khẩu mà còn có tài chính yếu.
Cụ thể, theo ông Pavel Molchanov, Giám đốc điều hành của ngân hàng đầu tư Raymond James, những quốc gia sẽ “ngấm đòn” là Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Pakistan cũng như Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Phi.
Molchanov nói với CNBC rằng việc OPEC+ cắt giảm sản lượng, sau đó giá dầu tăng lên 100 USD/thùng là “một loại thuế với mọi nền kinh tế nhập khẩu dầu mỏ”. “Không phải Mỹ sẽ cảm thấy đau đớn nhất từ giá dầu 100 USD mà là các quốc gia không có nguồn dầu mỏ trong nước như Nhật Bản, Ấn Độ, Đức Pháp”.
Theo Henning Gloystein, giám đốc của Eurasia Group, mức tiêu thụ của Ấn Độ - hiện ở mức kỷ lục – cũng có thể bị ảnh hưởng trong trường hợp giá tăng hơn nữa vì ngay cả dầu thô chiết khấu cao của Nga cũng sẽ tăng giá nếu dầu Brent tăng lên trên 100 USD/thùng.
Các thương nhân tham gia giao dịch dầu mỏ của Nga nói với Reuters trong tuần này rằng sau thông báo cắt giảm của OPEC+, giá dầu Urals cao cấp của Nga đã vượt qua mức áp trần 60 USD/thùng do G7 đặt ra.
Các nhà phân tích cho biết những nước nhập khẩu có đồng tiền yếu và nền tài chính yếu cũng sẽ cảm thấy khó khăn do dầu được định giá bằng đồng USD.
Nhịp sống thị trường