MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ai ngồi ghế chủ tọa xét xử vụ án gian lận thi cử ở Hà Giang?

10-07-2019 - 10:53 AM | Xã hội

Theo thông tin từ TAND tỉnh Hà Giang, Chủ tọa phiên tòa xét xử vụ án gian lận điểm thi trong Kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại tỉnh này là bà Vương Thị Thu Hà, Phó chánh Tòa hình sự - TAND tỉnh Hà Giang.

Ngày 9.7, TAND tỉnh Hà Giang cho biết, khoảng trung tuần tháng 7 sẽ mở phiên tòa xét xử vụ án: "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại tỉnh Hà Giang.

Chủ tọa phiên tòa là bà Vương Thị Thu Hà, Phó chánh Tòa hình sự - TAND tỉnh Hà Giang, thẩm phán dự khuyết là ông Nguyễn Mạnh Cường.

Luật sư Hoàng Hưng - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội tham gia phiên tòa với tư cách người bào chữa cho bị can Triệu Thị Chính - cựu Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang.

Ai ngồi ghế chủ tọa xét xử vụ án gian lận thi cử ở Hà Giang? - Ảnh 1.

Bà Triệu Thị Chính bị khởi tố. Ảnh: BCA

Liên quan vụ gian lận điểm thi Kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại tỉnh Hà Giang, mới đây, Viện KSND tỉnh này đã ra cáo trạng truy tố các bị can: Nguyễn Thanh Hoài (Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục - Sở GDĐT Hà Giang), Vũ Trọng Lương (Phó phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục) về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Bị can Triệu Thị Chính (Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Giang) về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; bị can Phạm Văn Khuông (Phó giám đốc Sở GDĐT), Lê Thị Dung (Phó đội trưởng Đội Giáo dục, Y tế, Lao động xã hội) về tội Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi.

Toàn bộ bản cáo trạng chỉ nêu tên đích danh một vị phụ huynh nhờ nâng điểm cho con là ông Phạm Văn Khuông. Khi xảy ra vụ án ông này đang là Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang. Kết quả, con trai ông Phạm Văn Khuông được nâng 13,3 điểm của 3 môn thi trắc nghiệm.

Cáo trạng xác định hành vi phạm tội của các bị can gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội, do đó cần phải xử lý về hình sự. Tuy nhiên, cả 5 bị can trong vụ án này đều không xét tình tiết tăng nặng, chỉ xem xét tình tiết giảm nhẹ.

Cụ thể, đối với các bị can: Vũ Trọng Lương, Nguyễn Thanh Hoài, Phạm Văn Khuông, Lê Thị Dung, quá trình điều tra, các bị can đã thành khẩn khai báo và thừa nhận toàn bộ hành vi sai phạm của mình, có nhân thân tốt, chưa có tiền án tiền sự, có nhiều thành tích trong quá trình công tác.

Ngoài ra, gia đình các bị can: Vũ Trọng Lương, Nguyễn Thanh Hoài, Phạm Văn Khuông đều là gia đình có công với cách mạng. Riêng bị can Lê Thị Dung có bác ruột là liệt sĩ nên xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị can.

Đối với bị can Triệu Thị Chính, quá trình điều tra không thừa nhận hành vi phạm tội của mình nên không được áp dụng tình tiết thành khẩn khai báo. Tuy nhiên, bị can có nhân thân tốt, chưa có tiền án tiền sự, có nhiều thành tích trong quá trình công tác, gia đình bị can có bố là người có công với cách mạng, nên xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị can.

Theo Anh Tuấn

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên