MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ai nói đàn ông ít tiêu xài? Đấng mày râu cũng có những chiếc 'mỏ' mà hễ đào là ra vàng vì những lý do này

05-08-2021 - 23:10 PM | Sống

Ai nói đàn ông ít tiêu xài? Đấng mày râu cũng có những chiếc 'mỏ' mà hễ đào là ra vàng vì những lý do này

Không ít nghiên cứu đã chỉ ra rằng, ở thời đại hiện nay, thôi thúc được tiêu xài, mua sắm của nam giới cũng tương đương nữ giới, chỉ có sự khác biệt trong một số đặc điểm thói quen và lĩnh vực mua sắm.

Phụ nữ thường được nhắc đến nhiều hơn khi nói về chi tiêu và mua sắm, nhưng hóa ra nam giới cũng có thể chi tiêu quá tay, mua sắm bốc đồng không thua kém gì. 

Theo Hiệp hội những nhà sản xuất nhãn hiệu tư nhân (Private Label Manufacturers Association - PLMA), phụ nữ là những người có xu hướng săn hàng hiệu và mua nhiều mặt hàng đang giảm giá, áp dụng các phiếu giảm giá thường xuyên hơn. 

Ngược lại, nam giới chi tiêu nhiều hơn cho mỗi món đồ so với nữ giới. Đặc biệt, phái mạnh có xu hướng chi tiêu nhiều hơn khi họ càng lớn tuổi. 

Dưới 36 tuổi, việc mua sắm quá tay thường xuất hiện ở phụ nữ với tỷ lệ gần như gấp đôi so với đàn ông (19% so với 12%).

Sau đó, trong độ tuổi 36-44, phụ nữ bắt đầu có xu hướng chi tiêu ít đi trong khi nam giới thì ngược lại.

Và từ 45 - 54 tuổi, tỷ lệ nam giới mua sắm quá tay đã bắt đầu tăng cao hơn (27% so với 26%) và ngày càng mở rộng xu hướng này để “giành phần thắng” ở độ tuổi sau 65 tuổi.

01. Đặc điểm tiêu xài khác biệt giữa hai giới

Thông thường, đàn ông cũng chi tiêu nhiều hơn ở các cửa hàng tiện lợi để mua đồ ăn nhẹ, nước ngọt, bia, sữa và các sản phẩm khác. Theo nghiên cứu của Nielsen, nhiều thương hiệu đã cố gắng tận dụng lợi thế đó bằng cách gói các mặt hàng hoặc tạo ra các chiến dịch ưu đãi có sản phẩm hấp dẫn phái mạnh.

Một nghiên cứu khác của CNBC và Acorns cũng cho thấy rằng, có tới 90% cả nam và nữ giới đều có xu hướng tiêu xài “bốc đồng” nhưng có tới 1/4 trong số đàn ông đó đã chi tiêu quá 100 USD vào lần mua sắm gần đây nhất, trong khi chỉ có khoảng 16% phụ nữ làm vậy.

Ai nói đàn ông ít tiêu xài? Đấng mày râu cũng có những chiếc mỏ mà hễ đào là ra vàng - Ảnh 1.

Khảo sát về mức độ chi tiêu của mọi người trong lần gần đây nhất với các khoản tiền khác nhau. Ảnh: Invest in You Spending Survey - CNBC

Kết quả này được thông tin dựa trên một khảo sát tiêu dùng tên là “Invest in You Spending Survey”. Khảo sát này được thực hiện bởi CNBC và Acorns hợp tác với SurveyMonkey, tiến hành thăm dò ý kiến từ một nhóm 2.803 người Mỹ ​​trên khắp đất nước, ở độ tuổi từ 18 đến trên 65. Trong tổng số, 1.320 người là nam giới và 1.498 người có bằng đại học hoặc sau đại học.

Tại các nước châu Á, đàn ông thường có xu hướng tiêu xài nhiều hơn cho các sản phẩm quà tặng, chăm sóc sức khỏe, nhà ở, giáo dục... Đôi khi, đàn ông có thể keo kiệt trong chi tiêu cá nhân của mình, nhưng họ rất hào phóng với gia đình, bạn bè và xã hội.

Bên cạnh đó, đàn ông cũng là đối tượng khách hàng cốt lõi mà nhiều lĩnh vực tập trung khai thác như là thị trường giao dịch bất động sản, xe hơi, thuốc lá hoặc rượu…

Tỷ lệ đàn ông Trung Quốc mua nhà là 55%, và ở một số khu vực có quan niệm truyền thống gia trưởng còn mạnh mẽ, tỷ lệ này lên tới 72%. Đây đích thị là “mỏ vàng” rất có tiềm năng để các nhà bán hàng hướng tới.

Các hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cao cấp như ô tô, hàng xa xỉ, khách sạn sang trọng và sân gôn cũng khoanh vùng thị trường mục tiêu xung quanh nam giới nhiều hơn là phụ nữ. Về phương tiện năng lượng mới, nam giới chiếm hơn 80% chủ sở hữu ô tô Ideal Auto, 63,6% chủ sở hữu NIO và 60% chủ sở hữu Tesla.

Về nhu cầu mua sắm phục vụ sở thích, đàn ông thường “gật đầu” dễ dàng hơn trước các loại phụ kiện thời trang như mũ, giày, áo vest, áo sơ mi; hoặc thiết bị công nghệ như loa, tai nghe, bàn phím, điện thoại thông minh, trò chơi điện tử… 

Để mua một trò chơi trên nền tảng Steam thường phải tốn 100 - 200 RMB (tương đương khoảng 320.000 - 650.000 đồng). Một nam sinh đại học sở hữu hàng tá trò chơi, chi tiêu hàng chục triệu phục vụ sở thích này là chuyện bình thường. 

Ai nói đàn ông ít tiêu xài? Đấng mày râu cũng có những chiếc mỏ mà hễ đào là ra vàng - Ảnh 2.

Hình ảnh bộ sưu tập giày hàng hiệu có giá trị “chóng mặt”. Ảnh: Internet.

02. Những thói quen chi tiêu đang dần thay đổi

Khác với quan niệm tiêu dùng trước kia của đàn ông Trung Quốc, các nước phát triển như châu Âu lại tuân theo một chân lý khác: Nếu đàn ông không đối xử tốt hơn với bản thân, người khác sẽ coi thường bạn. 

Đàn ông Pháp vốn luôn được biết đến với chủ nghĩa lãng mạn và rất giỏi trong việc chăm sóc cá nhân. Nhu cầu mua sắm của họ có thể xoay quanh nhiều lĩnh vực đa dạng như mỹ phẩm, quần áo, giày dép, mũ nón và hàng xa xỉ. 

Xu hướng này cũng đang lan rộng sang châu Á. Theo báo cáo “Male Consumer Insight Report”, nam giới sử dụng Internet để mua sắm online đang có quy mô lớn dần và xu hướng chi tiêu mạnh tay. Một lượng lớn người tiêu dùng mua sắm trực tuyến hoặc xem video liên quan tới shopping là nam giới.

Ross Steinman, đồng chủ tịch kiêm giáo sư tại Khoa Tâm lý học tại Đại học Widener (Mỹ) đã cho biết: “Định kiến ​​cho rằng phụ nữ tiêu xài bốc đồng hơn mà hay mua sắm quá tay hơn đàn ông đang dần trở nên không chính xác. 

Ai nói đàn ông ít tiêu xài? Đấng mày râu cũng có những chiếc mỏ mà hễ đào là ra vàng - Ảnh 3.

Thói quen mua sắm của tất cả mọi người đang dần thay đổi trong thời đại 4.0. Ảnh: Quora

Dưới tác động của các chiến dịch tiếp thị sản phẩm, môi trường mua sắm đầy kích thích thì bất kể đàn ông hay phụ nữ đều có khả năng sẽ phải “khuất phục” trước thôi thúc muốn được tiêu xài, cho dù đó là một mặt hàng quần áo được giảm giá, đồ uống cho bạn bè, hay bánh kẹo, bao thuốc ở quầy thanh toán. 

Tom Corley, tác giả cuốn sách “Những thói quen giàu có” (Tên gốc là “Rich Habits: The Daily Success Habits of Wealthy Individuals”) cho biết: “Một khi bạn đã quyết định tiêu tiền, bạn đã mở ra cánh cửa cho việc chi tiêu tự phát. Nếu bạn mua một chiếc váy, sau đó bạn sẽ thấy mình cần phải mua thêm một đôi giày để đi cùng nó. Hãy cẩn thận, khi bạn mua hàng, đừng để bản thân bị ‘cuốn theo chiều gió’ rồi đưa ra những quyết định mua hàng không có kế hoạch.”

Các khoản chi quá tay thỉnh thoảng xảy ra với số tiền khá nhỏ cũng không sao, nhưng khi tư duy này dẫn trở thành thói quen, việc mua sắm bốc đồng sẽ biến thành chi tiêu thiếu suy nghĩ và các khoản chi sẽ ngày một lớn hơn. Khi quyết định của bạn bị ảnh hưởng bởi cảm tính nhiều hơn, điều này rất dễ làm ảnh hưởng tới năng lực quản lý tài chính cá nhân.

Thuý Phương

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên