MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ái nữ của ông chủ Biti's Vưu Lệ Quyên: Mơ đứng giữa kinh đô thời trang thế giới

04-01-2017 - 11:00 AM | Doanh nghiệp

Cái bóng của Vưu Khải Thành và Biti’s là áp lực lớn đối với cô Vưu Lệ Quyên, ái nữ của ông Thành.

Câu chuyện Biti's bất ngờ hồi sinh 10 ngày gần đây sau mấy thập niên im hơi lặng tiếng khiến nhiều doanh nghiệp, doanh nhân tò mò về cách thức giúp Biti's hồi sinh.

Chúng tôi xin chia sẻ lại bài viết về Ái nữ của ông chủ Biti's Vưu Lệ Quyên được Doanh nhân Sài Gòn đăng tải hồi tháng 1/2012. Bài viết viết về giấc mơ đứng giữa kinh đô thời trang thế giới của ái nữ ông chủ Biti's Vưu Lệ Quyên.


Hoàn tất việc học ở Canada, năm 2004, Vưu Lệ Quyên trở về nước, đảm nhận chức vụ Phó tổng giám đốc Kỹ thuật và Kinh doanh Công ty Biti’s do cha mẹ cô sáng lập.

Ngay những ngày đầu bắt tay vào công việc, Quyên đã mạnh dạn áp dụng nhiều kiến thức đã học vào việc quản lý, mở kênh bán hàng và xây dựng hình ảnh mới cho Biti’s. Quyên chia sẻ:

“Thời ba mẹ kinh doanh khác với thế hệ tôi sau này, nên ngoài những điều học được từ ba mẹ, tôi phải có thêm nhiều kiến thức mới, ngay cả cách quản lý cũng phải khác thì mới theo kịp xu hướng kinh doanh toàn cầu hóa”.

Những năm học ở nước ngoài, Quyên không chỉ học trong sách vở, mà còn mày mò tìm hiểu cách kinh doanh của những thương hiệu giày nổi tiếng.

Quan sát mô hình kinh doanh cửa hàng tiếp thị (cửa hàng bán hàng trực tiếp do công ty quản lý, không qua đại lý) của thương hiệu giày Clarks, Quyên nhận ra với mô hình này họ có thể dự đoán doanh thu trong một năm. Người quản lý thương hiệu Clarks cho biết:

“Clarks có 500 cửa hàng bán trực tiếp nên chúng tôi có thể nắm được con số kinh doanh chính xác tới 80%. Ngoài ra, khi bán hàng trực tiếp, Clarks sẽ phục vụ khách hàng chu đáo hơn, tất cả sản phẩm đều được trưng bày nên dễ nắm bắt xu hướng, thị hiếu và số lượng tiêu thụ”.

Vì thế, khi về nước, Quyên đề nghị mẹ thay đổi hình thức bán hàng qua kênh đại lý bằng mô hình cửa hàng tiếp thị này, nhưng mẹ cô phản đối:

“Mở cửa hàng tiếp thị phải có vốn nhiều, hơn nữa các đại lý đang làm tốt thì lý do gì mình không cho họ bán nữa?”. Thế nhưng cô gái trẻ đã thắng bằng những kết quả thuyết phục của mình.

Đến nay Biti’s đã có 45 cửa hàng bán hàng tiếp thị và tất nhiên hình ảnh của Biti’s cũng mới mẻ hơn nhờ mô hình bán hàng hiện đại này.

Tiếp theo đó là hàng loạt cải cách do Quyên khởi xướng và thực hiện triệt để: từ áp dụng phần mềm ERP và SAP để quản lý đến lập dự án sản xuất, marketing, mô hình cửa hàng Biti’s cho mọi thành viên trong một gia đình.

Không phải là một cuộc "lột xác", nhưng hình ảnh Biti’s đã được làm cho mới mẻ và hiện đại hơn rất nhiều. Vì thế, trong khi không ít doanh nghiệp da giày gặp khó khăn do thị trường truyền thống đã mất, thị trường nội địa bị chiếm lĩnh bởi hàng Trung Quốc, cạnh tranh trong nước gay gắt, thì doanh thu hằng năm của Biti’s vẫn tăng từ 20 - 30%.

Biti’s thời ông Vưu Khải Thành đã nhanh chóng trở thành thương hiệu giày dép hàng đầu của Việt Nam khi ông mạnh dạn qua Đài Loan học công nghệ mới. Người của Biti’s giờ cũng hy vọng “cô Quyên” sẽ làm nên chuyện cho thương hiệu nổi tiếng này.

“Từ khi làm chủ một nhãn hiệu riêng tôi mới thấu hiểu nỗi khổ của ba mẹ khi gầy dựng sự nghiệp, và càng thấy phải nỗ lực nhiều hơn để gìn giữ, kế thừa sự nghiệp này”, Quyên tâm sự.

Đứng trước nền kinh tế hội nhập nhiều thách thức, Quyên xác định: Không chỉ nỗ lực làm mới mình, mà còn phải tạo nội lực để vươn lên khẳng định mình ở thị trường thế giới.

Thời gian làm việc ở bộ phận xuất khẩu của Công ty Biti’s, tiếp xúc với nhiều khách hàng nước ngoài, cô nhận ra Biti’s đang phục vụ cho số đông khách hàng thuộc tầng lớp trung lưu. Nhìn lại ngành da giày trong nước, cô tự hỏi:

“Tại sao hầu hết các doanh nghiệp da giày chỉ nhận gia công hoặc sản xuất theo đơn đặt hàng của nước ngoài? Cứ làm như vậy thì biết đến bao giờ ngành giày dép Việt Nam mới có chỗ đứng trên thị trường quốc tế?".

Đáng buồn hơn là nhiều người nước ngoài còn cho rằng người Việt Nam không thể làm được hàng hiệu cao cấp. Vì vậy, Quyên quyết tâm xây dựng thương hiệu thời trang cao cấp Gosto, gồm các mặt hàng quần áo, giày dép, túi xách.

Cô giải thích ý nghĩa của thương hiệu Gosto: "Chữ S là hình ảnh Việt Nam, GO TO là hướng ra thế giới” và ước mơ của mình: “Sẽ có một ngày Trung tâm Thời trang Gosto xuất hiện ngay tại kinh đô thời trang của Ý, Pháp và nhiều quốc gia khác”.

Quyên đã mạnh dạn xây dựng mô hình cửa hàng Gosto thật sang trọng, trưng bày đẹp, mẫu mã độc đáo, chất lượng cao và dịch vụ bán hàng thật tốt. Đến nay, Gosto đã có bốn cửa hàng tại TP.HCM và một cửa hàng tại Hà Nội, trong đó có hai cửa hàng tại Trung tâm mua sắm Parkson quận 7 và quận 11, TP.HCM.

Theo Quyên, "lợi thế của Quyên là kinh nghiệm của Biti’s, của ba mẹ, công ty mình từng gia công cho những nhãn hiệu nổi tiếng thế giới như: Prada, United Colour of Bennetton, Clarks, Speedo và Lotto...".

“Những gì tôi làm được mới chỉ là bước khởi đầu. Bởi vì, xây dựng một thương hiệu có được vị trí trên toàn cầu là một giấc mơ lớn, đường đi còn rất dài, cần nhiều nỗ lực và sẽ rất vất vả”, Quyên nhận định “già dặn” hơn nhiều so với vẻ ngoài và tuổi đời của mình.

Theo LỮ Ý NHI

Doanh nhân Sài Gòn

Trở lên trên