MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ai phải đứng ra cam kết với người mua bảo hiểm phi nhân thọ?

21-04-2023 - 07:10 AM | Xã hội

Hội đồng quản trị, hội đồng thành viên, tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật, bộ phận có liên quan của doanh nghiệp bảo hiểm chịu trách nhiệm về việc quản lý, giám sát hiệu quả hoạt động, thực hiện nghĩa vụ, cam kết với bên mua bảo hiểm.

Đó là thông tin được Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) chỉ đạo trong công văn gửi tới doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài về quản trị rủi ro.

Theo đó, Bộ Tài chính yêu cầu doanh nghiệp phải nhận dạng các rủi ro trọng yếu như: rủi ro bảo hiểm, thị trường, hoạt động, đối tác, thanh khoản. Doanh nghiệp phải có trách nhiệm thiết lập, triển khai hệ thống quản trị rủi ro nhằm xác định, đo lường, đánh giá, báo cáo và kiểm soát hiệu quả rủi ro phát sinh từ hoạt động kinh doanh.

“Doanh nghiệp phải tổ chức quản trị rủi ro với 3 tuyến bảo vệ độc lập, gồm: Bộ phận nghiệp vụ; bộ phận quản trị rủi ro, kiểm toán tuân thủ và bộ phận kiểm soát khác; bộ phận kiểm toán nội bộ. Doanh nghiệp cần nhận dạng rủi ro trọng yếu như rủi ro bảo hiểm, rủi ro thị trường, rủi ro hoạt động, rủi ro đối tác (bao gồm rủi ro pháp lý, rủi ro gian lận), rủi ro thanh khoản”, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm yêu cầu.

Ai phải đứng ra cam kết với người mua bảo hiểm phi nhân thọ? - Ảnh 1.

Bộ Tài chính yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ quản trị rủi ro. Trong ảnh, vụ tai nạn tại Hà Nội đã được doanh nghiệp bảo hiểm trách nhiệm dân sự đền bù một phần thiệt hại (ảnh: TH).

Bộ Tài chính đề nghị doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ kiểm soát quy trình nghiệp vụ theo các hạn mức rủi ro tương ứng; kiểm tra sức chịu đựng theo quy định, có biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu và xử lý kịp thời các rủi ro để bảo đảm tuân thủ các hạn mức rủi ro.

Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm yêu cầu doanh nghiệp kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm, đánh giá chất lượng tư vấn viên, giới thiệu sản phẩm của đại lý và nhân viên trong tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định.

Hiện nay, các loại bảo hiểm phi nhân thọ gồm: Bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm tai nạn con người, bảo hiểm thiệt hại kinh doanh, bảo hiểm tài sản và bảo hiểm thiệt hại, bảo hiểm hàng không, bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm cháy, nổ và bảo hiểm hàng hóa vận chuyển đường bộ, đường biển, đường sông, đường sắt, đường hàng không.

Theo Quỳnh Nga

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên