MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ai tiếp tay cho Công ty Alibaba "làm loạn" ở Đồng Nai?

08-01-2020 - 10:36 AM | Bất động sản

UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo làm rõ những cá nhân, tổ chức liên quan đến sai phạm của Công ty CP Địa ốc Alibaba để xử lý theo pháp luật.

UBND tỉnh Đồng Nai vừa có văn bản chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Nội vụ, UBND các huyện, TP trên địa bàn rà soát các khu vực mà Công ty CP Địa ốc Alibaba (gọi tắt là Công ty Alibaba) đã đầu tư, nhận chuyển nhượng đất phân lô, bán nền trái phép.

UBND tỉnh cũng yêu cầu các huyện, TP có giải pháp kiểm soát chặt hơn và phải chịu trách nhiệm cao khi để xảy ra sai phạm trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực đất đai, xây dựng. Căn cứ vào tính chất, mức độ hành vi vi phạm, các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc để Công ty Alibaba đầu tư không đúng quy định pháp luật sẽ bị xử lý nghiêm.

Cơ quan chức năng Đồng Nai cũng đã vào cuộc làm rõ trách nhiệm cụ thể của các tổ chức, cá nhân ban hành 4 văn bản tại huyện Long Thành, cho phép Công ty Alibaba thi công và thỏa thuận đấu nối hạ tầng kỹ thuật đường giao thông nông thôn. Theo đó, trong tháng 8-2017, UBND huyện Long Thành đã ban hành 3 văn bản cho phép Nguyễn Thái Lĩnh, Tổng Giám đốc Công ty Alibaba, thi công và thỏa thuận đấu nối hạ tầng kỹ thuật đường giao thông nông thôn tại 3 vị trí gồm: thửa đất số 185, 186, 206, tờ bản đồ số 61, xã Long Phước (dự án Alibaba Long Phước 1); thửa đất số 126, tờ bản đồ số 55, xã Long Phước (dự án Alibaba Long Phước 8); thửa đất số 5, tờ bản đồ số 79, xã Long Phước (dự án Alibaba 7).

Ai tiếp tay cho Công ty Alibaba làm loạn ở Đồng Nai? - Ảnh 1.

Vị trí văn phòng trái phép của Công ty CP Địa ốc Alibaba tại huyện Long Thành hiện bỏ hoang

Trước đó, ngày 17-8-2017, UBND huyện Long Thành ban hành Văn bản số 7082/UBND-KT về việc thỏa thuận cho phép Phạm Nam Thắng (SN 1974), Phạm Văn Hải (SN 1982; cùng ngụ tại quận Gò Vấp, TP HCM) thi công đấu nối hạ tầng kỹ thuật đường giao thông nông thôn tại thửa đất số 651, 710, tờ bản đồ số 67, xã Long Phước (dự án Alibaba Long Phước 6). Hai người này không thi công mà chuyển toàn bộ khu đất trên cho Nguyễn Thái Lĩnh.

Trước khi những người đứng đầu Công ty Alibaba bị bắt, tại xã Long Phước có đến 20 trên tổng số 29 dự án rao bán đất nền của công ty này tại Đồng Nai. Một lãnh đạo huyện Long Thành cho rằng huyện ban hành các văn bản trên dựa theo Quyết định 25 ngày 20-4-2016 của UBND tỉnh Đồng Nai về quy định diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh. Khi các khu đất chỉ có quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xã nông thôn mới, chưa có quy hoạch các tuyến đường xóm, ấp mà có người hiến đất để làm đường theo quy định thì huyện "phải tiếp nhận". Lãnh đạo huyện này cũng phân trần tại thời điểm trên, Công ty Alibaba "chưa có các dấu hiệu vi phạm, đến khi phát hiện thì huyện mới ngăn chặn".

Hiện nay, một số cán bộ phòng ban và lãnh đạo UBND huyện Long Thành liên quan đến tham mưu, ký các quyết định trên đang giải trình với cấp trên. Công an tỉnh Đồng Nai cũng đang phối hợp với Công an TP HCM tiếp tục điều tra, làm rõ những sai phạm của Công ty Alibaba liên quan đến 29 "dự án ảo" tại Đồng Nai.

Trước đó, cuối năm 2019, Cơ quan CSĐT - Công an TP HCM đã khởi tố bị can, tạm giam Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba) về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản"; khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Thái Lĩnh, Nguyễn Thái Lực (đều là em trai Luyện). Cơ quan điều tra xác định Nguyễn Thái Luyện đã chỉ đạo và cùng Lĩnh, Lực thành lập Công ty Alibaba và các công ty thành viên, quy mô hơn 2.600 nhân viên. 

Từ đó thu gom mua số lượng lớn đất nông nghiệp với tổng diện tích hơn 600 ha, giao cho người thân đứng tên, tự vẽ ra hơn 40 "dự án ma" tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận. Dù chưa làm thủ tục pháp lý, chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép cho làm dự án nhưng Công ty Alibaba đã ký hợp đồng bán đất nền cho hơn 6.700 khách hàng, thu hơn 2.500 tỉ đồng.

Theo Xuân Hoàng

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên