MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Alibaba bị siết chặt quản lý, các đại gia công nghệ Trung Quốc có thể gục ngã vì hiệu ứng domino

29-12-2020 - 10:43 AM | Tài chính quốc tế

Alibaba bị siết chặt quản lý, các đại gia công nghệ Trung Quốc có thể gục ngã vì hiệu ứng domino

Ở phiên giao dịch ngày 28/12, cổ phiếu Alibaba dẫn đầu đà bán tháo trong nhóm cổ phiếu công nghệ Trung Quốc. Nguyên nhân là do những lo ngại về việc giám sát chống độc quyền sẽ lan rộng ra bên ngoài đế chế của tỷ phú Jack Ma và nhấn chìm các tập đoàn lớn mạnh nhất nước này.

Alibaba cùng 3 đối thủ lớn nhất – gồm Tencent, Meituan và JD.com, đã ghi nhận vốn hóa mất gần 200 tỷ USD tại Hồng Kông trong 2 phiên kể từ ngày thứ Năm. Sự sụt giảm này diễn ra trong bối cảnh các nhà quản lý Trung Quốc thực hiện cuộc điều tra về các hoạt động độc quyền tại công ty "trụ cột" của Jack Ma là Ant Group. Động thái trên cũng đánh dấu sự khởi động của những bước đi quyết liệt hơn từ phía chính phủ Trung Quốc, không chỉ đối với Alibaba mà có khả năng là cả lĩnh vực công nghệ của quốc gia này.

Colin Sebastian – nhà phân tích của Baird, nhận định: "Rất khó để dự đoán kết quả cuộc điều tra đang diễn ra của chính phủ Trung Quốc với Alibaba và các nền tảng internet tiêu dùng lớn khác." Ngoài ra, ông cũng hạ giá mục tiêu đối với cổ phiếu Alibaba niêm yết tại Mỹ từ 325 USD xuống 285 USD, với lý do "sự bất ổn xung quanh động thái mới của chính phủ và khả năng sẽ có những hành động điều tiết trực tiếp trong năm tới."

Chứng chỉ lưu ký tại Mỹ của Alibaba dao động trước khi đóng cửa phiên ngày 28/12, hầu như không thay đổi sau khi mất 13% trong phiên trước. Khối lượng giao dịch cổ phiếu này tăng cao vài lần so với mức trung bình ngày của 12 tháng gần nhất. Cổ phiếu JD.com giảm 3,4%, Tencent mất 3,5%. Phiên giao dịch ngày 28/12 trên sàn Hồng Kông cũng "đỏ lửa", Alibaba giảm 8%, mất 270 tỷ USD vốn hóa kể từ mức đỉnh tháng 10, trong khi Tencent và Meituan đều sụt hơn 6%. Theo đó, KeyBanc Capital Markets nhận định, đà sụt giảm đáng kể này đã tạo cơ hội "bắt đáy" hấp dẫn.

Alibaba bị siết chặt quản lý, các đại gia công nghệ Trung Quốc có thể gục ngã vì hiệu ứng domino   - Ảnh 1.

Cổ phiếu của 3 "đại gia" công nghệ Trung Quốc rớt giá mạnh.

Hôm Chủ nhật, PBOC cho biết đã triệu tập các giám đốc điều hành của Ant vào cuối tuần và yêu cầu họ "chấn chỉnh" các dịch vụ cho vay, bảo hiểm và dịch vụ quản lý tài sản. Dù không trực tiếp yêu cầu về việc chia tách công ty này, nhưng NHTW nhấn mạnh rằng Ant cần phải hiểu sự cần thiết của việc đại tu hoạt động kinh doanh và đưa ra thời gian thực hiện càng sớm càng tốt.

Từng được ca ngợi là động lực thúc đẩy sự phát triển cho nền kinh tế và biểu tượng cho sức mạnh công nghệ của quốc gia, đế chế của Jack Ma, cùng Tencent và các "ông trùm" công nghệ khác đang bị giới chức giám sát chặt chẽ hơn. Nguyên nhân là bởi họ đã có được hàng trăm triệu người dùng sau nhiều năm hoạt động và ảnh hưởng đến hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống hàng ngày tại Trung Quốc.

Jackson Wong – giám đốc quản lý tài sản tại Amber Hill Capital, cho biết: "Chính phủ Trung Quốc đang gia tăng áp lực hoặc muốn kiểm soát chặt chẽ hơn đối với các công ty công nghệ. Hiện tại, áp lực bán đối với các cổ phiếu như Alibaba, Tencent hay Meituan vẫn là rất lớn. Các công ty này hiện đã phát triển với tốc độ mà Bắc Kinh cho rằng là quá nhanh và có quy mô quá lớn."

Hiện tại, vẫn chưa rõ các cơ quan quản lý sẽ đưa ra hình phạt như thế nào Alibaba. Theo Luật chống độc quyền của Trung Quốc, Bắc Kinh có thể phạt những bên vi phạm tới 10% doanh thu. Trong trường hợp của Alibaba, tập đoàn này sẽ phải nộp phạt tới 7,8 tỷ USD.

Tập đoàn thương mại điện tử hàng đầu Trung Quốc hôm qua đã nâng quy mô của chương trình mua cổ phiếu quỹ từ 4 tỷ USD lên 10 tỷ USD, sẽ được thực hiện trong 2 năm đến cuối năm 2022. Tuy nhiên, chương trình này đã gặp trở ngại bởi nỗi lo về việc những động thái "tấn công" Ant chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Dù PBOC không đề cập đến việc chia tách tập đoàn, Alibaba vẫn phải đưa ra các biện pháp và thời gian cụ thể để cải tổ hoạt động kinh doanh.

Hiện tại, các nhà đầu tư vẫn có quan điểm chia rẽ về mức độ gắt gao của những động thái Bắc Kinh sẽ áp dụng với Alibaba và các đối thủ, trong bối cảnh chính phủ nước này đang chuẩn bị đưa ra các quy định chống độc quyền mới. Các nhà lãnh đạo của Trung Quốc chưa tiết lộ nhiều về kế hoạch chi tiết và tại sao họ lại quyết định hành động ngay lúc này.

Một số nhà phân tích dự đoán động thái "trừng trị thẳng tay" sẽ diễn ra. Họ lấy dẫn chứng từ những quy định, cho thấy sự kiểm soát nghiêm ngặt sẽ tập trung chủ yếu vào ngành thương mại trực tuyến, các thỏa thuận độc quyền bắt buộc đối với người bán khiến họ phải "chọn 1 trong 2", cho đến mức giá dựa trên thuật toán có lợi cho người dùng mới. Các quy định mới cũng cảnh báo về tình trạng bán phá giá để loại bỏ đối thủ.

Nhóm nhà phân tích của Nomura cho biết: "Bởi cuộc điều tra mới nhất diễn ra vào thời điểm Trung Quốc sẵn sàng hành động chống lại các hành vi độc quyền, chúng tôi nghĩ Tổng Cục Quản lý Giám sát thị trường quốc gia Trung Quốc (SAMR) có thể muốn lấy trường hợp của Alibaba làm tiền lệ để gửi thông điệp đến phần còn lại của ngành, rằng cơ quan này đã xác định đây chính là thời điểm để giải quyết vấn đề này."

Tham khảo Bloomberg

Lục Lam

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên