MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Alibaba đã hết thời: Không thể làm nên chuyện nếu thiếu Jack Ma, người thừa kế cũng khó khôi phục thời hoàng kim

27-06-2023 - 11:25 AM | Tài chính quốc tế

Alibaba đã hết thời: Không thể làm nên chuyện nếu thiếu Jack Ma, người thừa kế cũng khó khôi phục thời hoàng kim

Theo tờ Nikkei, đống hỗn độn mà Jack Ma để lại khiến người thừa kế Joe Tsai khó lòng đưa đế chế Alibaba trở lại thời hoàng kim như xưa.

Tờ Nikkei Asian Review nhận định nhà sáng lập Jack Ma là một người có khả năng truyền cảm hứng nhưng cũng bốc đồng. Trớ trêu thay đế chế Alibaba lại chẳng thể thành công nếu thiếu vị tỷ phú tài ba này.

Chính bởi vậy mà Joe Tsai-Phó chủ tịch Alibaba đã luôn phải cố gắng, và thường xuyên thất bại, trong việc giữ Jack Ma tập trung lèo lái những hướng đi quan trọng của đế chế, tránh trường hợp “ngã xe”.

Thế rồi những gì Joe Tsai lo lắng đã xảy ra khi câu vạ miệng của Jack Ma năm 2020 đã khiến đế chế này làm phật lòng chính quyền Bắc Kinh, khởi đầu cho chuỗi ngày chấn chỉnh toàn ngành công nghệ cũng như ở ẩn của vị tỷ phú này.

Alibaba đã hết thời: Không thể làm nên chuyện nếu thiếu Jack Ma, người thừa kế cũng khó khôi phục thời hoàng kim - Ảnh 1.

Ông Joe Tsai và Jack Ma

Tệ hơn, tình hình căng thẳng Mỹ-Trung khiến kế hoạch Mỹ tiến của Alibaba đổ bể, trong khi việc phải giải quyết những rắc rối từ sau vụ vạ miệng của Jack Ma khiến tập đoàn này bị hàng loạt đối thủ vượt qua ở nhiều mặt.

Khi Goldman Sachs mới đầu tư vào Alibaba, chính Joe Tsai là người đã đóng góp công lớn cho sự hợp tác này, đặt ra tiền đề để tập đoàn Mỹ tiến. Giờ đây Jack Ma lại một lần nữa tin tưởng trao đế chế của mình cho Joe Tsai khi tổng mức vốn hóa của doanh nghiệp đã giảm mạnh từ đỉnh 850 tỷ USD vào tháng 10/2020.

Theo thông báo chính thức, Joe Tsai sẽ trở thành Chủ tịch của Alibaba kể từ tháng 9/2023, thay thế Daniel Zhang, vốn là người vẫn điều hành tập đoàn kể từ khi Jack Ma “nghỉ hưu”.

Tuy nhiên theo Nikkei, những yếu tố thuận lợi đóng góp cho sự tăng trưởng của Alibaba đã không còn và người thừa kế của Jack Ma sẽ khó có thể đem lại thời hoàng kim như xưa cho đế chế này.

Người thừa kế

Tờ Nikkei nhận định những nỗ lực Mỹ tiến của Joe Tsai trước đây đã không còn được đánh giá cao khi quan hệ Mỹ-Trung căng thẳng. Bản thân người thừa kế của Jack Ma này cũng có cuộc sống thân Phương Tây hơn là tại Trung Quốc.

Sinh ra ở Đài Loan, theo học cấp 3 ở Mỹ trước khi tốt nghiệp bằng luật của trường Yale University, hiện Joe Tsai đang có quốc tịch Canada nhưng lại sống ở New York trong một khu chung cư cao cấp. Bản thân gia đình Tsai cũng có quỹ đầu tư riêng mang tên Blue Pool Capital, trong khi người thừa kế Jack Ma này dành nhiều thời gian cho các dự án ở Mỹ hơn là tại Trung Quốc hay Hong Kong.

Với lý lịch như vậy, không có gì khó hiểu khi Tsai là người tích cực ủng hộ Alibaba Mỹ tiến, trở thành người lý tưởng nhất lãnh đạo hướng đi này của đế chế nhà Jack Ma. Thế nhưng khi căng thẳng 2 nước diễn ra thì những cố gắng trên lại trở thành công cốc khi Joe Tsai nằm giữa ngã 3 đường, hoặc bảo vệ Alibaba từ quan điểm của chính quyền Bắc Kinh hoặc chiều lòng những nhà đầu tư Mỹ.

Alibaba đã hết thời: Không thể làm nên chuyện nếu thiếu Jack Ma, người thừa kế cũng khó khôi phục thời hoàng kim - Ảnh 2.

Tệ hơn, việc có cuộc sống dính dáng quá nhiều đến Mỹ và Phương Tây khiến Joe Tsai không được lòng trong mắt chính quyền Bắc Kinh và đây sẽ là thử thách cực kỳ lớn với người thừa kế Jack Ma trong việc chiều lòng chính phủ Trung Quốc để có thể tiếp tục phát triển.

Theo Nikkei, tình hình của Alibaba hiện nay chỉ toàn màu xám chứ chẳng có chút hy vọng nào. Việc Trung Quốc dừng đợt phát hành cổ phiếu ra lần đầu (IPO) của Ant Group thuộc Alibaba vào phút chót năm 2020 từng bị cho là phản ứng từ lời vạ miệng của Jack Ma trước đó. Thế nhưng một số chuyên gia cho rằng việc ứng dụng này nắm giữ gần 75% thị phần thanh toán trực tuyến cùng hàng trăm tỷ USD tiền gửi của các hộ gia đình nằm ngoài sự kiểm soát của nhà nước mới là nguyên nhân chính.

Nhiều nhà hoạch định chính sách đã từng coi Ant Group là một bước đi quá mạo hiểm nếu để cho IPO và nằm ngoài tầm kiểm soát của chính phủ. Cả đối thủ của Alibaba lẫn các nhà làm luật đều cho rằng đế chế nhà Jack Ma đã trở nên quá độc quyền và quá lớn, trở thành rủi ro mất ổn định cũng như đe dọa đến khả năng đổi mới của toàn ngành công nghệ.

Đây chính là lý do khiến Alibaba cuối cùng cũng phải tách ra làm 6 công ty con hoạt động độc lập, khiến ngôi vị lãnh đạo của Joe Tsai trở nên yếu thế hơn bao giờ hết.

Mặc dù mảng điện toán đám mây của Alibaba được cho là vẫn có tiềm năng từ bài học của Amazon, đồng thời mảng logistics cũng thu hút nhà đầu tư nhưng tờ Nikkei cho rằng đế chế nhà Jack Ma đã hết thời.

Hàng loạt những đối thủ của Alibaba đã bỏ xa tập đoàn công nghệ này trong nhiều lĩnh vực khi Jack Ma và dàn lãnh đạo còn đang phải bận rộn với các cuộc điều tra, chấn chỉnh từ chính quyền Bắc Kinh.

Thương hiệu Baidu đã thành công thuyết phục thị trường rằng Ernie Bot là sản phẩm trí tuệ nhân tạo tiên tiến nhất hiện nay. Hãng PDD với sự trợ giúp của Tencent, một trong những đối thủ chính của Alibaba, đang phát triển mạnh thương mại điện tử với thành công của Temu ở Mỹ.

Alibaba đã hết thời: Không thể làm nên chuyện nếu thiếu Jack Ma, người thừa kế cũng khó khôi phục thời hoàng kim - Ảnh 3.

Thế rồi Douyin của Bytedance cũng đã tiếp cận thị trường thương mại điện tử này với sức ảnh hưởng của mình, khiến Taobao và Tmall của Alibaba bị xói mòn thị phần.

Cuối cùng, Nikkei kết luận trong khi Jack Ma nghỉ hưu an toàn với vai trò giáo sư thỉnh giảng ở trường đại học Tokyo thì Joe Tsai đang phải giải quyết đống rắc rối mà nhà sáng lập này để lại.

Với việc bị quá nhiều đối thủ lấn sân hay vượt mặt ở các mảng trọng yếu, cùng với quan hệ căng thẳng Mỹ-Trung và sự chấn chỉnh từ chính quyền Bắc Kinh, người thừa kế của Jack Ma được cho là sẽ khó lòng đưa đế chế Alibaba tìm lại ánh hào quang khi xưa của mình.

*Nguồn: Nikkei Asian Review

Theo Băng Băng

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên