MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Alibaba, Tencent xưa rồi, những 'gã khổng lồ tí hon' này mới là át chủ bài của Trung Quốc trong cuộc chạy đua công nghệ với Mỹ

05-02-2022 - 12:09 PM | Thị trường

Alibaba, Tencent xưa rồi, những 'gã khổng lồ tí hon' này mới là át chủ bài của Trung Quốc trong cuộc chạy đua công nghệ với Mỹ

Mọi quốc gia đều có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ nhưng xét về quy mô và mức độ ưu tiên thì thu xa chương trình "little giant" của Trung Quốc. Có khoảng hơn 4.000 "little giant" tại Trung Quốc đã được chính phủ tuyển chọn kỹ lưỡng trong các lĩnh vực quan trọng như robot, bán dẫn để đưa ra các biện pháp hỗ trợ về tài chính, nhân lực nhằm biến họ thành những gã khổng lồ thực sự của ngành công nghệ thế giới.

Ở Trung Quốc bây giờ, những gã khổng lồ như Alibaba, Tencent không còn được ưa chuộng nhưng "những gã khổng lồ tí hon" lại đang gia tăng.

Đó là cụm từ để chỉ một thế hệ những công ty khởi nghiệp mới đã được lựa chọn theo một chương trình đầy tham vọng của chính phủ nhằm thúc đẩy ngành công nghệ cạnh tranh với thung lũng Silicon của Mỹ. Những công ty ít người biết đến này đã chứng minh thứ họ đang làm là độc đáo, sáng tạo, nhắm đến các lĩnh vực quan trọng về mặt chiến lược như robot, máy tính lượng tử và bán dẫn.

Wu Gansha đã giành được danh hiệu này cho công ty startup về xe tự lái của mình sau một cuộc đánh giá của chính phủ. Điều này giúp công ty của anh, Uisee nhận được nhiều lợi ích, từ tài chính cho đến uy tín. Năm ngoái, công ty huy động được hơn 1 tỷ nhân dân tệ (157 triệu USD), gồm cả vốn đầu tư từ một quỹ quốc doanh. Cty này cũng đã trở thành kỳ lân với định giá ít nhất 1 tỷ USD.

"Thật vinh dự khi được gán mác ‘khổng lồ tí hon’", Wu nói. "Bản chất của dự án là các công ty phải sở hữu một số đặc điểm mà các đối thủ không có".

Alibaba, Tencent xưa rồi, những gã khổng lồ tí hon này mới là át chủ bài của Trung Quốc trong cuộc chạy đua công nghệ với Mỹ - Ảnh 1.

"Bản đồ" các "gã khổng lồ tí hon" của Trung Quốc.

Chương trình này đã tồn tại hơn một thập kỷ nhưng nó chỉ trở nên nổi bật sau khi Bắc Kinh tiến hành một cuộc "đàn áp" sâu rộng nhắm vào các công ty công nghệ hàng đầu như Alibaba, Tencent. Cái mác "người khổng lồ tý hon" đã trở thành một thước đó có giá trị cho sự chứng thực của chính phủ, một tín hiệu cho các nhà đầu tư rằng họ đang sở hữu "kim bài miễn tử".

"Điều này hữu ích cho các startup về nhiều mặt. Đó là một khoản trợ cấp, một vinh dự, một con dấu của sự chấp thuận", Lee Kai-Fu – CEO của quỹ đầu tư mạo hiểm Sinovation cho biết.

Chương trình này là chìa khoá cho chiến lược đầy tham vọng của Trung Quốc nhằm tái định vị ngành công nghệ của đất nước.

Trong 2 thập kỷ, Trung Quốc đi theo mô hình Thung lũng Silicon, cho phép các doanh nhân theo đuổi tham vọng của họ mà không có sự giám sát của chính phủ. Điều này giúp tạo ra các gã khổng lồ thực sự như hãng thương mại điện tử Alibaba, các công ty mạng xã hội Tencent, ByteDance – cha đẻ của TikTok.

Nhưng trong một loạt các động thái trong năm qua, Bắc Kinh đã tuyên bố rõ ràng rằng ngành công nghệ phải tái thiết lại để phù hợp với các ưu tiên của chính phủ. Alibaba và Tencent nhanh chóng bị buộc loại bỏ các hành vi chống cạnh tranh, các công ty game phải giới hạn trẻ vị thành niên chơi game 3 giờ mỗi tuần. Nói một cách đơn giản, chính phủ đã báo hiệu rằng các dịch vụ Internet không còn được ưa chuộng.

Thay vào đó, Bắc Kinh đặt mục tiêu chuyển nguồn lực sang các công nghệ quan trọng về mặt chiến lược như chip, phần mềm doanh nghiệp. Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin đã "tìm ra" 4.762 "gã khổng lồ tí hon" kể từ năm 2019 với một lượng lớn trong số đó là các công ty trong ngành bán dẫn, máy móc và dược phẩm. Họ nhận các ưu đãi từ chính quyền trung ương hoặc cấp tỉnh, bao gồm cắt giảm thuế, hỗ trợ các khoản vay và chính sách thu hút nhân tài thuận lợi.

"Những gì đất nước đang cố gắng thúc đẩy là công nghệ mạnh hơn, những thứ khiến Trung Quốc trở nên cạnh tranh hơn", Yipin Ng, đối tác sáng lập của Yunqi Partners – quỹ đầu tư mạo hiểm đang rót vốn cho những công ty startup này, chia sẻ.

Chính phủ nhiều nước khác cũng thiết lập các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ nhưng so về quy mô, nguồn lực và tham vọng thì nhỏ bé hơn rất nhiều so với Trung Quốc.

Khái niệm "gã khổng lồ tí hon – little giant" xuất hiện từ năm 2005, khi chính quyền địa phương ở tỉnh Hồ Nam đă ra các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ. Trung ương sau đó đã tán thành chiến dịch này bằng cách cấp đất, hỗ trợ tài chính. Các địa phương khác như Thiên Tân cũng bắt đầu có những sáng kiến riêng từ năm 2018.

Trung Quốc khi đó công bố kế hoạch tạo ra khoảng 600 "gã khổng lồ nhỏ"  để phát triển các công nghệ cốt lõi. Họ có hẳn quy trình, tiêu chí để xác định các công ty triển vọng cũng như thúc đẩy các công ty này.

Các ứng viên nộp đơn với một biểu mẫu dài 6 trang, nêu chi tiết tình trạng tài chính, số lượng bằng sáng chế và thành tích nghiên cứu. Trong vòng tuyển chọn đầu tiên, mỗi tỉnh chỉ được đề cử không quá 10 công ty. 2 trung tâm công nghệ hàng đầu đất nước là Bắc Kinh, Thâm Quyến và Thượng Hải chỉ có 17 ứng viên.

Alibaba, Tencent xưa rồi, những gã khổng lồ tí hon này mới là át chủ bài của Trung Quốc trong cuộc chạy đua công nghệ với Mỹ - Ảnh 2.

CEO Guan Yaxin của ForwardX Robotics.

Guan Yaxin, CEO của ForwardX Robotics có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết quá trình này diễn ra tương đối suôn sẻ với công ty của cô vì bản thân công ty chứng minh được những sự đổi mới với 121 bằng sáng chế trên toàn cầu, trong đó có 25 bằng sáng chế tại Mỹ. "Sự xác nhận này của chính phủ rất quan trọng khi chúng tôi mở rộng kinh doanh vì khách hàng hiểu rằng chúng tôi không chỉ là một startup đơn giản như bao công ty khác", cô nói.

Sau đó, Trung Quốc đã mở rộng chương trình lên hàng nghìn công ty. Các thành viên của "câu lạc bộ" này nhận được tài trợ trực tiếp từ chính phủ. Vào tháng 1/2022, Bộ Tài chính Trung Quốc đã dành ít nhất 10 tỷ nhân dân tệ để tài trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cho đến năm 2025, phần lớn trong số đó sẽ ưu tiên cho mục đích nghiên cứu. Mục tiêu của Trung Quốc là tạo ra 10.000 "gã khổng lồ tí hon" vào năm 2025.

Guan của ForwardX Robotics cho biết những người sáng lập vẫn giữ quyền kiểm soát đối với công ty, ngay cả khi họ tham gia vào các chương trình của chính phủ. Công ty của cô, sản xuất robot di động trong lĩnh vực hậu cần, có khoảng 300 nhân viên và có kế hoạch mở rộng sang Nhật Bản và Mỹ. Cô nhận thấy sự hỗ trợ của chính phủ là một lợi ích lớn khi các startup cố gắng phát triển.

"Nhiều công ty trong số chúng tôi hiện rất nhỏ bé so với các công ty đa quốc gia. Nhưng chính phủ nhìn thấy tiềm năng một ngày nào đó họ có thể trở thành những gã khổng lồ thực sự", cô nói.

https://cafef.vn/alibaba-tencent-xua-roi-nhung-ga-khong-lo-ti-hon-nay-moi-la-at-chu-bai-cua-trung-quoc-trong-cuoc-chay-dua-cong-nghe-voi-my-20220125092515536.chn

Đức Nam

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên