MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ấm cùng thị trường bất động sản, doanh nghiệp gạch men ồ ạt báo lãi lớn trong nửa đầu năm 2016

26-07-2016 - 07:53 AM | Doanh nghiệp

Trong nửa đầu năm 2016, hàng loạt doanh nghiệp gạch men như CMC, Viglacera Tiên Sơn, Viglacera Thăng Long, Thanh Thanh….đều báo lãi vượt trội so với cùng kỳ 2015.

Sự ấm lên của thị trường bất động sản trong những năm gần đây đã kéo theo sự hồi phục của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng. Báo cáo kết quả kinh doanh bán niên 2016 được công bố đã cho thấy bức tranh tươi sáng của các doanh nghiệp ngành gạch men.

CTCP CMC (CVT) là trường hợp tiêu biểu khi lãi ròng 6 tháng đầu năm của công ty đạt 59 tỷ đồng, cao gấp đôi cùng kỳ 2015. Kết quả tích cực mà CVT đạt được bên cạnh yếu tố sản lượng tăng nhờ thị trường bất động sản hồi phục mà còn bởi dây chuyền công nghệ mới đi vào sản xuất ổn định giúp tiết kiệm chi phí.

Tương tự là trường hợp của Gạch men Thanh Thanh với lợi nhuận 6 tháng tăng trưởng 30% lên 13 tỷ đồng. Còn với Gốm sử Taicera (TCR), mặc dù doanh thu sụt giảm so với cùng kỳ 2015 nhưng nhờ tiết giảm giá vốn hàng bán và các chi phí nên công ty đã ghi nhận hơn 25 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, trong khi cùng kỳ lỗ gần 25 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp họ Viglacera cũng ghi nhận những con số khá ấn tượng trong nửa đầu năm 2016. Có thể kể tới như Viglacera Tiên Sơn (VIT), doanh nghiệp này đạt 18,6 tỷ đồng lợi nhuận trong 6 tháng, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Việc dây chuyền 2 nhà máy Thái Bình đi vào hoạt động hiệu quả đã góp phần quan trọng vào kết quả kinh doanh của công ty.

Ngoài ra, các doanh nghiệp như Viglacera Hạ Long (VHL) hay Viglacera Thăng Long (TLT) cũng đạt lợi nhuận tăng trưởng mạnh so với nửa đầu năm 2015.

Tại buổi sơ kết đánh giá kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm mới diễn ra, lãnh đạo Tổng công ty Viglacera (VGC) cũng tiết lộ lợi nhuận trước thuế của toàn Tổng công ty tăng vọt 53% so với cùng kỳ 2015. Trong đó, công ty mẹ tăng mạnh nhất 43% so với kế hoạch và chiếm 55% lợi nhuận toàn tổng Viglacera.

Với kết quả kinh doanh tích cực, không quá ngạc nhiên khi nhóm cổ phiếu gạch bứt phá khá mạnh trong giai đoạn đầu năm nay. Tính tới hết phiên giao dịch 25/7, cổ phiếu TTC dừng tại 23.500đ/cp, tăng gần gấp đôi so với đầu năm; VGC tăng 73%; CVT tăng 63% (sau khi đã chi trả cổ tức 25% bằng tiền mặt)….


Cổ phiếu gạch men tăng mạnh trong nửa đầu năm 2016. Đơn vị: nghìn đồng

Cổ phiếu gạch men tăng mạnh trong nửa đầu năm 2016. Đơn vị: nghìn đồng

Mở rộng quy mô, đón đầu sự phục hồi của thị trường bất động sản

Theo dự báo của Bộ Xây dựng, gạch Granite sẽ tăng trưởng 20%/năm trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, bao gồm cả tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Tuy nhiên, công suất các nhà máy granite trong nước hiện tại chỉ đạt gần 60 triệu/m2, khó đáp ứng được hết nhu cầu tiêu thụ.

Bởi vậy, không ít doanh nghiệp đã nắm bắt xu hướng đầu tư, mở rộng nhà máy sản xuất gạch Granite như CVT đưa vào vận hành dây chuyền CMC2-2 từ tháng 8/2015 với công suất 4 triệu m2/năm, chuyên sản xuất gạch Granite khổi lớn cỡ 800x800 hay Viglacera Tiên Sơn cũng đưa nhà máy Thái Bình đi vào vận hành trong năm 2016 với công suất 2 triệu m2/năm….

Có thể thấy, sự hiện diện của những nhà máy, dây chuyền mới này đã đóng góp quan trọng vào KQKD của các doanh nghiệp trong giai đoạn vừa qua.

Tuy vậy, một khó khăn mà các doanh nghiệp trong nước gặp phải là áp lực cạnh tranh lớn tới từ gạch men Trung Quốc bởi mức giá rẻ hơn so với hàng nội địa. Tính riêng dòng gạch Granite, sản phẩm Trung Quốc hiện đang chiếm khoảng 40 – 45% thị phần tại Việt Nam.

Theo báo cáo của CTCK BSC, việc áp thuế bảo hộ cao đối với các sản phẩm gạch men Trung Quốc cùng sự đầu tư công nghệ, mẫu mã đã giúp các công ty trong nước dần chiếm được thị phần. Do đó, BSC đánh giá rủi ro cạnh tranh từ các dòng gạch Trung Quốc đối với các doanh nghiệp trong nước là không quá cao.

Minh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên