MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Âm thầm sao chép Facebook, Apple, công ty Trung Quốc kín tiếng này hiện được xem là 'kẻ huỷ diệt' đối với những gã khổng lồ Mỹ

22-12-2016 - 12:22 PM | Tài chính quốc tế

Tencent hiện có “hầu hết những ứng dụng khủng nhất trên thế giới”.

Xu Ye là một thanh niên thành thị hiện đại. Cô đọc những bài báo về khoa học và văn hóa trên đường đi làm. Công việc chính là nhận và truyền đi những yêu cầu của sếp, ăn trưa bằng thực phẩm hữu cơ và mua bánh mỳ handmade trên đường về nhà.

Theo tiêu chuẩn cuộc sống bình thường của người Trung Quốc, Xu nói rằng cuộc sống như kể trên của cô tại Thượng Hải là "đặc thù". Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, cuộc sống của Xu lại hết sức điển hình: Giống như hàng trăm triệu người dân Trung Quốc khác, rất nhiều vấn đề trong cuộc sống hàng ngày của Xu được thực hiện thông qua Weixin – một ứng dụng tin nhắn trên điện thoại thông minh vô cùng phổ biến tại quốc gia đông dân nhất thế giới này.

Phong cách sống kết nối thông qua ứng dụng và Internet của Xu và rất nhiều người dân Trung Quốc khác phần lớn là nhờ công của Tencent – một công ty Internet trị giá 225 tỷ USD – đơn vị sở hữu nền tảng xã hội đã trở thành một phần kết cấu quan trọng trong cuộc sống của người dân Trung Quốc. Với những người như Xu, những ứng dụng và dịch vụ của Tencent cung cấp cho họ cách làm việc, vui chơi và cả thanh toán.

Theo một chuyên gia ngân hàng thì: “Tencent là một công ty xã hội đầy uy lực”. Dưới chướng công ty này có rất nhiều ứng dụng được coi là "kẻ huỷ diệt" đối với Facebook, WhatsApp, Spotify, Kindle và ApplePay. Chi Tssang – một chuyên gia phân tích tại HSBC nói rằng Tencent có “hầu hết những ứng dụng khủng nhất trên thế giới”. Weixin – cùng với WeChat hiện có 846 triệu người dùng hoạt động hàng tháng.

Tencent cũng có danh mục đầu tư trị giá nhiều tỷ USD từ cổ phần tại Didi Chuxing – công ty chia sẻ xe lớn nhất Trung Quốc đến các startup hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác. Công ty này cũng tham gia vào cả lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, xe điện và chia sẻ xe máy. Tencent còn công khai rằng mình có thể hack bảng điều khiển mẫu Model S của Tesla, buộc nhà sản xuất xe của Mỹ phải tung ra một bản cập nhập sửa lỗi bảo mật.

“Khởi đầu bằng việc phân phối, hiện tại Tencent đang 'tiền hoá' mọi thứ có thể”, theo Scott Likens – một đối tác tại PwC. “Điều này đi ngược lại so với cách kinh doanh truyền thống tức là xây dựng sản phẩm sau đó bắt đầu tìm kiếm khách hàng".

Mô hình kinh doanh Freemium

Tencent tó trụ sở tại Thâm Quyến với hơn 30.000 nhân viên trong đó hơn một nửa làm việc trong phòng nghiên cứu và phát triển. Trong khi đang nắm ngôi bá chủ ở thị trường quê nhà, Tencent cũng có sự hiện diện rộng khắp tại nhiều lĩnh vực ở nước ngoài như ứng dụng thanh toán Wechat của họ có thể được sử dụng tại Caesars Palace ở Las Vegas.

“Họ có mặt ở khắp mọi nơi, châu Âu, Mỹ - đặc biệt là trong cộng đồng người Trung Quốc. Lý do là bởi nếu muốn liên lạc với đối tác kinh doanh hoặc gia đình tại Trung Quốc, cách duy nhất là thông qua WeChat”, theo Elinor Leung – một chuyên gia phân tích tới từ CLSA.

Cùng với Baidu và Alibaba, Tencent hiện là một trong 3 tập đoàn Internet lớn nhất Trung Quốc. Điểm khác biệt giữa Tencent với 2 đối thủ còn lại là họ chọn Hồng Kông chứ không phải Mỹ là nơi IPO.


Pony Ma - nhà sáng lập Tencent:

Pony Ma - nhà sáng lập Tencent:

Điều này dẫn tới việc cấu trúc sở hữu tại Tencent có đôi chút khác biệt so với những công ty ở phương Tây như Google hay Facebook. Tuy nhiên, về mặt chiến lược thì gần như giống nhau.

"Tencent có sự phát triển trong giai đoạn đầu mang phong cách Mỹ điển hình".

Chiến lược này chịu ảnh hưởng nhiều từ nhà sáng lập Pony Ma. Không giống như người cùng tên với mình là Jack Ma, Pony Ma ít xuất hiện trước truyền thông và thường bị đồng nghiệp cũng như bạn bè cho là người có tính cách khiêm tốn.

Xuất thân là một kỹ sư, doanh nhân 45 tuổi này hiện xếp thứ 46 trong danh sách những người giàu có nhất thế giới theo thống kê của Forbes với khối tài sản trị giá 21,9 tỷ USD. Tuy nhiên, Pony Ma thích làm từ thiện và rất ít khi khoe mẽ về khối tài sản của mình. Thứ tài sản "to tát" duy nhất của Pony mà mọi người có nhìn thấy rõ ràng là một ngôi nhà tại Hồng Kông đứng tên anh.

Pony Ma khởi nghiệp Tencent vào năm 1998 với dịch vụ tin nhắn QQ – không phải tại một garage xe ô tô nào đó theo phong cách thung lũng Silicon mà trong công viên công nghệ cao tại Thâm Quyến. Mảng kinh doanh game trực tuyến được thêm vào từ năm 2004 và hiện trở thành cỗ máy kiếm tiền chủ yếu của tập đoàn với doanh thu đạt 2,6 tỷ USD (tức là một nửa tổng doanh thu toàn công ty) trong quý 3.

Năm nay, Tencent lại tiếp tục cho thấy họ đặt cược vào mảng game khi chi 8,6 tỷ USD mua lại phần lớn cổ phần của nhà phát triển game Clash of Clans là Supercell. “Họ có tầm nhìn dài hạn vào lĩnh vực game. Tôi chắc chắn Tencent đang có kế hoạch tiến ra nước ngoài ở mảng kinh doanh này”.

Về tổng quan, nội dung – đặc biệt là nội dung độc quyền và có bản quyền là ưu tiên hàng đầu của Tencent. Mô hình hoạt động của Tencent dựa trên nguyên lý: Miễn phí các dịch vụ cơ bản để có được nhiều khách hàng thông qua hình thức truyền miệng hoặc tìm kiếm, sau đó thu phí các tính năng cao cấp (freemium). Đây rõ ràng là một chiêu thức kinh doanh khôn ngoan trong bối cảnh người dùng Trung Quốc cũng đang sẵn sàng hơn trong việc trả tiền để xem nội dung.

Thành công là vậy nhưng Tencent chịu không ít điều tiếng là kẻ "bắt chước, sao chép". Tuy nhiên, nhà sáng lập Pony Ma từng công khai nói rằng "sao chép không phải tội lỗi". Và dường như anh đang chứng minh với cả thế giới thấy đây là bước đi khôn ngoan với hàng loạt ứng dụng có khả năng huỷ diệt nhiều đối thủ cạnh tranh trong và ngoài nước.

Theo Vân Đàm

Theo Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên