MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Amazon, Alibaba tranh nhau lôi kéo doanh nghiệp Việt xuất khẩu trực tuyến

Với 175 trung tâm hoàn thiện đơn hàng, hỗ trợ người bán vận chuyển sản phẩm đến 185 quốc gia và khu vực, Amazon có thể trở thành đối tác của các doanh nghiệp đang có chiến lược tìm đơn hàng xuất khẩu qua nền tảng trực tuyến.

Tiếp theo Hội thảo "Xuất khẩu thông qua nền tảng thương mại điện tử: Cơ hội với Amazon " tổ chức tại Hà Nội ngày 27-2, một hội thảo tương tự cũng được Bộ Công Thương tổ chức tại TP HCM vào hôm nay, 1-3.

Chuỗi hoạt động này nhằm thúc đẩy có hiệu quả chiến lược chiêu mộ các nhà bán lẻ Việt Nam đăng ký gian hàng trên trang thương mại điện tử Amazon sau khi đại gia bán lẻ trực tuyến này chính thức công bố chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Việt xuất khẩu trên nền tảng hồi cuối tháng 9-2018.

Chia sẻ tại hội thảo, đại diện Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương cho hay cục tìm hiểu, kết nối với Amazon Global Selling (chương trình bán hàng toàn cầu của Amazon) nhằm mục đích hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xuất khẩu sản phẩm qua kênh thương mại điện tử.

"Thông qua chương trình bán hàng toàn cầu này, người bán trên toàn thế giới có thể tiếp cận hơn 300 triệu tài khoản người mua, trong đó có hơn 100 triệu khách hàng Prime (khách hàng thành viên cao cấp) tại nhiều thị trường khác nhau, cũng như hàng triệu đại lý mua hàng sỉ ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản" - đại diện Cục Xúc tiến thương mại thông tin.

Amazon, Alibaba tranh nhau lôi kéo doanh nghiệp Việt xuất khẩu trực tuyến - Ảnh 1.

Một sản phẩm của Việt Nam được bán trên Amazon

Năm 2019, Cục Xúc tiến thương mại và Amazon Global Selling dự kiến sẽ tổ chức các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng cường năng lực xuất khẩu thông qua bán sản phẩm trên hệ thống bán lẻ trực tuyến Amazon.com, như: cung cấp thông tin về cơ hội xuất khẩu, kết nối đến các doanh nghiệp phù hợp và hướng dẫn họ bắt đầu bán hàng trên hệ thống bán lẻ trực tuyến quốc tế…

Với kế hoạch trên, Bộ Công Thương kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội xuất khẩu lớn, đặc biệt với các sản phẩm như thủ công mỹ nghệ, dệt may, da giày, sản phẩm tiêu dùng…

Amazon hiện có trang thương mại điện tử tại 18 quốc gia, hỗ trợ 27 ngôn ngữ và danh mục hàng hóa hết sức đa dạng. Các doanh nghiệp bán hàng trên Amazon đến từ 130 quốc gia khác nhau.

Ngoài ra, với 175 trung tâm hoàn thiện đơn hàng, hỗ trợ người bán vận chuyển sản phẩm đến người mua tại 185 quốc gia và khu vực, Amazon được kỳ vọng trở thành đối tác tốt của các doanh nghiệp đang có chiến lược tìm đơn hàng xuất khẩu qua nền tảng trực tuyến.

Bà Hân Nguyễn, đồng sáng lập và CEO Andre Gift Shop - doanh nghiệp bán hàng thành công trên Amazon, cho biết trong năm 2017, doanh số từ Amazon đóng góp 70% vào doanh số bán hàng trực tuyến của công ty này trong năm 2018. Mức này cũng tăng trưởng 70% so với năm 2017. "Thị trường cho sản phẩm của chúng tôi ở nước ngoài lớn hơn rất nhiều so với ở Việt Nam. Chúng tôi quyết định bán hàng toàn cầu trên Amazon vì đó là điều bắt buộc để vươn ra toàn thế giới" - bà Hân Nguyễn nói.

Trước đó, nền tảng thương mại điện tử Alibaba của ông chủ người Trung Quốc Jack Ma cũng công bố đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu trực tuyến thành công. Cùng với Alibaba, động thái "tấn công" của Amazon được cho sẽ tạo nên sức cạnh tranh lớn trong việc thu hút doanh nghiệp xuất khẩu thông qua nền tảng thương mại điện tử.

Theo Phương Nhung

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên