Amazon buộc nhân viên thỏa hiệp bị giám sát hoặc mất việc
Ông lớn thương mại điện tử Amazon đang vấp phải sự lên án từ dư luận, do gò bó người lao động và thậm chí vi phạm quyền riêng tư bằng cách sử dụng camera AI để giám sát.
- 28-03-2021Cuộc khủng hoảng trên Kênh đào Suez: Một ngọn gió đã khiến hàng trăm tàu thuyền đứng im, gây thiệt hại cả chục tỷ đô cho thương mại toàn cầu như thế nào?
- 27-03-2021Ngày càng khó kiếm những đôi giày Nike tại các store và đây là lý do tại sao
Theo nguồn tin từ tờ Vice, các tài xế giao hàng của Amazon ở Mỹ phải ký "biểu mẫu đồng ý sinh trắc học" trong tuần này, cho phép Amazon sử dụng camera AI nhằm thu thập dữ liệu vị trí, chuyển động và sinh trắc học của họ. Amazon hiện có khoảng 75.000 tài xế giao hàng tại Mỹ, nếu không chịu ký vào các mẫu đơn, họ sẽ mất việc.
Cụ thể, Amazon sẽ sử dụng một số công nghệ xử lý thông tin sinh trắc học, bao gồm camera an ninh trong xe, thu thập ảnh để xác nhận danh tính tài xế và kết nối với một tài khoản định danh. Công nghệ này theo dõi vị trí và chuyển động của phương tiện, bao gồm số km đã lái, tốc độ, tăng tốc, phanh, rẽ và cả việc giữ khoảng cách với các phương tiện khác trên đường. Những dữ liệu này sẽ được lưu trữ tối đa 30 ngày kể sau khi ghi nhận.
Trên thực tế, ngay từ tháng 2 năm nay, Amazon đã công bố kế hoạch sử dụng camera được trang bị trí tuệ nhân tạo trên xe tải để theo dõi công việc của tài xế. Hệ thống có tên Driveri với 4 camera cung cấp phạm vi phủ sóng 270 độ: một camera hướng vào kính chắn gió, hai camera hướng ra cửa sổ bên và một camera hướng về người lái. Những tài xế này không phải do Amazon ký kết hợp đồng mà được thuê thông qua các đối tác cung cấp dịch vụ giao hàng bên thứ 3. Các đối tác sử dụng trang giao hàng của Amazon, nhưng vẫn phải tuân thủ những nguyên tắc làm việc theo quy định.
Người phát ngôn của Amazon, Deborah Bass cho rằng rằng an toàn là lý do duy nhất mà công ty chọn để giám sát người lái xe: "Các camera được sử dụng để giúp đảm bảo an toàn cho người lái xe và cộng đồng mà chúng tôi cung cấp dịch vụ”. Tuy nhiên, động thái của Amazon vẫn khiến nhiều người lo lắng về quyền riêng tư. Ít nhất 5 thượng nghị sĩ Mỹ cùng bày tỏ quan ngại về việc giám sát video.
Những người phản đối yêu cầu Giám đốc điều hành Amazon Jeff Bezos giải thích cách công ty sẽ tránh vi phạm quyền riêng tư của nhân viên, bởi việc giám sát có thể tăng "áp lực không an toàn" và khiến người lao động gặp rủi ro. Một số chuyên gia cũng nhận định, tốc độ của việc chuyển phát nhanh rất khó quản lý. Các tài xế phải giao khoảng 100 đơn hàng trong mỗi ca làm việc kéo dài 10 giờ, họ thậm chí không có cả thời gian nghỉ ngơi.
Ngay khi thông tin về việc triển khai giám sát mở rộng được công bố, không ít lái xe giao hàng của Amazon đã xin nghỉ việc, họ cho rằng không thể chấp nhận việc bị giám sát liên tục bởi điều này vi phạm cả quyền riêng tư và sự tin cậy. “Tôi sẽ không đồng ý”, nhiều tài xế khác đã lên tiếng.
Nhân viên Amazon không có quyền riêng tư
Đây không phải là lần đầu tiên Amazon rơi vào vòng xoáy của dư luận do vi phạm quyền riêng tư của nhân viên. Đầu tháng 9 năm ngoái, Amazon đã lên kế hoạch thuê các nhà phân tích tình báo để giúp xác định tổ chức công đoàn trong công ty. Mặc dù Amazon phủ nhận, nhưng theo các tài liệu nội bộ, báo cáo và thông tin được công bố trên Internet công khai, Amazon thực sự có đội ngũ giám sát trong nhiều năm để theo dõi hoạt động của nhân viên trong các nhóm Facebook .
Ngoài ra, Amazon chưa bao giờ ngừng giám sát nhân viên của mình. Đối với hàng trăm nghìn nhân viên làm việc tại trung tâm hậu cần Amazon, tất cả hành động của họ cũng phải được theo dõi và đánh giá bằng công nghệ. Vào năm 2019, Amazon từng xây dựng một hệ thống AI nội bộ có thể theo dõi hiệu quả công việc của từng nhân viên trong bộ phận hậu cần và kho bãi, đồng thời đếm thời gian nghỉ làm (TOT) của mỗi người, sau đó tự động tạo một biên bản sa thải. Khi đó, nội dung tài liệu bị lộ lên tới hàng chục trang, và gần 900 nhân viên bị sa thải vì bị hệ thống đánh giá là "hiệu quả công việc thấp".
Trong thời gian làm việc, các nhân viên đều mang theo máy quét cầm tay. Những máy quét này chứa một luồng hướng dẫn cố định, chẳng hạn như đồng hồ đếm ngược, liệt kê các khoảng thời gian giữa việc chuyển hàng hóa ra khỏi kệ. Người lao động phải đi bộ hơn 24km mỗi ngày. Không những vậy, thời giờ nghỉ ngơi của họ, trong đó có thời gian để đi vào phòng tắm, đều phải tuân theo nhiều quy định rất nghiêm ngặt.
Hệ thống của Amazon theo dõi năng suất của từng nhân viên và tự động tạo ra cảnh báo hoặc thông tin về năng suất và chất lượng sản xuất. Dữ liệu chuyển đến người quản lý theo thời gian thực, sau đó được xử lý bởi một hệ thống phần mềm đặc biệt có tên là ADAPT. Nếu một nhân viên không đạt được mục tiêu trong nhiều ngày, hệ thống sẽ ghi nhận và có thể tự động ra văn bản sa thải.
“Tốc độ ở đây nhanh, không phù hợp với tất cả mọi người, cũng như mọi giai đoạn của cuộc sống”, một giám đốc điều hành cho biết. Amazon cho rằng công ty không cần cân nhắc làm thế nào để cân bằng giữa công việc và cuộc sống, đây là vấn đề mà nhân viên nên lo lắng, Amazon không phải là bảo mẫu cho nhân viên.
Trước đó, với áp lực công việc tần suất cao và cân bằng cuộc sống bị ảnh hưởng, hàng ngàn người lao động tại Amazon đã đứng lên đòi quyền lợi và kêu gọi thành lập tổ chức công đoàn. Amazon cũng từng ngồi lại để đàm phán nhưng sau đó nhất quyết từ chối việc thành lập tổ chức công đoàn.
ICT News