Amazon triển khai máy đóng hàng: nhanh gấp 5 người, 2 máy thay được 24 nhân sự, hoàn vốn sau 2 năm, giá 1 triệu đô/máy
Gói hàng là một công đoạn phức tạp nhưng hiện tại máy móc của Amazon đã có thể làm thay con người.
- 06-05-2019Tỷ phú Amazon lần đầu tiên xuất hiện công khai tình tứ với "người tình tin đồn" sau khi hoàn tất thủ tục ly hôn vợ cũ
- 05-05-20199 sự thật nổ não về sự giàu có tột cùng của CEO Amazon, Jeff Bezos
- 05-05-2019Ở Amazon, robot có thể đuổi việc con người nếu thấy hợp lý
Amazon đang triển khai hệ thống máy móc để tự động hóa việc gói các mặt hàng được đặt bởi khác, công việc hiện đang được đảm nhiệm bởi hàng ngàn công nhân.
Trong những năm gần đây, Amazon đã bắt đầu bổ sung công nghệ vào một số kho hàng của mình. Những cỗ máy tự động sẽ quét các mặt hàng đi xuống từ băng chuyền sau đó gói chúng bằng những chiếc hộp dành riêng cho từng mặt hàng.
Amazon đã xem xét việc lắp đặt hai cỗ máy tại hàng chục kho hàng khác nhau, thay thế ít nhất 24 công nhân tại mỗi kho. Mỗi kho hàng của Amazon thường có tối thiểu 2.000 công nhân viên.
Mỗi chiếc máy có chi phí và phí vận hành 1 triệu USD nhưng Amazon dự tính sẽ thu hồi khoản chi phí này chỉ trong 2 năm. Tính trên 55 kho hàng trải khắp nước Mỹ, khoảng 1.300 công nhân viên sẽ bị sa thải để nhường chỗ cho các cỗ máy gói hàng.
Kế hoạch chưa từng được tiết lộ này cho thấy Amazon đang nỗ lực tự động hóa các công việc tại kho hàng để giảm số lượng lao động và tăng lợi nhuận. Dẫu vậy, dù là công việc phổ biến nhất tại các kho hàng nhưng đồng thời gói hàng cũng là công việc khó tự động hóa nhất.
Amazon luôn nỗ lực tự động hóa càng nhiều phần trong doanh nghiệp của mình càng tốt, từ việc định giá tới việc vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, Amazon đang ở một vị trí khá bấp bênh khi mà chính khả năng tạo ra việc làm giúp họ nhận được trợ cấp từ chính phủ và cảm tình từ người tiêu dùng.
"Chúng tôi đang thử nghiệm công nghệ này với mục tiêu tăng độ an toàn, tăng tốc độ giao hàng và tăng thêm hiệu quả trên mạng lưới của chúng tôi", phát ngôn việ của Amazon chia sẻ. "Chúng tôi dự tính dùng khoản tiền tiết kiệm được để tái đầu tư vào các dịch vụ mới cho khách hàng trong khi các việc làm mới sẽ tiếp tục được tạo ra".
Tháng trước, Amazon lại tỏ ra khiêm tốn khi cho phép các nhà báo, phóng viên thăm nhà kho tại Baltimore. Tuyên bố với cánh báo chí, Amazon cho biết còn rất lâu nữa chúng ta mới tiến tới một nhà kho tương lai với robot thay thế hoàn toàn con người. Amazon đã trở thành một trong những công ty có nhiều công nhân viên nhất tại Mỹ khi họ liên tục mở nhà kho mới và tăng lương để thu hút công nhân viên.
Các cỗ máy mà Amazon vừa triển khai có tên CartonWrap, được sản xuất bởi công ty CMC Srl của Ý. Chúng có khả năng đóng gói nhanh hơn con người, đạt 600 đến 700 hộp mỗi tiếng, gấp 4 đến 5 lần so với một công nhân viên bình thường. Cỗ máy cần một người tải lên các đơn hàng của khách, một người khác bổ sung thùng carton và keo dính và một kỹ thuật viên để khắc phục vấn đề tắc nghẽn.
CMC từ chối bình luận về dự án này.
Mặc dù Amazon tuyên bố rằng họ dự định tăng tốc vận chuyển hàng cho các khách hàng Prime. Tuy nhiên, cỗ máy tự động hóa này không tập trung vào tốc độ mà thay vào đó tập trung hoàn toàn về hiệu quả và tiết kiệm chi phí.
Cùng với cỗ máy khác có tên SmartPac, hệ thống của Amazon có thể tự động hóa phần lớn công việc đóng gói của con người. Năm hàng dây chuyền công nhân tại mỗi nhà kho có thể giảm xuống chỉ còn 2 khi được bổ sung 2 máy CartonWrap và 1 máy SmartPac.
Nguồn tin nội bộ của Amazon cho biết các công nhân có thể được đào tạo kỹ thuật để đảm nhiệm công việc khác chứ không bị sa thải. Các thỏa thuận việc làm giữa Amazon và chính phủ thường rất hào phóng. Ví dụ, năm ngoái với hứa hẹn tạo ra 1.500 việc làm tại Alabama, Amazon đã được chính quyền tiểu bang hứa ưu đãi 47,8 triệu USD tiền thuế trong 10 năm.
Amazon không phải là hãng duy nhất đang thử nghiệm công nghệ gói hàng tự động của CMC. Cả JD.com và Shutterfly đều đã sử dụng cỗ máy này. Walmart đã bắt đầu từ 3,5 năm trước và từ đó đến nay đã lắp đặt cỗ máy tại một số địa điểm tại Mỹ.
Gói hàng là một trong những vấn đề lớn nhất của ngành công nghiệp hậu cần. Rất khó tìm ra một bàn tay robot có thể cầm/nắm các món hàng đa dạng hình dáng mà không làm vỡ chúng.
Amazon sử dụng vô số công nhân viên tại các nhà kho, họ thực hiện rất nhiều thao tác khác nhau của cùng một công việc. Một số lấy hàng trong kho, số khác nhận đơn đặt hàng của khách và số còn lại tìm kiếm những món hàng đó, gói chúng vào các hộp có kích thước phù hợp và dán nhãn.
Nhiều công ty và các nhà nghiên cứu tại những trường đại học đang chạy đua nhằm tự động hóa công việc này. Mặc dù những tiến bộ về trí tuệ nhân tạo đang dần cải thiện độ chính xác của máy móc nhưng vẫn chẳng có gì đảm bảo rằng một bài tay robot không làm trượt và rơi vỡ tỏng khi chuyển đổi liên tục từ các mặt hàng có hình dáng khác nhau.
Amazon đã thử nghiệm nhiều nhà cung cấp khác nhau, bao gồm Soft Robotics. Startup tại Boston này đã lấy cảm hứng từ các xúc tu của bạch tuộc để tạo ra dụng cụ kẹp linh hoạt hơn.
Do tin rằng công nghệ cầm/nắm vẫn chưa chính xác, Amazon đang tự động hóa các công đoạn xung quanh việc đóng gói. Con người vẫn sẽ đặt các món hàng lên băng chuyền nhưng sau đó máy móc sẽ đóng hộp xung quanh chúng và dán nhãn. Điều này giúp Amazon tiết kiệm tiền bằng cách cắt giảm nhân viên, giảm lãng phí vật liệu đóng gói.
Nhưng các cỗ máy này vẫn có sai sót. CMC đã phải cử một nhân viên kỹ thuật tới các kho hàng của Amazon để xử lý sự cố phát sinh. Chất keo nóng, siêu dính dùng để đóng gói hàng hóa có thể bị tắc và làm hỏng máy.
Dẫu vậy, có vẻ như cỗ máy này hoạt động hiệu quả với Amazon. Công ty này đã lắp đặt chúng tại những nhà kho bận rộn ở Seattle, Frankfurt, Milan, Amsterdam, Manchester...
Mỗi máy có thể tự động hóa hơn 24 công việc cho mỗi nhà kho. Hơn 20 nhà kho tại Mỹ cho hàng tồn kho số lượng nhỏ và không đặc biệt cũng có thể sớm được lắp đặt cỗ máy của CMC.
"Một nhà kho tự động hóa hoàn toàn là mục tiêu cuối cùng", một nguồn tin nội bộ của Amazon khẳng định.
Trí thức trẻ