AMD hòa nhịp sôi động của thị trường đá tự nhiên
Nói đến ngành khai thác và chế tác đá, người ta thường nghĩ ngay đến các sản phẩm mang tính thẩm mỹ cao làm từ đá như tượng, bàn ghế, đá ốp cùng các vật dụng khác.
Những sản phẩm từ đá luôn mang dáng vẻ quý phái và tính cá biệt cao, vì vậy cực kỳ có giá trị. Ở Việt Nam, với sự khéo léo của những nghệ nhân, nhiều sản phẩm mang tính thẩm mỹ cao đã được ra đời tại các mỏ đá của đất nước như Thanh Hóa, Đà Nẵng, Khánh Hòa…
Những tháng cuối năm, cùng với sự nhộn nhịp của thị trường bất động sản, thị trường khai thác và chế tác đá cũng sôi động đáng kể - đặc biệt ở phân khúc đá xây dựng.
Chạy đua với thời gian
Chúng tôi có dịp ghé thăm một mỏ đá đang khai thác của AMD Group tại Thanh Hóa. Trái với vẻ vắng lặng ở miền quê này, mỏ đá của AMD vẫn đang tấp nập ngày đêm với từng tảng đá được cắt xẻ vuông vức tại công trường.
Một người ngoài chuyên môn nếu nhìn mỏ đá của AMD Group đang sở hữu hẳn không thể hình dung những tiềm năng mà doanh nghiệp này đang nắm giữ. Từ mỏ đá nhìn rất “bình thường” kia, AMD Group đã và đang khai thác những khối đá Marble vân xanh và vân hồng quý hiếm với kích thước khổng lồ nhờ áp dụng công nghệ cắt bằng dây kim cương, không gây vỡ và thất thoát đá. Trao đổi với một công nhân khai thác, anh cho biết khác với các mỏ đá bên cạnh “túc tắc” làm đường rồi cho nổ mìn khai thác, AMD Group chủ trương mở đường đến đâu khai thác đến đấy. Vì vậy tốc độ khai thác của công ty vượt trội hơn hẳn các doanh nghiệp khai thác đá trên cùng địa bàn.
Hiện AMD Group cũng đang gấp rút xây dựng nhà điều hành, khu ở kiên cố dành cho công nhân cùng với nhà máy chế biến đá ngay cạnh mỏ đá với công suất chế biến 1 triệu m2 đá ốp lát/năm. Theo kế hoạch, công trình sẽ nhà máy sẽ khánh thành và đi vào vận hành vào ngày 6/1/2017. Khi đó những khối đá được khai thác từ mỏ sẽ nhanh chóng được đưa vào nhà máy chế biến ngay cạnh và cho ra sản phẩm cuối cùng.
Việc tiến hành song song các công việc mở đường, khai thác đá và xây dựng nhà máy chế biến khiến công nhân các công đoạn gần như phải chạy đua với nhau để không bị lỡ tiến độ.
Thách thức và cơ hội
Trao đổi với chúng tôi về thị trường đá tự nhiên cùng những thách thức và cơ hội, ông Nguyễn Tiến Đức, Chủ tịch HĐQT AMD Group cho biết đây là một thị trường đầy tiềm năng, và đó là lý do mà cá nhân ông cùng AMD đã quyết tâm dấn thân vào lĩnh vực này.
Ông Đức cho biết hiện nhu cầu đá tự nhiên cho các công trình bất động sản là rất lớn. Các dự án đang được khởi công mỗi ngày, cần một lượng đá khổng lồ và đủ các chủng loại. Việt Nam có tiềm năng lớn về đá tự nhiên nhưng vẫn chưa được khai thác triệt để.
Cá nhân ông Đức đã từng chứng kiến đại công trường khai thác và chế biến đá ở Trung Quốc, và cho rằng với tiềm năng về đá và sự khéo léo của con người Việt Nam, ngành đá hoàn toàn có thể phát triển mạnh mẽ.
Ví dụ với AMD Group, công ty may mắn được sở hữu nhiều mỏ đá có trữ lượng lớn tại Việt Nam với độ cứng, độ liền khối và quý hiếm và đặc biệt là nhiều màu sắc khác nhau. Theo kế hoạch, tại Thanh Hóa, AMD sẽ đầu tư 5 mỏ đá và 3 nhà máy chế biến với công suất lớn và công nghệ hiện đại. Với mỗi mỏ đá, thời gian khai thác đã kéo dài vài chục năm, nên cơ hội gặt hái doanh thu là không thể phủ nhận.
Chủ tịch HĐQT AMD Group ước tính năm 2017 công ty sẽ bắt đầu bước vào thời kỳ hái quả ngọt từ việc đầu tư đặc thù này. Tuy nhiên, để có được thành quả đó, công ty đã phải đầu tư mạnh mẽ trong giai đoạn cuối năm 2016 này.
Thách thức với ngành khai thác và chế tác đá tự nhiên, theo ông Đức vẫn là vấn đề công nghệ. Hiện tại mặc dù tiềm năng về mỏ đá ở Việt Nam tương đối dồi dào nhưng sự phát triển manh mún khiến các doanh nghiệp không có một tầm nhìn đủ rộng, công nghệ áp dụng lạc hậu dẫn đến chất lượng đá khai thác bị hạn chế.
Ông Đức ví dụ, cũng một phiến đá được mài giũa như nhau, nhưng khi sử dụng công nghệ cắt bằng dây kim cương, phiến đá sẽ không bị “om” như khi khai thác bằng công nghệ nổ mìn. Khách hàng quốc tế thường có những yêu cầu rất khắt khe về mặt kỹ thuật, nên nhiều doanh nghiệp đá tự nhiên đã bị loại khỏi cuộc chơi vô cùng đáng tiếc.
Như vậy, để ngành khai thác và chế tác đá Việt Nam có thể phát triển xứng với tiềm năng, cần một tầm nhìn xa ở các “ông chủ” các doanh nghiệp trong ngành. Việc phát triển manh mún, mạnh ai nấy làm và thiếu sự đầu tư chiều sâu, vô hình trung đang làm lãng phí nguồn lực mà thiên nhiên đã ban tặng cho nước ta.