Ấn định ngày Nhật hoàng thoái vị
Một hội đồng đặc biệt do Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe dẫn đầu hôm 1-12 thông báo Nhật hoàng Akihito sẽ thoái vị vào ngày 30-4-2019, hành động chưa có tiền lệ trong vòng 2 thế kỷ.
Ngày 23-12 tới, Nhật hoàng Akihito sẽ bước sang tuổi 84 tuổi. Ông đã trải qua các cuộc phẫu thuật tim và điều trị ung thư tuyến tiền liệt. Hồi năm ngoái, Nhật hoàng Akihito cho biết ông lo ngại tuổi tác có thể làm cho mình khó hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Hội đồng Hoàng gia gồm 10 thành viên – trong đó có các nhà lập pháp, người trong hoàng tộc, thẩm phán tòa án tối cao – đã trình bày quan điểm trước khi chính thức quyết định ngày Nhật hoàng Akihito thoái vị. Người thừa kế ngai vàng sẽ là Thái tử Naruhito, 57 tuổi.
Thủ tướng Abe nói với phóng viên sau khi công bố kết quả thảo luận của hội đồng: "Đây là lần đầu tiên một vị hoàng đế thoái vị trong vòng 200 năm, cũng là lần đầu tiên dựa theo hiến pháp (thời hậu chiến)". Ông mô tả quyết định được đưa ra một cách suôn sẻ và là một bước tiến lớn đối với việc thảo luận về người kế vị. Nội các Nhật Bản dự kiến phê duyệt quyết định vào ngày 8-12.
Ông Abe chủ trì cuộc họp bàn về ngày thoái vị của Nhật hoàng hôm 1-12. Ảnh: KYODO
Lần gần đây nhất một vị Nhật hoàng thoái vị là vào năm 1817. Sau khi thoái vị, Nhật hoàng Akihito sẽ được gọi là "joko" và Hoàng hậu Michiko, 83 tuổi, sẽ được gọi là "jokogo", chấm dứt triều đại Heisei. Tokyo sẽ công bố tên của triều đại mới vào năm 2018.
Ông Akihito ngồi lên ngai vàng sau cái chết của người cha, Hirohito (Nhật hoàng Showa) hồi tháng 1-1989.
Nhật hoàng được xem là biểu tượng của nhà nước và sự thống nhất của người dân nhưng không có quyền lực chính trị. Nhật hoàng Akihito cùng với Hoàng hậu Michiko đã dành phần lớn thời gian xoa dịu vết thương do Chiến tranh thế giới thứ hai gây ra cũng như chia sẻ nỗi đau của các nạn nhân của thiên tai. Ông được rất nhiều người dân Nhật Bản kính trọng.
Năm 1992, ông Akihito là Nhật hoàng đầu tiên thăm Trung Quốc. Trong chuyến thăm này, Nhật hoàng nói về thời kỳ đau khổ mà "đất nước tôi đã gây ra cho người dân Trung Quốc". Nhật hoàng cũng nhắc nhở người dân Nhật Bản đừng bao giờ quên giai đoạn chiến tranh kinh hoàng.
Nhật hoàng Akihito (phải) cùng với Hoàng hậu Michiko. Ảnh: REUTERS
Giám đốc nghiên cứu các vấn đề châu Á Jeffrey Kingston tại Trường ĐH Temple - Nhật Bản, cho biết Nhật hoàng Akihito muốn hiện đại hóa chế độ quân chủ và đưa gia đình hoàng gia đến gần hơn với công chúng.
"Ông ấy đã thành công đáng kể trên tất cả mặt trận. Ông ấy được ngưỡng mộ và kính trọng sâu sắc. Quyền uy đạo đức của ông ấy không có gì phải nghi ngờ" – chuyên gia Kingston nhận định.
Người Lao động