MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ấn Độ khởi xướng điều tra chống trợ cấp đối với ván sợi bằng gỗ từ Việt Nam

14-11-2019 - 14:16 PM | Thị trường

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, vừa qua, Tổng vụ Phòng vệ thương mại (DGTR) – thuộc Bộ thương mại và Công nghiệp Ấn Độ đã thông báo khởi xướng vụ việc điều tra chống trợ cấp đối với sản phẩm ván sợi bằng gỗ nhập khẩu từ Indonesia, Malaysia, Sri Lanka, Thái Lan và Việt Nam.

Theo đó, sản phẩm bị điều tra là sản phẩm ván sợi bằng gỗ ("Fiberboards") gồm các mã HS: 441112; 441113; 441114; 441192; 441193; 441194.

Nguyên đơn vụ việc là các công ty đại diện cho ngành sản xuất nội địa như Greenply Industries Limited/Green panel Industries Limited, Century Plyboards và Rushil Decor Limited.

Nguyên đơn cáo buộc rằng các nhà sản xuất/xuất khẩu hàng hoá bị điều tra của Việt Nam đã được nhận các khoản trợ cấp như ưu đãi thuế, miễn giảm thuế, ưu đãi khoản vay, hỗ trợ xuất khẩu… của Chính phủ từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa xuất khẩu vào Ấn Độ và là nguyên nhân gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất nội địa của Ấn Độ.

DGTR không thông báo về việc tiến hành chọn mẫu đối với Việt Nam. Theo kinh nghiệm trong các vụ việc trước, trong trường hợp số lượng doanh nghiệp bị điều tra không nhiều thì DGTR không tiến hành chọn mẫu, do đó, tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm bị điều tra của Việt Nam đều được điều tra riêng và nhận mức thuế riêng căn cứ thông tin/số liệu của chính doanh nghiệp cung cấp (trừ trường hợp doanh nghiệp không tham gia vụ việc, không trả lời bản câu hỏi điều tra hoặc không hợp tác đầy đủ).

Các bên liên quan (bao gồm Chính phủ nước bị điều tra, các nhà xuất khẩu, các nhà nhập khẩu và người tiêu dùng hàng hoá bị điều tra…) có thể gửi thông tin, bình luận/lập luận bằng văn bản khác tới cơ quan điều tra (DGTR).

Tất cả thông tin bằng văn bản bao gồm bản trả lời câu hỏi điều tra cần gửi tới DGTR trong vòng 40 ngày kể từ ngày ban hành thông báo khởi xướng điều tra (tức chậm nhất là ngày 15 tháng 12 năm 2019). Trong trường hợp không nhận được bản trả lời câu hỏi trong thời hạn nói trên hoặc các thông tin cung cấp không đẩy đủ hay không được nộp theo đúng quy định, DGTR sẽ sử dụng các dữ liệu sẵn có bất lợi để tính toán mức thuế chống trợ cấp.

Ngoài ra, DGTR cũng thông báo các bên liên quan có thời hạn 15 ngày kể từ ngày khởi xướng (tức là chậm nhất là ngày 20/11/2019) để gửi bình luận về mã số kiểm soát hàng hóa (PCN) được nêu trong thông báo khởi xướng.

Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam hợp tác, cung cấp thông tin đầy đủ và hợp lệ, đúng thời hạn cho DGTR trong toàn bộ quá trình điều tra để tránh bị cơ quan điều tra kết luận dựa trên thông tin, bằng chứng sẵn có bất lợi và liên hệ, phối hợp chặt chẽ với Chính phủ (Cục Phòng vệ thương mại – Bộ Công Thương là cơ quan đầu mối) trong vụ việc này để được tư vấn, cung cấp thông tin, kháng kiện vụ việc một cách hiệu quả.

Minh Ngọc

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên