MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ấn Độ, Pakistan đua nhau cấm xuất khẩu một loại củ rất quan trọng: Giá tăng phi mã chỉ trong 1 năm, Việt Nam trồng được rất nhiều

31-07-2024 - 09:18 AM | Thị trường

2 cường quốc rau củ của châu Á đều đã hạn chế xuất khẩu mặt hàng này trước những diến biến thị trường phức tạp.

Ấn Độ, Pakistan đua nhau cấm xuất khẩu một loại củ rất quan trọng: Giá tăng phi mã chỉ trong 1 năm, Việt Nam trồng được rất nhiều- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Các quốc gia Nam Á là những nước sản xuất hành tây lớn trên thế giới. Ấn Độ là nước xuất khẩu hành tây lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc và là thế lực thống trị thị trường rau củ toàn cầu, sản phẩm của nước này thường lấn át hành tây từ các quốc gia khác.

Tuy nhiên những người nông dân và nhà xuất khẩu hành tây Pakistan đang ăn mừng khi chứng kiến lượng xuất khẩu tăng vọt chưa từng có trong vài tháng qua. Sau khi Ấn Độ áp đặt lệnh cấm xuất khẩu vào tháng 12 vừa qua do sản lượng hành tây địa phương sụt giảm, nông dân và các nhà xuất khẩu Pakistan đã chớp lấy cơ hội hiếm có này. Năm 2023, Ấn Độ xuất khẩu gần 2,5 triệu tấn hành và việc cấm xuất khẩu đã tạo ra khoảng trống mà Pakistan đã lấp đầy một phần.

Pakistan đã xuất khẩu hơn 220.000 tấn hành từ tháng 12 đến tháng 3 năm nay, tăng mạnh so với lượng xuất khẩu hành thông thường hàng năm.

Waheed Ahmed, người đứng đầu Hiệp hội các nhà xuất khẩu, nhập khẩu và buôn bán rau quả toàn Pakistan (PFVA), cho rằng thành công này là nhờ sự nhạy bén và sẵn sàng của chính phủ cho phép xuất khẩu mà không đặt ra lệnh cấm tương tự như của Ấn Độ.

Ahmed nói với Al Jazeera: “Khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm, chúng tôi đã kêu gọi Chính phủ cho phép chúng tôi tận dụng cơ hội và bằng hành động kịp thời, chúng tôi đã kiếm được hơn 200 triệu USD doanh thu cho đất nước”.

Tuy nhiên gần đây Chính phủ Pakistan cuối cùng đã áp đặt các hạn chế đối với việc xuất khẩu hành tây. Nguyên nhân là bởi lượng sản phẩm tràn ra nước ngoài đồng nghĩa với việc giá trong nước tăng vọt. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu đang được tiến hành thông qua các thỏa thuận được phê duyệt trước khi các hạn chế được áp dụng, dự kiến sẽ mang lại doanh thu thêm 50 triệu USD vào cuối năm tài chính vào tháng 6, Ahmed cho biết.

Ahmed cho biết, quốc gia này thường kiếm được từ 110 triệu đến 150 triệu USD từ xuất khẩu hành tây mỗi năm. Năm ngoái, quốc gia này đã có thể thu về tổng cộng hơn 235 triệu USD từ xuất khẩu rau quả, trong đó xuất khẩu hành tây đóng góp khoảng 90 triệu USD.

Đối với Pakistan, quốc gia đang phải đối mặt với tình hình kinh tế khó khăn trong hai năm qua, hoạt động xuất khẩu mang lại nguồn dự trữ ngoại hối rất cần thiết. Dữ liệu của ngân hàng trung ương nước này cho thấy dự trữ ngoại hối, vốn chỉ ở mức 3 tỷ USD vào năm ngoái, đã phục hồi lên 9 tỷ USD trong tháng này, đủ để chi trả cho hàng nhập khẩu trong vòng 6 tuần.

Tuy nhiên sự thành công của hoạt động xuất khẩu hành tây của Pakistan khiến thị trường nội địa thiếu hụt hành tây trong vài tháng.

Với hơn 220.000 tấn hành thu hoạch được vận chuyển ra nước ngoài, lượng hành sẵn có cho tiêu dùng trong nước giảm dần. Giá đã tăng cao từ tháng 12/2023 đến tháng 4/2024 - khoảng thời gian hành tây Ấn Độ bị cấm xuất khẩu đã ảnh hưởng nặng nề đến người dân Pakistan.

Trước đây, giá hành tây thường ở mức 50 đến 80 rupee (0,18 đến 0,29 USD)/kg đã tăng mạnh lên tới 250 đến 350 rupee (0,90 USD đến 1,26 USD)/kg trong 4 tháng đầu năm.

“Hành tây là thực phẩm chủ yếu trong bữa ăn hàng ngày của chúng tôi, nhưng khi mọi thứ khác ngày càng đắt đỏ hơn, giá hành tăng chỉ làm tăng thêm gánh nặng”, Sumaira, một người giúp việc ở Islamabad chia sẻ.

Hamid Baloch, sinh sống tại tỉnh Balochistan và đang làm đầu bếp trong một quán cà phê ở Islamabad, cho biết việc giá hành tăng đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của ông cả về chi phí sản xuất và doanh thu. “Chúng tôi mua với số lượng lớn và một túi 5 kg hành có giá từ 1500 rupee đến 1800 rupee (tương đương 5,39 USD đến 6,47 USD/kg) trước khi giá bắt đầu giảm trong tháng này."

Theo Ngân hàng Thế giới, hơn 39% người Pakistan kiếm được ít hơn 3,5 USD/ngày.

Theo Reuters, ET

Như Quỳnh

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên