MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ấn Độ thúc đẩy ngoại giao vắc-xin cạnh tranh với Trung Quốc

08-02-2021 - 20:00 PM | Tài chính quốc tế

Ấn Độ thúc đẩy ngoại giao vắc-xin cạnh tranh với Trung Quốc

Ấn Độ vừa cấp phép cho việc vận chuyển vắc-xin COVID-19 cho Campuchia, đồng thời lên kế hoạch cung cấp cho Mông Cổ và các quốc đảo trên Thái Bình Dương nhằm mở rộng ngoại giao vắc-xin trong bối cảnh đại dịch vẫn diễn biến phức tạp.

Trong nỗ lực cạnh tranh với Trung Quốc, Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đã cung cấp cho nhiều quốc gia hàng triệu liều vắc-xin AstraZeneca sản xuất ở Ấn Độ, dù chương trình tiêm chủng ở nước này mới vừa bắt đầu. 

Ấn Độ đang tận dụng lợi thế là nhà sản xuất vắc-xin lớn nhất thế giới đối với nhiều loại bệnh để thắt chặt quan hệ với các nước và đẩy lùi sự thống trị về kinh tế và chính trị của Trung Quốc trong khu vực.

New Delhi đã phê chuẩn kế hoạch cung cấp khẩn 100.000 liều vắc-xin cho Campuchia theo yêu cầu của Thủ tướng Modi, Đại sứ Ấn Độ tại Phnom Penh Devyani Khobragade cho biết.

Campuchia là nước có quan hệ gần gũi với Trung Quốc.

Ấn Độ đã cung cấp vắc-xin cho Myanmar, Bangladesh, Nepal, Sri Lanka và Maldives để giúp họ tiêm chủng cho các nhân viên y tế ở tuyến đầu nhằm triển khai Sáng kiến vắc-xin hữu nghị.

Ngày 7/2, Ấn Độ chuyển 500.000 liều vắc-xin AstraZeneca cho Afghanistan, nhưng vẫn phải chờ Tổ chức Y tế thế giới phê chuẩn để giám sát.

Ấn Độ đã đầu tư hàng triệu đô la và Afghanistan trong mấy năm qua để cạnh tranh ảnh hưởng với Pakistan.

Cho đến nay, Ấn Độ đã cung cấp 15,6 triệu liều vắc-xin COVID-19 cho 17 quốc gia bằng hình thức viện trợ hoặc hợp đồng thương mại, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ Anurag Srivastava cho biết.

Trong những tuần tới, các lô vắc-xin tương tự sẽ được chuyển tới Mông Cổ, các nước Caribea và quốc đảo Thái Bình Dương.

Trong khi đó, Ấn Độ, với số ca mắc COVID-19 lớn thứ hai thế giới, có kế hoạch tiêm phòng cho 300 triệu người cho đến tháng 8 năm nay. Ấn Độ đã tiêm phòng cho 3 triệu nhân viên y tế trong 2 tuần đầu của chiến dịch bắt đầu từ ngày 16/1 và sẽ phải tăng tốc để hoàn thành tiến độ.

Trong khi đó, 600.000 liều vắc-xin COVID-19 mà Trung Quốc tặng cho Campuchia đã được đưa đến Phnom Penh hôm 7/2 bằng chuyến bay đặc biệt. Những liều vắc-xin này dự kiến sẽ được dùng để tiêm phòng cho các nhân viên y tế và binh lính.

Với dân số 16 triệu dân, Campuchia là một trong những nước có ít bệnh nhân COVID-19 nhất, với chỉ 474 ca mắc và không trường hợp tử vong nào.

Bắc Kinh cho biết sẽ viện trợ 1 triệu liều vắc-xin Sinopharm cho Campuchia để nước này tiêm phòng cho 500.000 người.

Trong phát biểu chào mừng chuyến hàng tại sân bay quốc tế Phnom Penh, Thủ tướng Campuchia Hun Sen cảm ơn Trung Quốc.

“Những người bạn tốt giúp đỡ nhau lúc cần, và theo nghĩa này, viện trợ vắc-xin là một bằng chứng mới quan trọng khác cho thấy mối quan hệ bền chặt và hợp tác mạnh mẽ giữa hai quốc gia và nhân dân hai nước Campuchia và Trung Quốc”, ông Hun Sen nói trong bài phát biểu được phát trên truyền hình quốc gia.

Thủ tướng Hun Sen trước đó nói sẽ là người đầu tiên tiêm vắc-xin, nhưng trong tuần này nói rằng ông sẽ không làm như vậy vì ông đã 68 tuổi, quá độ tuổi phù hợp với vắc-xin Sinopharm.

Ngày 1/2, Úc nói sẽ viện trợ 28 triệu USD cho Campuchia thông qua WHO.

Theo Thu Loan

Tiền Phong

Trở lên trên