MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ấn Độ và Trung Quốc tranh giành dầu thô Nga

13-03-2023 - 19:42 PM | Thị trường

Các khách hàng lớn ở châu Á đang tranh giành dầu thô Nga, đẩy giá tăng.

Ấn Độ và Trung Quốc tranh giành dầu thô Nga - Ảnh 1.

Logo của nhà sản xuất dầu thô lớn nhất Nga, Rosneft tại thành phố Stavropol, miền nam Nga. Ảnh: Reuters

Các nhà máy lọc dầu tư nhân của Trung Quốc đang cạnh tranh với các đối thủ Ấn Độ về khối lượng dầu hỗn hợp ESPO vận chuyển bằng đường biển của Nga trong tháng 4, hãng tin Reuters đưa tin, trích dẫn các nguồn tin trong ngành.

Sau khi các khách hàng phương Tây từ bỏ, không mua trực tiếp năng lượng xuất khẩu của Nga, Trung Quốc và Ấn Độ đã trở thành những người mua lớn.

Trung Quốc, quốc gia thường mua toàn bộ khối lượng dầu thô ESPO được vận chuyển từ cảng Kozmino ở Thái Bình Dương do vị trí gần, dự kiến ​​sẽ nhập khẩu khối lượng dầu thô kỷ lục trong tháng 3.

Trong khi đó, tính hết các hợp đồng giao hàng trong tháng 4, các nhà máy lọc dầu độc lập của Ấn Độ Reliance Industries và Nayara Energy báo cáo đã thu gom ít nhất 5 trong số khoảng 33 lô hàng dầu thô ESPO do giá thấp. Con số này tăng so với chỉ một tàu giao hàng vào tháng 3.

Giá dầu thô ESPO bốc hàng trong tháng 4 tới Ấn Độ thấp hơn khoảng 5 USD/thùng so với báo giá của Dubai trên cơ sở giao hàng xuất xưởng (DES).

Các tính toán của Reuters cũng cho thấy nhu cầu gia tăng đã đẩy giá dầu hỗn hợp ESPO có hàm lượng lưu huỳnh thấp của Nga được các nhà máy lọc dầu Ấn Độ mua cao hơn mức trần 60 USD/thùng do các quốc gia G7 đặt ra đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga. Trung Quốc cũng đã mua dầu ESPO ở trên trần giá.

Để giảm rủi ro, các nhà nhập khẩu dầu của Nga đang sử dụng các loại tiền tệ khác ngoài đồng đô la Mỹ để thanh toán một số loại dầu thô nhất định của Nga và cũng đang yêu cầu người bán xử lý về vận chuyển và bảo hiểm.

Theo các nguồn thương mại, sự cạnh tranh từ Ấn Độ đã làm giảm chiết khấu đối với các chuyến hàng ESPO nhập tháng 4 xuống khoảng 6,8 USD/thùng từ mức 8,50 USD/thùng vào tháng trước đối với dầu nhập tháng 3.

Dầu thô Murban có chất lượng tương tự từ Abu Dhabi hiện được giao dịch ở mức cao hơn khoảng 3,30 USD một thùng so với báo giá của Dubai trên cơ sở giao hàng miễn phí, trong khi dầu thô Murban bốc hàng tháng 4 đắt hơn khoảng 9 USD một thùng so với dầu ESPO của Nga giao cho Trung Quốc và Ấn Độ .

Trong tháng 3, các chuyến hàng dầu của Nga đến Trung Quốc dự kiến ​​sẽ đạt mức cao nhất mọi thời đại gần 43 triệu thùng, bao gồm ít nhất 20 triệu thùng ESPO.

Ấn Độ và Trung Quốc tranh giành dầu thô Nga - Ảnh 2.

Hình ảnh minh họa đồng 1 ruble Nga trong dầu thô tại phòng thí nghiệm ở Mỏ dầu Yarakta, Vùng Irkutsk, Nga. Ảnh: Reuters

Trước đó, đài RT đưa tin, xuất khẩu dầu của Nga sang Ấn Độ, nước nhập khẩu dầu thô lớn thứ ba thế giới sau Trung Quốc và Mỹ, đã tăng lên mức kỷ lục, 1,62 triệu thùng mỗi ngày (bpd) trong tháng 2.

Dữ liệu cho thấy Nga là nhà cung cấp dầu thô lớn nhất của Ấn Độ trong tháng thứ năm liên tiếp. Theo báo cáo, xuất khẩu dầu của Moskva sang nước này đã tăng 28% so với tháng trước và vượt qua tổng lượng dầu được giao từ Iraq và Saudi Arabia - các nhà cung cấp chính của Ấn Độ trong nhiều thập kỷ. Nhập khẩu dầu từ Saudi Arabia giảm 16% so với tháng trước xuống 647.800 thùng/ngày, trong khi lượng giao hàng từ Iraq lên tới khoảng 939.900 thùng/ngày. Nga hiện cung cấp 35% tổng lượng dầu nhập khẩu của Ấn Độ, tăng đáng kể so với thị phần chưa đến 1% trên thị trường năng lượng của Ấn Độ vào năm 2021.

Cả New Delhi và Bắc Kinh bắt đầu tăng cường mua dầu thô của Nga ngay sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine và sau các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Các hạn chế dẫn đến việc Nga mất đi những khách mua dầu truyền thống từ phương Tây và buộc nước này phải tìm kiếm thị trường thay thế cho năng lượng của mình bằng cách giảm giá.

New Delhi đã nhấn mạnh rằng an ninh năng lượng là ưu tiên hàng đầu và họ sẽ tiếp tục đưa ra lựa chọn của riêng mình đối với các nhà cung cấp. Theo Đại sứ Nga tại Ấn Độ Denis Alipov, các biện pháp trừng phạt của phương Tây trên thực tế đã kéo Nga và Ấn Độ xích lại gần nhau hơn, gây ra sự tăng trưởng chưa từng có trong thương mại song phương.

Theo Thu Hằng

Báo Tin Tức

Trở lên trên