An Giang: Cảnh báo thủ đoạn mời xem phim online để thao túng tâm lý nhằm lừa tiền
Công an tỉnh An Giang vừa phát cảnh báo về việc lừa đảo chia sẻ khuyến khích xem phim online và lôi kéo, dụ dỗ học sinh, sinh viên mở tài khoản ngân hàng.
- 30-10-2024Sẽ thu VAT với hàng nhập dưới 1 triệu đồng về Việt Nam để chặn sàn TMĐT né thuế
- 29-10-2024Người tiêu dùng Đông Nam Á đón nhận các tính năng AI trong thương mại điện tử ra sao?
- 29-10-2024Danh sách website giả mạo ngân hàng, sàn TMĐT, cổng dịch vụ công người dân tuyệt đối không được truy cập
Thời gian gần đây, lợi dụng việc người dân, nhất là các em học sinh, sinh viên muốn xem phim miễn phí trên các trang web "lậu", kẻ xấu đã sử dụng các trang mạng này, đặc biệt là ứng dụng Telegram để lừa người tham gia xem phim online và làm nhiệm vụ bình chọn để nhận tiền. Thực chất, đây là chiêu lừa đảo thao túng tâm lý, khiến nạn nhân liên tục chuyển tiền cho kẻ lừa đảo. Hậu quả, nhiều người đã mất hàng chục triệu đồng.
Với phương thức, thủ đoạn tinh vi, thời gian đầu, kẻ lừa đảo dụ dỗ qua tin nhắn, gửi link để nạn nhân xem và đánh giá phim. Sau mỗi lần hoàn thành nhiệm vụ, chúng sẽ trả luôn cho họ một khoản tiền nhỏ nhằm tạo niềm tin. Khi nạn nhân mất cảnh giác, kẻ lừa đảo sẽ yêu cầu họ nạp tiền để có thể nhận thêm nhiệm vụ. Sau khi nạp, hệ thống báo lỗi và yêu cầu nạn nhân phải chuyển bù một khoản tiền lớn vài chục triệu đồng để được rút lại được toàn bộ số tiền. Từ đó, nạn nhân bị thao túng, liên tục nạp thêm tiền để mong lấy lại số đã mất.
Công an tỉnh An Giang khuyến cáo người dân không kết bạn trên các nền tảng mạng xã hội; bấm vào đường link lạ theo yêu cầu; không cung cấp mã OTP, mật khẩu cá nhân...; tham gia làm nhiệm vụ kiểu việc nhẹ lương cao online vì tất cả đều là lừa đảo.
Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cùng các em học sinh, sinh viên cần cảnh giác thủ đoạn lôi kéo, dụ dỗ học sinh, sinh viên mở tài khoản ngân hàng. Theo đó, các em học sinh, sinh viên sẽ được các đối tượng đưa điện thoại có sẵn sim để đăng ký mở tài khoản thanh toán Internet Banking. Sau đó, các em được yêu cầu cung cấp thông tin tên tài khoản, mật khẩu đăng nhập, mật khẩu xác thực (OTP), dữ liệu sinh trắc học (khuôn mặt) để các đối tượng sử dụng xác minh danh tính khi có yêu cầu của ngân hàng. Các tài khoản này sau đó thường được lợi dụng vào các mục đích vi phạm pháp luật như rửa tiền, trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tài trợ khủng bố... Cơ quan công an cảnh báo học sinh, sinh viên không cho thuê, bán tài khoản thanh toán Internet Banking.
Hành vi nhận tiền từ các đối tượng nêu trên đã cấu thành hành vi vi phạm pháp luật. Nếu cho thuê, mượn, mua bán từ 1 - 10 tài khoản sẽ bị phạt 40 - 50 triệu đồng. Nếu thuê, mượn, mua bán số lượng từ 10 tài khoản trở lên sẽ bị xử phạt từ 100 triệu đồng, quy định tại khoản 5, khoản 6, khoản 10 điều 26 nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
VTV