MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

An Giang xây dựng sân bay: Ai có lợi?

Bộ GTVT và UBND tỉnh An Giang có lợi nhất, nhưng lại đổ thêm gánh nặng cho nền kinh tế, lên những người nộp thuế...

  • Nông sản thực phẩm Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn trong xây dựng tiêu chuẩn sản phẩm. Đó là thiếu liên kết trong sản xuất, tiêu thụ; thiếu vốn và kinh phí; cơ sở, trang thiết bị chưa đáp ứng...

Hội chứng đua xây cảng biển, sân bay tại các địa phương lại nóng lên khi UBND tỉnh An Giang và Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) mới đây đề xuất xây dựng cảng hàng không trị giá 3.400 tỷ đồng.

Nhiều chuyên gia kinh tế, nhà quản lý không thể lý giải vì sao, tỉnh An Giang đã có 3 sân bay và các địa phương trong khu vực này đã có nhiều sân bay- hầu hết hoạt động kém hiệu quả do số lượng khách ít, mà tỉnh này vẫn quyết tâm xây dựng thêm một sân bay nữa. Đã có rất nhiều bài học nhãn tiền, những hệ quả khi các địa phương đua nhau xây dựng cảng biển, sân bay nhưng vì sao vẫn không chịu rút ra bài học?

Phóng viên chúng tôi đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan về vấn đề này.

PV: Thưa chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, bà có bất ngờ trước việc UBND tỉnh An Giang và Bộ Giao thông vận tải đề xuất xây dựng một sân bay trị giá 3.400 tỷ tại An Giang?

Bà Phạm Chi Lan: Tôi rất bất ngờ trước đề xuất đó, đặc biệt khi đề xuất này lại là của cả tỉnh và Bộ GTVT. Là đơn vị quản lý ngành, lẽ ra Bộ GTVT phải hiểu hơn ai hết là ở Việt Nam cái cần thiết là xây dựng một mạng lưới giao thông kết nối giữa các tỉnh thành với nhau và với các trung tâm khác trong khu vực và trên quốc tế chứ không phải nơi nào có biển là cho xây dựng cảng biển, tỉnh nào cũng muốn có sân bay.

PV: Chủ tịch UBND tỉnh An Giang rất lạc quan về một kỳ vọng cất cánh, một nền kinh tế mũi nhọn, về lượng khách tham quan hàng đầu khu vực nếu có sân bay. Bà đánh giá thế nào thưa bà?


Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Bà Phạm Chi Lan: Tôi không nghĩ đó là kỳ vọng đúng đắn trên cơ sở phân tích khách quan về thực tế của An Giang cũng như vị trí của đồng bằng sông Cửu Long với tư cách là một vùng có kết nối với nhau tốt. Nếu kết nối tốt thì phải là với trung tâm là Cần Thơ, giúp Cần Thơ và các tỉnh cất cánh tốt hơn nhiều so với việc mỗi tỉnh tìm một đường cất cánh riêng của mình.

PV: “Hội chứng sân bay” và nguy cơ “63 tỉnh, thành phố đều có sân bay” từng được chất vấn trước Quốc hội, trong cảnh báo và so sánh với “hội chứng cảng biển”, “hội chứng khu công nghiệp” từng tràn lan khắp nơi. Thế nhưng bài học nhãn tiền đó vẫn không được rút ra. Phải chăng địa phương hăng hái xây dựng sân bay, cảng biển chỉ để giải quyết khâu “oai”?

Bà Phạm Chi Lan: Tôi nghĩ ở đây có một tâm lý, các tỉnh thấy tỉnh khác có thì cũng muốn tỉnh mình có một dự án tương tự. Hệ quả, không chỉ về mặt kinh tế mà kể cả trong những lĩnh vực khác. Ví dụ như việc mở các trường đại học. Có lúc cả nước có tới hơn 400 trường đại học và cao đẳng khác nhau nhưng lại không có trường nào đạt chuẩn khu vực, chứ chưa nói đến đạt chuẩn quốc tế.

PV: Câu chuyện các địa phương đua nhau làm cảng biển, sân bay có thể hiểu được là tầm nhìn địa phương cục bộ, hạn chế, nhưng không thể không nhắc tới vai trò quản lý của bộ ngành trung ương ở tầm vĩ mô. Bà nghĩ sao về vấn đề này?

Bà Phạm Chi Lan: Lẽ ra các bộ nên cản các địa phương khi có những đề xuất như vậy. Bộ nên ngồi cùng các địa phương liên quan xem làm thế nào khai thác tốt hơn sân bay. Ví dụ, bằng cách xây dựng những con đường kết nối: đường bộ, đường thủy kết nối với Cần Thơ. Thay vì khuyên người ta nên làm như vậy thì lại cũng lao theo người ta để đề xuất làm sân bay. Tôi nghĩ cách làm đó không phù hợp với vai trò của Bộ GTVT. Tôi hy vọng ở tầm cao hơn là Quốc hội và Chính phủ sẽ xem xét dự án đó và không chấp nhận.

PV: Nhiều dự án chỉ mới khơi ra nhưng đã biết cầm chắc lỗ, nhưng địa phương và bộ ngành vẫn quyết tâm làm khiến nhiều người phải đặt câu hỏi: đằng sau mục tiêu tốt đẹp khi xây dựng dự án mà lãnh đạo địa phương đưa ra, còn những lợi ích nào nữa. Xin hỏi quan điểm của bà thế nào?

Bà Phạm Chi Lan: Người dân thông thường cũng có thể hiểu được mỗi khi có dự án thì những người làm dự án sẽ được mấy cái. Một là họ có thể được tiếng về chính trị là họ đã tạo ra, có được một dự án của Nhà nước trên lĩnh vực, địa phương mình và như vậy có một thành tích để cho lá phiếu của mình trong thời gian sau đó. Thứ hai là lợi ích kinh tế rất rõ. Ai cũng hiểu được, khi có dự án đó thì sẽ giúp cho tổng doanh số của Bộ GTVT tăng lên, An Giang cũng vậy có thể tăng GDP nhờ việc xây dựng sân bay đó.

Tuy nhiên, các dự án đó không mang lại nhiều cải thiện cho cuộc sống của người dân, ngược lại còn đổ thêm gánh nặng cho nền kinh tế, lên những người nộp thuế, trong đó có cả những người dân An Giang. Tôi cho là lợi ích riêng của họ là rất lớn đó là một phần lợi ích về chính trị và một phần lợi ích về kinh tế. Còn hậu quả thì cả nước lại phải gánh chịu.

PV: Xin cảm ơn bà!

Theo Thanh Trường

VOV

Trở lên trên