Dự án xơ sợi PVTex lỗ luỹ kế hơn 4.700 tỷ
Lỗ luỹ kế của dự án 4.748 tỷ đồng, vượt quá vốn góp của chủ sở hữu. PVTex vẫn đang làm việc với các nhà thầu và cơ quan nhà nước để xác định lại giá trị quyết toán của dự án.
Tại báo cáo tài chính năm 2018 đã được kiểm toán bởi Công ty kiểm toán Deloitte của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ( PVN ) đã đưa ra thông tin quan trọng liên quan đến dự án Nhà máy sản xuất Xơ sợi Dầu khí PVTex.
Theo đó, báo cáo cho biết, tại ngày 31/12/2018 tài sản ngắn hạn của CTCP Hoá dầu và Xơ sợi Dầu khí PVTex - Công ty con của PVN nhỏ hơn nợ phải trả ngắn hạn là khoảng 2.615 tỷ đồng, trước đó ngày 31/12/2017 con số này ở mức 2.092 tỷ đồng
Lỗ luỹ kế khoảng 4.748 tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ năm 2017 (4.039 tỷ đồng), vượt quá vốn góp của chủ sở hữu, tổng tài sản khoảng 5.236 tỷ đồng. Trong đó số dư khoản vay dài hạn của PVTex tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam được PVN bảo lãnh với số dư gốc vay khoảng 5.214 tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ năm 2017.
Số dư các khoản vay và nợ đã quá hạn, chưa được thanh toán tại ngày 31/12/2018 khoảng gần 1.400 tỷ đồng tăng 10% so với cùng kỳ năm 2017.
Ngoài ra, PVTex đang làm việc với các nhà thầu và cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xác định giá trị quyết toán công trình Nhà máy Sản xuất Xơ sợi Polyester Đình Vũ. "Các yếu tố này dẫn tới nghi ngờ về khả năng tiếp tục hoạt động của PVTex trong vòng ít nhất 12 tháng sắp tới. Do đó, chúng tôi không thể xác định được liệu báo cáo tài chính hợp nhất được lập với giả định PVTex sẽ tiếp tục hoạt động liên tục có phù hợp hay không và có cần thiết phải điều chỉnh số liệu liên quan đến PVTex hay không”, báo cáo của kiểm toán Deloitte đưa ra.
PVTex là nhà máy do PVN nắm giữ trên 75% vốn cổ phần. Dự án ban đầu có tổng mức đầu tư gần 325 triệu USD, tương đương khoảng 5.437 tỷ đồng tính theo tỷ giá đương thời, sau đó điều chỉnh lên thành hơn 359 triệu USD, tương đương khoảng 7.200 tỷ đồng.
Dự án có suất đầu tư lớn, tiến độ thi công chậm đã làm tăng chi phí đầu vào, giá thành sản phẩm tăng cao trong khi đó, trình độ kỹ thuật và kinh nghiệm vận hành nhà máy còn nhiều hạn chế, chất lượng sản phẩm chưa đạt yêu cầu, sản phẩm sản xuất ra khó tiêu thụ.
Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu PVN phải thoái vốn khỏi PVTex từ 56% xuống 36%. Tuy nhiên, cuối cùng PVN lại nâng tỷ lệ sở hữu lên 75%.
Ngày 29/5/2014, Nhà máy đã chính thức vận hành thương mại với công suất 236 tấn xơ sợi một ngày, đạt 48% công suất thiết kế. Kết quả sản xuất của dự án xơ sợi Đình Vũ từ khi chạy thử cho đến chính thức đều liên tục lỗ.
Sau 2 năm đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, kết quả thua lỗ hơn 1.472 tỷ đồng. Đến cuối năm 2015, nhà máy dừng hoạt động.