An Phát Holdings mở rộng sản xuất, hướng đến mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2030
Ngày 29/5, Tập đoàn An Phát Holdings (HoSE: APH) đã tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên năm 2024. Theo đó, Đại hội đã thông qua kế hoạch doanh thu 14.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 314 tỷ đồng (tăng 43% so với thực hiện năm 2023).
Tại Đại hội, Chủ tịch HĐQT Phạm Ánh Dương đã trực tiếp trả lời câu hỏi của cổ đông liên quan đến tình hình sản xuất kinh doanh, cũng như các kế hoạch và dự án mới của APH trong thời gian tới.
Kết quả kinh doanh triển vọng
Mặc dù nền kinh tế thế giới và Việt Nam trong năm 2023 đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, nhưng với chính sách linh hoạt, thích ứng nhanh chóng với biến động của thị trường, APH vẫn duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo đó, năm vừa qua, APH ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 14.522 tỷ đồng, hoàn thành 97% kế hoạch đặt ra và giảm 16% so với 2022. Nguyên nhân chủ yếu do giá hạt nhựa ở nền thấp so với năm trước dẫn đến doanh thu mảng thương mại hạt nhựa giảm. Biên độ lợi nhuận gộp tăng từ 8,8% năm 2022 lên 9,8% năm 2023, chủ yếu do tăng sản lượng bán các sản phẩm nhựa bao bì, nhựa xây dựng và hạt nhựa phụ gia.
Lợi nhuận sau thuế đạt 219 tỷ đồng, hoàn thành 52% kế hoạch lợi nhuận và tăng 282% so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân chưa hoàn thành kế hoạch kinh doanh chủ yếu do mảng bất động sản khu công nghiệp ghi nhận doanh thu và lợi nhuận hàng năm thay vì ghi nhận một lần như kế hoạch đầu năm.
Tăng trưởng lợi nhuận, đẩy nhanh các dự án mới
Năm 2024 tiếp tục là một năm tiềm ẩn nhiều khó khăn với các doanh nghiệp. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo ở mức thấp do bị tác động bởi lạm phát và suy thoái kinh tế. Trong bối cảnh đó, ĐHĐCĐ đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2024 với mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất 14.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 314 tỷ đồng.
Động lực tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2024 đến từ 4 yếu tố. Thứ nhất, tăng trưởng hoạt động kinh doanh cốt lõi là sản xuất các sản phẩm và nguyên liệu ngành nhựa: nhựa bao bì, nhựa kỹ thuật, nhựa xây dựng, hạt nhựa phụ gia. Thứ 2, đẩy mạnh bàn giao và ghi nhận doanh thu, lợi nhuận KCN An Phát 1. Thứ ba, tăng cường hiệu quả hoạt động thương mại. Cuối cùng là tối ưu chi phí vận hành.
Tại Đại hội, HĐQT cũng thông tin về tình hình đầu tư và thực hiện các dự án. Cụ thể, hiện APH đang triển khai 4 dự án lớn. Nổi bật là Dự án sản xuất PBAT và Dự án sản xuất nhiên liệu xanh tại Hải Phòng – đây là dự án mới nhất của APH, với hàm lượng công nghệ cao, nhằm hiện thực hóa chiến lược chuyển đổi xanh của Tập đoàn. Ngoài ra, từ cuối năm 2023, thông qua các công ty con, APH đã triển khai Dự án nhà máy sản xuất sàn nhựa mở rộng và Dự án mở rộng nhà máy sản xuất bao bì công nghiệp, kỳ vọng sẽ đem lại nguồn doanh thu hàng năm lần lượt là 1.200 tỷ đồng và 150 tỷ đồng sau khi vào hoạt động.
Giải đáp thắc mắc của cổ đông
Tại cuộc họp, ông Phạm Ánh Dương – Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc Phạm Đỗ Huy Cường đã trực tiếp giải đáp các câu hỏi của cổ đông về kế hoạch kinh doanh 2024, tình hình tài chính tập đoàn, chiến lược phát triển của tập đoàn cũng như cập nhật tình hình đầu tư và thực hiện các dự án mới.
Trả lời câu hỏi của cổ đông về việc APH và công ty con Nhựa An Phát Xanh (AAA) chưa có kế hoạch chia cổ tức, ông Phạm Ánh Dương khẳng định, đây là một vấn đề rất được quan tâm, không chỉ của riêng APH mà còn của rất nhiều doanh nghiệp khác. APH rất thấu hiểu nguyện vọng cũng như tâm lý của các cổ đông. Theo đó, ông Dương lý giải, việc APH chưa chia cổ tức, ngoài lý do khách quan là do hạch toán kế toán công ty BĐS KCN, khiến lợi nhuận không đạt kế hoạch, APH cũng như công ty con đang có kế hoạch mở rộng mảng sản xuất nhằm mục đích nhân đôi quy mô sản xuất và tăng doanh thu tập đoàn lên con số 1 tỷ USD vào năm 2030.
Ngoài ra, APH đang tiếp tục tìm kiếm, mở rộng quỹ đất KCN tận dụng làn sóng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Do đó, APH sẽ giữ lại lợi nhuận để triển khai các kế hoạch và dự án mới trong thời gian tới. Chủ tịch Phạm Ánh Dương khẳng định, APH sẽ chia cổ tức vào giai đoạn thích hợp, đồng thời bày tỏ kỳ vọng, cổ đông sẽ tiếp tục đồng hành cùng APH, để cùng hướng tới những lợi ích chung dài hạn và lớn lao hơn.
Bên cạnh đó, ông Dương cũng lý giải, việc các công ty con trích lập quỹ khen thưởng phúc lợi là nhằm bảo đảm sức cạnh tranh thu hút nguồn lao động, vốn không còn rẻ tại khu vực Hải Dương. Đặc biệt khi KCN An Phát 1 đi vào hoạt động, lượng lao động cần thiết lên tới hàng chục nghìn lao động mới, khiến việc tuyển dụng cũng như giữ chân lao động là vô cùng khó khăn. Ông Dương khẳng định, toàn bộ quỹ khen thưởng phúc lợi đều được công ty sử dụng đúng mục đích, đối tượng được hưởng hoàn toàn là cán bộ công nhân viên của các công ty mà không thưởng cho cán bộ lãnh đạo. Quỹ khen thưởng phúc lợi là 1 trong những chính sách quan trọng để đảm bảo nguồn lực phát triển cho công ty lâu dài, đặc biệt khi chúng tôi muốn tăng quy mô hoạt động lên gấp 2 lần trong 6 năm tới.
Cũng tại Đại hội, trước sự quan tâm của cổ đông về việc APH hợp tác với tập đoàn SKC (Hàn Quốc) để xây dựng nhà máy sản xuất PBAT ở Hải Phòng, ông Dương cho biết việc hợp tác này được đàm phán từ năm 2023. Nhận thấy quy mô dự án và trình độ công nghệ của đối tác phù hợp với chiến lược kinh doanh của APH, Tập đoàn đã quyết định hợp tác với SKC thay vì trở thành đối thủ trên thị trường, điều này cũng mang lại lợi ích lâu dài cho APH.
Ông Dương cho hay, dự án hợp tác với SKC sẽ thay thế cho việc APH tự triển khai xây dựng nhà máy PBAT như đã công bố vào năm 2021. Nhà máy mới này sẽ có công suất lên tới 70.000 tấn, và sẽ chính thức đi vào hoạt động trong năm 2025, được kỳ vọng sẽ tạo ra nguồn nguyên liệu chất lượng tốt và ổn định cho việc sản xuất sản phẩm sinh học của APH.
Chủ tịch HĐQT Phạm Ánh Dương giải đáp thắc mắc của cổ đông
Trả lời câu hỏi cổ đông về khả năng hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2024, Tổng giám đốc Phạm Đỗ Huy Cường khẳng định, đây là một mục tiêu tham vọng nhưng chúng tôi hoàn toàn có cơ sở đạt được, bởi trong năm 2023, APH đã có một năm kinh doanh hiệu quả, mảng sản xuất tăng trưởng tốt, các sản phẩm chủ lực như: bao bì, nhựa xây dựng và nhựa nội thất đều gia tăng mạnh về sản lượng bán. Ngoài ra, các chi phí cũng được chúng tôi tiết giảm tối đa, đồng thời APH cũng đẩy mạnh chuyển đổi số để tăng hiệu quả quản trị. Với yếu tố này, ông Cường bày tỏ tin tưởng, APH sẽ đạt thậm chí là vượt kế hoạch trình ĐHĐCĐ, đặc biệt khi kết quả kinh doanh Quý 1/2024 đã đạt hơn 40% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2024 mà đại hội đề ra.
Bên cạnh đó, trả lời câu hỏi của cổ đông về kế hoạch phát triển mảng BĐS KCN của tập đoàn trong thời gian tới, Tổng giám đốc Phạm Đỗ Huy Cường cho biết, đây là lĩnh vực kinh doanh hiệu quả và mang về nguồn doanh thu ổn định cho tập đoàn. Việc KCN An Phát 1 đạt tỷ lệ lấp đầy 85% chỉ sau 1 năm, cho thấy nhu cầu thị trường là rất lớn. Trong thời gian tới, tận dụng làn sóng chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam, APH sẽ khai thác tối đa tiềm năng của mảng này. APH dự kiến sẽ công bố thêm một dự án BĐS KCN mới trong năm 2024.
Tổng giám đốc APH Phạm Đỗ Huy Cường chia sẻ về kế hoạch kinh doanh 2024
Ngoài các vấn đề trên, Đại hội cũng thông qua việc miễn nhiệm chức danh thành viên Hội đồng quản trị đối với ông Nguyễn Lê Thăng Long và ông Nirav Sudhir Patel, đồng thời giảm số lượng thành viên HĐQT từ 7 người xuống 5 người. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Lê Trung được bầu trở lại vào HĐQT sau khi hết nhiệm kỳ.
An ninh Tiền tệ