Ẩn số hạ tầng và giấy phép nhìn từ câu chuyện Vinpearl Air
Vingroup đã có động thái gia nhập thị trường hàng không, cụ thể là lập pháp nhân CTCP Hàng không Vinpearl Air, Trường đào tạo nhân lực kỹ thuật cao ngành hàng không (VinAviation School), Trung tâm Huấn luyện bay Vinpearl Air (VPA Training Centre).
Bước tiến tiếp theo hiện chưa được tập đoàn này công bố, trong khi đang có nhiều đồn đoán về kế hoạch phát triển, tham gia vào ngành vận tải hàng không của Vinprearl Air.
Có những câu hỏi được đặt ra như Vinpearl Air sẽ xin giấy phép mới hay mua lại/sáp nhập (M&A) với hãng bay khác đã có sẵn giấy phép, Vinpearl Air sẽ phát triển theo hướng nào, cạnh tranh với các hãng hàng không khác ra sao trong bối cảnh hạ tầng hàng không đang tiếp tục quá tải, thiếu nhân lực, công tác quản lý ngành còn chưa theo kịp tốc độ phát triển…
“Đông đúc trên trời, chật chội dưới đất”
Trong một báo cáo mới được Công ty Chứng khoán Vndirect (VND) phát hành liên quan đến lĩnh vực hàng không, VND đã đặt tựa đề “Đông đúc trên trời, chật chội dưới đất”, với nhận định rằng, những hãng mới gia nhập thị trường sẽ làm cạnh tranh thêm khốc liệt.
Tính đến thời điểm hiện tại, số lượng hãng hàng không đang hoạt động của Việt Nam bao gồm Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, VASCO, VietJet và mới đây nhất là Bamboo Airways.
Trong cuộc họp về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2016/NĐ-CP quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng, Nghị định số 30/2013/NĐ-CP về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung diễn ra tháng 6/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đối với việc thành lập mới hoặc nâng quy mô của các hãng hàng không, phải đảm bảo yêu cầu duy trì và nâng cao năng lực khai thác an toàn bay của các hãng hàng không, năng lực giám sát an toàn khai thác của nhà chức trách, khả năng cung ứng năng lực đặc thù (phi công, kỹ sư, thợ máy sửa chữa và bảo dưỡng...) và khả năng đáp ứng của cơ sở hạ tầng hàng không.
Vấn đề phát triển cơ sở hạ tầng cũng từng được giới chuyên gia đánh giá là một điểm nghẽn, lực cản mà đây không phải là vấn đề có thể giải quyết được trong ngày một, ngày hai.
Đầu năm 2019, lúc cao điểm, sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) đón hơn 134.000 người/ngày, con số này tăng gần 18.000 người so với cùng thời điểm năm 2018. Quá tải về hạ tầng, nhiều chuyến bay đã phải tăng thêm từ 10-20 phút để chờ được hạ cánh.
Khi điểm nghẽn hạ tầng có vẻ vẫn chưa tìm được lời giải khả thi, nhiều khả năng đây sẽ là một yếu tố quan trọng để cơ quan quản lý cân nhắc cấp hay chưa cấp phép bay và Vinpearl Air có lẽ cũng không phải ngoại lệ.
Ngoài vấn đề hạ tầng, lý do “vượt quá năng lực giám sát của Cục Hàng không Việt Nam” cũng từng được nhắc đến gần đây, khi lần đầu tiên trong lịch sử hàng không Việt Nam, có một doanh nghiệp là Bamboo Airways đã từng bị cơ quan quản lý từ chối cho mở rộng đội bay với lý do này. Phải mất một thời gian sau đó, Bamboo mới được Bộ Giao thông Vận tải đồng ý cho mở rộng đội bay từ 10 chiếc lên 30 chiếc, giảm 10 chiếc so với phương án mà hãng bay này đề xuất.
Đi theo lối nào?
Vinpearl Air có vốn điều lệ 1.300 tỷ đồng theo đăng ký mới nhất. Nếu có thể cất cánh, không loại trừ hãng bay mới sẽ đi theo hướng khai thác combo bay - nghỉ dưỡng, lặp lại theo cách mà Bamboo Airways đang làm.
Tuy vậy, hiện Vinpearl Air vẫn chưa chính thức công bố thành lập hãng hàng không. Để có giấy phép kinh doanh, Vinpearl Air cần được Thủ tướng phê duyệt do hàng không là ngành đặc thù.
Quy trình xin phê duyệt sẽ bắt đầu từ Sở kế hoạch đầu tư TP. Hà Nội, nơi doanh nghiệp này đăng ký kinh doanh. Sau đó đưa lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, thẩm định trước khi trình Chính phủ thông qua chủ trương đầu tư dự án. Sau khi lấy ý kiến của 5 bộ ngành và trình Thủ tướng phê duyệt, Cục hàng không Việt Nam mới nhận hồ sơ của doanh nghiệp để cấp phép bay.
Bên cạnh việc xin cấp phép mới, một lối đi khác đối với Vinpearl Air là tiến hành M&A một hãng hàng không đã sở hữu sẵn giấy phép. Nếu điều này diễn ra thì hai cái tên thoạt nghe có vẻ khả dĩ là VASCO hoặc Jetstar, đều thuộc Vietnam Airlines.
Vietnam Airlines đang tập trung nguồn lực phát triển dịch vụ trung và cao cấp, Jetstar Pacific ở các đường bay nội địa để phục vụ phân khúc giá rẻ, VASCO khai thác các đường bay ngắn bằng tàu bay loại nhỏ.
Tại Jetstar Pacific, Vietnam Airlines hiện chiếm 68% cổ phần và cổ đông lớn thứ hai là Qantas Group. Jetstar đã lần đầu báo lãi trong năm 2018 với khoản lãi hơn 34 tỷ đồng, tuy nhiên, lỗ lũy kế của Jetstar Pacific đến cuối 2018 vẫn còn rất lớn, khoảng 4.250 tỷ đồng.
Nhưng đây cũng chưa hẳn là một phương án có khả năng xảy ra, bởi nếu đồng ý cho M&A VASCO hoặc Jetstar thì không khác gì Vietnam Airlines chấp nhận “tự bắn vào chân mình” khi đích thân dọn đường cho một đối thủ tiềm năng tiến vào thị trường, trong khi thị phần nội địa của chính hãng hàng không Nhà nước này thì đang ngày càng co hẹp.
BizLIVE