Ăn theo chiến tranh thương mại, cổ phiếu đất hiếm tăng vọt trên TTCK Trung Quốc
Các cổ phiếu đất hiếm đang mang lại mức lợi suất đáng kinh ngạc cho các nhà đầu tư trên TTCK Trung Quốc.
- 23-05-2019Trung Quốc dọa dùng dự trữ đất hiếm khổng lồ để đấu lại Mỹ?
- 07-09-2017Cơn sốt đất hiếm toàn cầu lại bùng nổ vì Trung Quốc
- 01-11-2010Tại sao các nước trên thế giới hoảng sợ khi nguồn cung đất hiếm bị hạn chế?
Dự đoán đất hiếm sẽ trở thành "vũ khí" mới của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại với Mỹ sau chuyến thăm 1 nhà máy ở Giang Tây tuần trước của Chủ tịch Tập Cận Bình, nhà đầu tư đã đổ xô mua cổ phiếu của các công ty thuộc ngành này. Đến hôm nay, một làn sóng tăng giá mới lại xuất hiện khi một số tờ báo có bài đề cập đến chuyện sử dụng đất hiếm để trả đũa Mỹ.
Nếu Trung Quốc hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ, các nhà sản xuất Trung Quốc sẽ được hưởng lợi nhiều nhất nếu giá của loại tài nguyên này tăng cao. Cổ phiếu của China Rare Earth Holdings tăng vọt hơn 40%, trong khi cổ phiếu của JL Mag – công ty mà ông Tập tới thị sát tuần trước – đã tăng trần 7 trong 8 phiên gần nhất. Nhiều cổ phiếu khác cũng tăng 5%.
Trong một bài xã luận gần đây, tờ Nhân dân nhật báo – cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc – bình luận Mỹ không nên đánh giá thấp khả năng chiến đấu của Trung Quốc. Trên Twitter cá nhân, tổng biên tập của tờ Thời báo hoàn cầu viết rằng Trung Quốc đang "nghiêm túc" xem xét áp hạn ngạch xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ. Trong khi đó 1 quan chức tại Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia phát biểu trên kênh CCTV rằng người Trung Quốc sẽ không vui khi nhìn thấy những sản phẩm được làm từ đất hiếm mà nước họ xuất khẩu đi được sử dụng để cản trở quá trình phát triển của Trung Quốc.
Mỹ phải dựa vào Trung Quốc với 80% đất hiếm mà nước này sử dụng được nhập khẩu từ Trung Quốc. Đất hiếm, nguyên liệu có chứa những nguyên tố như cerium and dysprosium, tồn tại khá nhiều trong vỏ Trái đất nhưng số lượng có thể khai thác được lại thấp hơn nhiều so với các loại khoáng sản khác. Nó có thể được sử dụng trong nhiều thứ, từ xe điện đến các thiết bị quân sự công nghệ cao.
Trung Quốc chiếm khoảng 70% lượng đất hiếm được khai thác trên toàn thế giới, và ngành công nghiệp đất hiếm của nước này bị chi phối bởi 1 nhóm nhỏ các nhà sản xuất. Trong nhóm số ít các công ty khai thác đất hiếm niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán, phần lớn là các công ty có giá trị vốn hóa nhỏ do đó chúng dễ dàng trở thành mục tiêu đầu cơ.
Theo báo cáo của Bank of America Merrill Lynch, Trung Quốc có tầm ảnh hưởng lớn đến thị trường đất hiếm thế giới. Trong những năm 1990 giá đất hiếm đã giảm mạnh do Trung Quốc liên tiếp tăng xuất khẩu.
Ngược lại giá tăng vọt vào năm 2010, khi Trung Quốc giảm 40% hạn ngạch xuất khẩu. Động thái này (bị WTO tuyên bố là vi phạm quy tắc thương mại quốc tế) đã cho thấy hoạt động sản xuất của toàn thế giới phụ thuộc vào đất hiếm của Trung Quốc như thế nào. Kết quả là các công ty đã tìm cách để sử dụng ít đất hiếm hơn khi sản xuất hàng hóa và một số nước tự đi tìm nhà cung ứng khác.
"Khó có khả năng Trung Quốc hoàn toàn cấm xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ, nhưng Trung Quốc có thể đẩy tăng giá bằng cách giảm lượng khai thác", Dai Ming, nhà quản lý quỹ ở Thượng Hải nhận định. "Lượng cầu sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi nguyên liệu này có thể được thay thế, nhưng kết quả là các nhà sản xuất Mỹ sẽ phải chịu phần chi phí bị đội lên. Trong khi đó dù động thái của Trung Quốc là gì đi chăng nữa thì các công ty đất hiếm Trung Quốc vẫn sẽ hưởng lợi nhiều nhất".
Ngoài yếu tố chiến tranh thương mại, các công ty này còn được hưởng lợi từ đà tăng giá sau khi Trung Quốc ngừng nhập khẩu quặng từ Myanmar từ giữa tháng 5 vừa qua.