An toàn đường sắt: Vi phạm nhiều nhưng đã xử được ai?
Đường ngang dân sinh nói là mở trái phép nhưng tai nạn xảy ra dân chết thì mặc dân à? không được, luật phải giải quyết việc này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân góp ý dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi).
Sáng 15/4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án luật này.
Nhấn mạnh thời gian qua có nhiều tai nạn đường sắt xảy ra do đường ngang dân sinh mở trái phép quá nhiều, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải báo cáo số đường ngang dân sinh hiện tại.
Vì sao để đường ngang dân sinh mở ra nhiều thế này? Trách nhiệm thuộc về ai, luật này có giải quyết được tình trạng đó hay không? Do luật hay do tổ chức thực hiện? bà Nga nêu hàng loạt câu hỏi.
Trả lời những câu hỏi này, ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết hiện có 5726 đường ngang và lối đi dân sinh, trong đó có 1.511 đường ngang là hợp pháp. Tổng công ty đã thực hiện làm rào chắn cho 645 đường ngang, 363 đường ngang lắp chắn tự động, 507 đường ngang bố trí biển cảnh báo.
Trong thời gian tới Tổng công ty sẽ báo cáo Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải để thực hiện lắp biển báo chắn tự động tại 507 đường ngang.
Nhưng có 4.211 lối đi dân sinh là đường ngang trái phép không được cấp có thẩm quyền cấp phép, không nằm trong quy hoạch, không có biển cảnh báo, ông Minh nói.
Ông Minh cho biết thêm là Chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia đã chỉ đạo rất nhiều việc này, yêu cầu địa phương xoá bỏ đường ngang dân sinh, tạo đường gom vào vị trí của đường ngang đúng pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý luật cần tiến bộ hơn nữa, cần giải quyết đường dân sinh trái phép, vì đúng là trái phép nhưng dân chết mặc dân cũng không được.
Nghiêm cấm mở đường dân sinh trái phép, nhưng những nơi thực sự có nhu cầu thì Nhà nước phải đầu tư thế nào? Luật phải nghiêm, nơi nào chính quyền mở đường dân sinh trái phép thì kỷ luật ngay chủ tịch xã, chủ tịch huyện, Chủ tịch nói.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa cho biết vấn đề nói trên trong luật đã nêu rõ trách nhiệm của Bộ, Tổng công ty đường sắt và các cấp.
Các tuyến đường sắt của địa phương trực tiếp quản lý, khi có nhu cầu mở đường ngang, Tổng công ty đều đáp ứng theo đúng quy định chứ không khó khăn gì, nhưng vừa qua mở đường ngang dân sinh rất tuỳ tiện, nhiều địa phương không nắm được.
Sau khi nêu thực trạng trên, ông Nghĩa cho biết thêm: ngày mai Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia họp về việc này sẽ nêu rõ trách nhiệm của địa phương trong mở đường ngang dân sinh.
Đề nghị Bộ trưởng cho kiểm tra lại trong 5 năm qua xảy ra bao nhiêu vụ tai nạn do giao cắt với đường bộ và đường sắt, xảy ra ở nút giao cắt nào? Thuộc về trách nhiệm của ai? Cũng có thể là nút giao của ngành đường sắt chứ không chỉ ở nút giao dân tự mở? Trong những vụ ấy đã xử lý được trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nào? Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga tiếp tục "truy".
Yêu cầu luật phải nghiêm, Chủ tịch Quốc hội nêu thực tế là luật thì cấm nhưng khi có vi phạm cũng chả xử được ai. Hiện có hơn 4000 dường dân sinh trái phép, luật đã cấm nhưng nếu không có chế tài xử phạt nghiêm gắn với trách nhiệm thì không thể làm được, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Thêm một lần, Chủ tịch nói rõ, trách nhiệm không chỉ của Bộ hay ngành đường sắt mà còn của địa phương nơi có đường sắt đi qua. Mở đường dân sinh trái phép phải xử lý, đường dân sinh trái phép gây tai nạn càng phải xử lý, tuỳ mức độ, Chủ tịch nói.
Lần sửa luật này, theo Chủ tịch là phải khắc phục được hạn chế giao thông đường sắt, phải tạo ra bước đột phá mới về chính sách pháp luật để trong 5-10 năm tới, đường sắt trở thành chủ đạo hoặc sẽ là một trong những loại hình vận tải chủ đạo.
VnEconomy