Ảnh: Hàng loạt khách sạn, nhà hàng ven biển Đà Nẵng bỏ hoang, treo bảng sang nhượng
Hàng loạt khách sạn, nhà hàng, siêu thị phục vụ du khách nước ngoài nằm trên các tuyến đường ven biển Đà Nẵng vẫn "cửa đóng then cài", bỏ hoang từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, một số còn treo bảng bán hoặc sang nhượng.
Du lịch Đà Nẵng đang dần hồi phục, ngoài khách nội địa thì một số thị trường khách quốc tế tiềm năng cũng đang dần quay trở lại. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, tại các tuyến đường ven biển như Võ Nguyên Giáp, Hoàng Sa, Trường Sa, Hồ Nghinh, Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt, Hồ Xuân Hương… nhiều khách sạn, nhà hàng vẫn đang trong tình trạng "cửa đóng then cài", rao bán, thậm chí là bỏ hoang.
Ít khách du lịch, rất nhiều nhà hàng tại Đà Nẵng trở nên hoang tàn sau thời gian dài đóng cửa. Nhiều cơ sở xuống cấp nghiêm trọng, thiệt hại lớn cho chủ kinh doanh.
Tuyến đường "5 sao" Võ Nguyên Giáp (quận Ngũ Hành Sơn) là nơi có nhiều nhà hàng bỏ hoang nhất. Tuyến đường này thường được những người làm du lịch gọi với cái tên "Phố Tàu" bởi đa số cơ sở kinh doanh ở đây chủ yếu phục vụ khách Trung Quốc.
Một cơ sở kinh doanh làm đẹp trên đường Trường Sa (quận Ngũ Hành Sơn) từng phục vụ rất nhiều khách nước ngoài. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh đã khiến cho chủ nhà hàng lỗ nặng nên dừng việc kinh doanh và bỏ hoang từ 2 năm nay và hiện đang xuống cấp nghiêm trọng gây mất cảnh quang đô thị.
Bên trong 1 nhà hàng bỏ hoang, đồ đạc đã được chuyển đi hết chỉ còn lại gạch đá, kính vỡ và rác thải ngổn ngang.
Một số người dân sống xunh quanh đã tận dụng những ngôi nhà bỏ hoang trên "đất vàng" để trồng rau xanh.
Một nhà hàng bỏ hoang nằm trên đường Hoàng Sa (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà), phía bên ngoài nhà hàng đã bị vẽ bậy.
Một nhà hàng nổi tiếng trên đường Phạm Văn Đồng phải đóng cửa nhiều tháng nay.
Việc mở cửa sẽ mất nhiều chi phí đầu tư, vận hành nhưng trong bối cảnh hiện tại dự báo lượng khách sẽ không nhiều, khiến nhiều chủ các nhà hàng vẫn chưa dám mở cửa trở lại.
2 cơ sở kinh doanh nằm kề nhau trên đường Hồ Xuân Hương cũng "bất động" suốt thời gian dài.
Tương tự, nhiều siêu thị phục vụ du lịch cũng đóng cửa im lìm, bỏ hoang, cơ sở hạ tầng bị hư hỏng nặng.
Một siêu thị bán đặc sản miền Trung đóng cửa trong thời gian dài và hiện vẫn chưa có động thái mở cửa trở lại.
Một cửa hàng bán rượu trên đường Hồ Nghinh, từng là nơi đón rất nhiều khách nước ngoài đến mua sắm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh đã khiến cho chủ nhà hàng dừng kinh doanh và bỏ hoang cho đến nay.
Không chỉ các nhà hàng phải đóng cửa, nhiều khách sạn ven biển Đà Nẵng cũng buộc phải rao bán. Một chủ khách sạn cho biết, từ năm 2018 -2019, dịch vụ khách sạn phát triển mạnh tại Đà Nẵng. Nhưng đến giữa 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến lượng khách lưu trú nhỏ giọt, nhiều khách sạn không có chi phí để vận hành nên họ buộc phải đóng cửa, dán biển bán hoặc cho thuê lại với hy vọng cắt lỗ, trả lãi ngân hàng.
Loạt 3 cơ sở liền kề nhau gần các khu resort trên đường Võ Nguyên Giáp treo bảng sang nhượng, cho thuê.
Du lịch chưa phục hồi hoàn toàn khiến các cơ sở kinh doanh lưu trú gặp khó khăn. Một khách sạn khác trên đường Võ Nguyên Giáp cũng treo bảng cho thuê.
Một nhà hàng lớn trên đường Hồ Nghinh, vốn trước đây khá đông khách, nay cũng phải ngậm ngùi treo biển cho thuê.
Tại tuyến đường Phạm Văn Đồng có gần 10 cơ sở kinh doanh dịch vụ vẫn đang đóng cửa, bỏ hoang. Theo người dân, các cơ sở này đã không hoạt động từ 2 năm nay. Trước đây, chúng đa phần phục vụ cho khách Trung Quốc và Hàn Quốc.
Cơ sở kinh doanh tại tuyến đường du lịch "đắt đỏ" nhất Đà Nẵng bị bỏ hoang tiêu điều, cây cối mọc um tùm.
Do bị bỏ hoang lâu này nên cơ sở vật chất bên trong quán cafe này hầu như đã không còn sử dụng được, cùng với đó là mùi hôi thối của xác chết động vật và rác.
Theo Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng, sau dịch Covid-19, hoạt động du lịch đã quay trở lại nhưng khách đến Đà Nẵng chưa ổn định như các năm trước dịch. Du lịch Đà Nẵng cũng chủ yếu phụ thuộc vào 3 thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Tuy nhiên, hiện các thị trường này vẫn chưa phục hồi. Đặc biệt, khách Trung Quốc vẫn chưa trở lại. Sự thiếu hụt lượng khách từ thị trường này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc kinh doanh của nhiều khách sạn, nhà hàng.
Khu phố du lịch vốn nhộn nhịp, sầm uất ngày nào giờ đây vắng vẻ, xuống cấp và nếu muốn hoạt động trở lại cũng phải mất nhiều thời gian và tiền bạc để tu sửa.
Trí Thức Trẻ