"Anh hùng Bôm": Ngoài anh Tuấn, Bôm còn một bố nữa, Bôm yêu bố này lắm!
Nếu bố Tuấn trao cho Bôm cuộc sống này, thì thầy Mạnh chắp thêm đôi cánh để Bôm chạm gần tới giấc mơ âm nhạc của mình. Và Bôm gọi thầy Mạnh là bố!
- 05-10-2017Quốc Tuấn: Tôi bán nhà Điện Biên Phủ rồi lại bán nhà ở Giảng Võ... để lo cho con!
- 28-09-2017Ngoài Quốc Tuấn, ngoài kia cũng còn nhiều người cha vĩ đại theo một cách khác, như câu chuyện này
- 24-09-2017Hành trình 15 năm của diễn viên Quốc Tuấn: Khi giấc mơ cha mang dáng hình con
Thành công đầu tiên của Bôm - con trai nghệ sĩ Quốc Tuấn sau hành trình hơn 15 năm chiến đấu với căn bệnh đặc biệt đã mang đến những cảm xúc vỡ òa trong mọi người.
Bên cạnh công lao "to như trời biển" của Quốc Tuấn, còn là công sức của rất nhiều người luôn quan tâm và thương yêu Bôm. Một trong số đó chính là TS. Nguyễn Tiến Mạnh - thầy dạy đàn của Bôm - hiện đang công tác giảng dạy tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Trong buổi lễ đón nhận học bổng của trường diễn ra sáng ngày 5/10, Bôm tâm sự rằng: "Ngoài anh Tuấn, Bôm còn một người bố nữa, Bôm yêu bố Mạnh nhiều lắm, to bằng cái nhà thờ!"
Bôm rất yêu bố Mạnh, thậm chí, Bôm còn ví tình yêu với bố Tuấn bằng cái nhà thôi, còn với "bố Mạnh" bằng cả cái nhà thờ, to hơn, hoành tráng hơn.
TS Nguyễn Tiến Mạnh xúc động trong buổi lễ trao học bổng của Bôm
"Bôm là một cậu bé hoàn toàn trong sáng"
- Anh có thể chia sẻ cơ duyên nào đã dẫn Bôm tìm đến với "người bố thứ 2" của mình?
Tôi quen một người bạn sửa âm thanh rất giỏi ở Hà Nội, vì công việc nên thường qua gặp anh. Trong một lần trò chuyện thì được biết anh Quốc Tuấn có họ hàng với người bạn đó. Và đó cũng là cơ may để tôi được tiếp xúc với cháu Bôm.
- Anh vẫn nhớ cảm giác lần đầu tiên gặp Bôm chứ? Những khiếm khuyết của Bôm tại thời điểm đó có khiến anh nghĩ rằng đây sẽ là một "ca khó" không?
Đến giờ phút này tôi vẫn không thấy bất cứ khó khăn gì cả. Ngay từ lần đầu tiên gặp Bôm tôi đã thấy đây là một cậu bé có tiềm năng.
Bôm có một cái tai nghe rất tốt. Bôm thẩm âm tốt. Tôi thấy đúng là cuộc đời không lấy của ai tất cả.
Tuy có một chút xíu về cái tay nhưng trên thế giới có rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng cũng gặp những vấn đề về tay. Bây giờ họ đã trở thành những huyền thoại trong nền nhạc jazz thế giới.
Tôi nhớ lần đầu tiên gặp anh Quốc Tuấn, bà Bôm, tôi có bật những bản nhạc của thầy giáo người Thụy Điển của mình là Hakan Rydin - thầy cũng bị tật giống Bôm, sau thầy cũng lên lớp cho Bôm. Và một nghệ sĩ nữa là Horace Parlan - tay ông cũng bị khèo do di chứng của bại liệt. Họ đều là những huyền thoại của âm nhạc.
Bố con Bôm chụp ảnh kỉ niệm với nghệ sĩ piano Hakan Rydin - thầy của TS Nguyễn Tiến Mạnh, một người cũng bị khiếm khuyết ở tay giống Bôm
- Những cuộc phẫu thuật khiến Bôm gặp khó khăn khi nói. Điều này có ảnh hưởng gì đến việc giao tiếp và giảng dạy của 2 thầy trò không?
Trong lớp, chúng tôi trò chuyện với nhau bằng âm nhạc. Chúng ta có rất nhiều ngôn ngữ khác nhau trên thế giới, nhưng âm nhạc chỉ có một ngôn ngữ.
Điều quan trọng hơn cả là Bôm cực kỳ đam mê âm nhạc. Anh Tuấn kể với tôi là có hôm ra ngoài về đến nhà hơn 11 rưỡi vẫn thấy Bôm đang say mê tập đàn. Bôm không rời cái đàn. Đi lên lớp cũng vậy. Chỉ có đàn và thầy, thầy và đàn, quanh quẩn vậy thôi.
Chính niềm đam mê của Bôm cũng trở thành động lực cho tôi cố gắng truyền lại cho cháu tất cả những gì tôi đã từng được học ở bên nước ngoài.
- Bôm tâm sự rằng thầy Mạnh là một người khá nghiêm khắc?
Trong âm nhạc, thành công chỉ có 1% là tài năng, còn 99% còn lại là sự khổ luyện. Đối với tôi, cũng như bố Tuấn của cháu, luôn khắc khe từng nốt nhạc một, từng ngón tay một.
Thực ra tôi cũng có tình cảm đặc biệt với Bôm nhưng khi làm giảng viên phải công bằng. Tôi luôn nói với Bôm là bây giờ con không chịu học thầy vẫn đánh trượt con. Leo lên lưng cọp rồi thì phải quyết tâm thôi.
Ở ngoài tôi có thể rất vui vẻ với Bôm nhưng khi trong lớp thì thầy ra thầy, trò ra trò. Và phải luôn công bằng cho tất cả các bạn khác nữa. Không phải vì Bôm bị như thế mà tôi có sự ưu ái. Bởi bản thân âm nhạc cũng không bao giờ thiên vị cho ai cả.
Thực ra kì thi vừa rồi nếu tính đúng ra thì Bôm đứng top 3 cơ. Nhưng vì các bạn kia được cộng thêm điểm chính sách, khu vực. Còn Bôm hoàn toàn không được cộng.
- Bôm phản ứng như thế nào với sự khắc khe của anh?
Bôm có một số phản ứng hơi trẻ con là ngáp ngáp. Hay những khi căng thẳng quá thì cầm tay lau đàn.
- Trong mắt anh, Bôm là một cậu bé như thế nào?
Bôm bây giờ vẫn ngây thơ như một tờ giấy trắng. Bôm là một cậu bé hoàn toàn trong sáng, có những ước mơ, đam mê riêng và đặc biệt yêu thích âm nhạc. Đó là điều quan trọng nhất.
Tôi cũng cảm giác dòng máu nghệ thuật của anh Quốc Tuấn chảy trong người con mình nó thể hiện bằng âm nhạc. Anh Tuấn nói với tôi ngày xưa cũng định thi vào nhạc viện. Mà anh Tuấn cũng là một tay chơi guitar nghiệp dư khá là ok đấy!
"Tất cả mọi nỗ lực là của Bôm"
- Còn những dự cảm về tương lai của cậu học trò nhỏ thì sao, thưa anh?
Tôi không dám nói trước điều gì. Tất cả những điều tôi biết tôi sẽ cố gắng truyền lại cho Bôm. Còn tất cả mọi nỗ lực là của Bôm.
Bôm không học piano cổ điển mà học piano jazz. Kỹ thuật chơi thì giống nhau nhưng đặc thù của piano jazz là sự tư duy sáng tạo ngẫu hứng trong khuôn khổ và khoa học. Đó chính là tương lai để Bôm phát triển.
Còn một điều đặc biệt nữa là bộ môn piano jazz luôn cập nhật hơi thở đương thời, tâm tư tình cảm của người nghệ sĩ, nên sẽ rất tốt cho Bôm.
- Anh có hài lòng với phần trình diễn đầu tiên của Bôm trên sân khấu?
Rất xuất sắc. Đó là một trong những bài kinh điển của nhạc jazz và Bôm đã thể hiện rất thành công.
Nhiều bạn khác có thể rất tốt về chuyên môn nhưng khi lên sân khấu bị tâm lý, tim đập chân run nên không hoàn thành trọn vẹn tác phẩm của mình, bị vấp.
Nhưng Bôm thì rất tự tin và hình như cũng có một chút gì đó về sân khấu nên không bị run giống các bạn. Cái này là hoàn toàn tự nhiên không ai có thể dạy được. Còn tôi thì hay trêu vui Bôm là "điếc không sợ súng". (Cười).
Trí thức trẻ