Ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, BSC dự báo lợi nhuận Vĩnh Hoàn sụt giảm trong năm 2020
Với tỷ trọng thị trường Trung Quốc chiếm 15% kim ngạch của Vĩnh Hoàn, việc giảm nhu cầu tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc sẽ tác động trực tiếp đến KQKD Q1/2020.
CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) vừa công bố báo cáo triển vọng ngành cá tra Việt Nam năm 2020 cũng như dự phóng KQKD Vĩnh Hoàn (VHC).
Trong năm 2019, giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ của toàn ngành đạt 270,5 triệu USD (-48,5% YoY), thị trường EU đạt 225,9 triệu USD (-2,3% YoY). Riêng thị trường Trung Quốc đạt 619,6 triệu USD (+22,7% YoY). Giá bán các thị trường cũng sụt giảm từ mức đỉnh: Giá bán trung bình vào Mỹ và Trung Quốc năm 2019 lần lượt đạt 3,55 USD/kg (-36,06% YTD) và 2,08 USD/kg (-23,80% YTD).
Triển vọng ngành cá tra năm 2020 khó có thể tăng trưởng đột biến
BSC cho rằng tuy mức nền kinh doanh ngành cá tra 2019 thấp, nhưng khó có thể tạo ra tăng trưởng đột biến cho năm 2020 khi nhu cầu tại các thị trường chính vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện. Hai thị trường chính Mỹ và EU đều chưa cho thấy sự hồi phục tại thời điểm hiện tại. Dù vậy, BSC kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu sẽ khả quan hơn trong nửa cuối 2020 khi (1) mức tồn kho giảm (2) nhu cầu tăng do mùa vụ.
Đối với thị trường Trung Quốc, ảnh hưởng của dịch nCoV sẽ tác động mạnh sức tiêu thụ trong Q1/2020. Như vậy, động lực tăng trưởng chính của ngành cá tra là Trung Quốc đang gặp tiêu cực trong ngắn hạn, khiến cho triển vọng ngành kém khả quan.
Thị trường Trung Quốc – Hồng Kong năm 2019 đạt giá trị 662,5 triệu USD, chiếm 33% tổng giá trị xuất khẩu, tăng 25,3% so với cùng kỳ. Với dịch nCoV bùng phát và chưa có dấu hiệu kết thúc, tác động lên ngành cá tra và các doanh nghiệp cá tra sẽ tiêu cực trong ngắn hạn.
BSC cho rằng trong Q1/2020, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc sẽ sụt giảm mạnh cả về sản lượng và giá trị, trước khi phục hồi trở lại trong Q2/2020.
Nhu cầu tiêu thụ cá tra sẽ yếu đi trong quý 1 do người dân Trung Quốc kéo dài kỳ nghỉ lễ, hạn chế các hoạt động vui chơi giải trí, ăn uống bên ngoài. Vì vậy, tiêu thụ sẽ giảm sút tại các kênh siêu thị, nhà hàng và trường học – kênh phân phối chính của cá tra.
Việc siết chặt thông quan hàng hóa để phòng ngừa dịch bệnh cũng khiến cho việc lưu chuyển chậm lại. Tuy nhiên, BSC cho rằng nguyên nhân này sẽ không có tác động kéo dài.
Lợi nhuận năm 2020 của Vĩnh Hoàn có thể sụt giảm
Với tỷ trọng thị trường Trung Quốc chiếm 15% kim ngạch của Vĩnh Hoàn, việc giảm nhu cầu tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc sẽ tác động trực tiếp đến KQKD Q1/2020. Vĩnh Hoàn cho biết công ty đã hạ lợi nhuận kế hoạch năm 2020 khoảng 10% so với kế hoạch ban đầu, đồng thời, các đơn hàng giảm từ Trung Quốc sẽ được chuyển sang thị trường EU để giảm bớt ảnh hưởng của dịch bệnh.
Năm 2020, BSC dự báo năm 2020 doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của VHC lần lượt đạt 8.645 tỷ (+9,9% YoY) và 956 tỷ (-18,9% YoY) dựa trên các giả định:
+ Cơ cấu doanh thu: Cá tra fillet tiếp tục chiếm tỷ trọng chính với doanh thu bán thành phẩm đạt 6.189 tỷ (+8,6% YoY), chiếm 71,6% tổng doanh thu. Doanh thu hàng hóa đạt 1.441 tỷ (+23,9% YoY) và doanh thu phụ phẩm đạt 960 tỷ (-0,7% Yoy).
+ Về giá bán và sản lượng: sản lượng +10% (BSC dự kiến sau khi dịch nCoV được kiểm soát, nhu cầu tăng trở lại tại Trung Quốc, thị trường Mỹ và EU khả quan trở lại trong nửa cuối 2020), giá bán trung bình -2% YoY.
+ Biên lợi nhuận gộp năm 2020 dự báo đạt 16,9%, giảm so với mức 19,4% năm 2019. BSC dự kiến biên lợi nhuận gộp của Vĩnh Hoàn sẽ thu hẹp lại trong cả năm 2020 vì (1) giá bán dự kiến giảm 2% YoY và (2) chi phí nguyên vật liệu dự kiến tăng 9% từ vùng đáy.
+ Biên chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp của Vĩnh Hoàn năm 2020 chiếm 5% doanh thu (tương đương năm 2019).
Dự báo KQKD năm 2020 của Vĩnh Hoàn (Nguồn: BSC)
Trí Thức Trẻ