Ảnh hưởng bởi dịch Covid -19: Tài sản 'trú ẩn' sẽ là... tiền mặt?
Thị trường thế giới tiếp tục trải qua tuần u ám khi giá dầu thế giới liên tục giảm sâu, mất khoảng 60% giá trị. Cùng với đó, chứng khoán Việt tiếp tục chứng kiến tuần hoảng loạn và “đen tối” khi bốc hơi giá trị vốn hoá hàng ngàn tỷ đồng.
- 20-03-2020Các ngân hàng đồng loạt miễn giảm phí, thanh toán không dùng tiền mặt tăng mạnh
- 13-03-2020Nhà đầu tư thế giới ồ ạt bán tháo tài sản, kể cả vàng, để chuyển sang nắm giữ tiền mặt
- 01-03-2020Góc nhìn: Lúc này, “Tiền mặt là vua”?
Với diễn biến giá đồng bạc xanh (USD) đột nhiên tăng mạnh, tâm lý người dân bắt đầu lo lắng và tự hỏi trong bối cảnh này: “kênh” trú ẩn nào sẽ bảo toàn đồng vốn?
Dầu, vàng, chứng khoán giảm, USD vọt tăng
Tuần qua, dịch Covid -19 tiếp tục lan rộng tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế thế giới và Việt Nam. Trong đó, giá dầu thô đang trải qua giai đoạn lao dốc kỷ lục, xuống mức thấp nhất trong gần 30 năm qua. Trong vòng 3 tháng đầu năm 2020, giá dầu thô thế giới lao dốc, giảm tới gần 70%. Giá dầu thô giảm sâu đã tác động dây chuyền cùng tâm lý hoảng loạn vì sự lây lan của dịch Covid- 19 trên thế giới khiến thị trường chứng khoán thế giới và trong nước ngập tràn sắc đỏ. Phiên giao dịch đầu tuần ngày 16/3, VN-Index ở mức 747 điểm đến cuối tuần đã rơi về ngưỡng 709 điểm (ngày 20/3).
Trong khi dầu, chứng khoán đồng loạt giảm, USD tăng mạnh. Sáng 20/3, tỷ giá quy đổi VNĐ/USD tại nhiều ngân hàng thương mại đã bỏ xa mốc 23.500 đồng, giá bán trên thị trường “chợ đen” cũng tăng hơn 200 đồng, lên mốc 23.700 đồng. Trong phiên giao dịch đêm qua (giờ Việt Nam), tỷ giá ngoại tệ biến động mạnh khi chỉ số USD Index đo lường sức mạnh đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt tăng gần 2% trong một phiên. Tính riêng tuần này, thước đo đồng bạc xanh đã tăng tương đương 5,86%/tuần, cao nhất kể từ tháng 1/2017. Các ngân hàng thương mại trong nước cũng đồng loạt niêm yết USD ở mức 23.280 - 23.478 đồng/USD.
Trú ẩn “kênh” nào?
TS Võ Trí Thành, nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế trung ương chỉ ra đến thời điểm này, chúng ta chưa thể lường hết tác động của Covid -19 và cuộc chiến giá dầu đến nền kinh tế”. Trong điều kiện kinh tế khó khăn, rủi ro cao, nhà đầu tư thường có một số cách đảm bảo giá trị đầu tư như đa dạng hoá các tài sản có thể nắm giữ”, TS Thành lưu ý. Theo ông, trước đây, nhà đầu tư thường tìm đến vàng là tài sản trú ẩn an toàn. Tuy nhiên, với tình hình khủng hoảng hiện nay, giá vàng biến động quá lớn do đầu cơ và không còn thu hút được nhà đầu tư.
“Trong khủng hoảng, nhà đầu tư hay tìm đến làm “hầm trú ẩn” với loại tài sản như bất động sản, và hi vọng khủng hoảng nhất thời, nhanh chóng qua đi. Hoặc nhà đầu tư đi tìm tài sản tài chính ở các quốc gia có độ tin cậy cao như Trái phiếu Nhật Bản, đồng USD. Nhưng bối cảnh hiện nay, các quốc gia này chưa chắc đã có độ an toàn cao. Còn tại khủng hoảng lần này, ưu tiên số 1 của nhà đầu tư là tiền mặt. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư bán mọi tài sản để nắm giữ tiền mặt”, ông Thành cho biết.
Ngân hàng Nhà nước tuần qua đã ban hành chính sách lãi suất mới có hiệu lực kể từ ngày 17/3/2020, với điểm chính là giảm chi phí huy động của các ngân hàng và tăng lãi các khoản tiền gửi của ngân hàng tại NHNN. Điều này tạo điều kiện cho việc giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế. Theo nhóm phân tích SSI, dự báo tới đây lãi suất huy động sẽ giảm để kéo lãi suất cho vay giảm nhưng cũng chỉ ở những kỳ hạn ngắn. Còn lãi suất tiền gửi VND trên 6 tháng vẫn giữ nguyên ở mức khá cao (tại nhiều NHTM cổ phần là trên 7%).
“Trong cuộc khủng hoảng lần này, ưu tiên số 1 của nhà đầu tư là tiền mặt. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư bán mọi tài sản để nắm giữ tiền mặt”, theo TS Võ Trí Thành, nguyên Viện phó Nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương.
Tiền phong