MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi, lợi nhuận 9 tháng của Dabaco giảm 81% so với cùng kỳ, hoàn thành 13% kế hoạch năm

Áp lực chi phí, đặc biệt chi phí tài chính khiến lợi nhuận sụt giảm mạnh, biên lãi cũng giảm, câu hỏi đặt ra liệu rằng Dabaco sẽ hoàn thành hơn 85% chỉ tiêu lợi nhuận như thế nào trong quý cuối năm, theo như khẳng định của Chủ tịch?

CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC) vừa công bố BCTC hợp nhất quý 3/2019 với tình hình kinh doanh tiếp tục kém sắc, thậm chí còn sụt giảm sốc so với cùng kỳ.

Chi tiết, doanh thu trong kỳ Công ty đạt 1.885 tỷ đồng, giảm tương đối so với mức 1.949 tỷ đồng; tương ứng lợi nhuận gộp thu về 248 tỷ, giảm 27%.

Đáng chú ý, chi phí tài chính tăng đột biến gần 2 lần, trong đó chi phí lãi vay tăng mạnh từ 43 tỷ lên 77 tỷ đồng. Khấu trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế Dabaco chỉ còn 19 tỷ đồng, tức chỉ bằng 1 phần 8 mức lãi hơn 154 tỷ hồi quý 3/2018.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, doanh thu Công ty vào mức 5.323 tỷ đồng, tăng gần 5% song giá vốn tăng mạnh khiến lợi nhuận gộp giảm về 685 tỷ đồng; biên lợi nhuận gộp cũng điều chỉnh từ mức 15% (9 tháng đầu năm 2018) về chưa đến 13% tính đến hiện tại.

Ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi, lợi nhuận 9 tháng của Dabaco giảm 81% so với cùng kỳ, hoàn thành 13% kế hoạch năm - Ảnh 1.

Áp lực chi phí lãi vay tăng đáng kể, khiến lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm Công ty chỉ còn 47 tỷ đồng, tương đương 1 phần 5 cùng kỳ (luỹ kế 9 tháng 2018 đạt 247 tỷ lợi nhuận). So với kế hoạch 10.401 tỷ doanh thu và 356 tỷ lãi ròng, 9 tháng Dabaco chỉ mới dừng ở mức thực hiện 51% chỉ tiêu doanh thu và 13% chỉ tiêu lợi nhuận.

Từng chia sẻ về sự sụt giảm lợi nhuận mạnh nửa đầu năm, Chủ tịch Dabaco – ông Nguyễn Như So – phân trần: "Tại Việt Nam, dịch tả lợn xảy ra từ đầu năm nên ngành chăn nuôi cũng bị ảnh hưởng. Giá bình quân ở thị trường phía nam khoảng 28.000-35.000 đồng/kg, ở miền bắc vào khoảng 38.000-42.000 đồng/kg. Giá bán lúc này chưa phản ánh được hết giá thành, tức thấp hơn so với giá thành. Nguyên nhân do chi phí sản xuất cao hơn thời điểm chưa có dịch, thị trường theo đó cũng không phản ánh được cung cầu mà chỉ thể hiện sự bán tháo của các hộ chăn nuôi".

Không quên khẳng định, giá thịt lợn sẽ sớm tăng trở lại tăng khi tổng đàn liên tục giảm, dẫn đến cung thiếu và dĩ nhiên giá phải tăng lên, ông So kỳ vọng 4 tháng cuối năm sẽ thúc đẩy doanh số, lợi nhuận Công ty đạt kế hoạch.

Tuy nhiên, thực tế giá lợn đã bắt đầu tăng trở lại, thậm chí ở Trung Quốc (quốc gia bùng phát dịch trước) giá tăng liên tục chưa kể nhiều doanh nghiệp còn nuôi siêu heo để phục vụ nhu cầu đang tăng mạnh, tình hình kinh doanh của Dabaco vẫn còn quá xa so với chỉ tiêu.

Đáng chú ý, áp lực chi phí, đặc biệt chi phí tài chính khiến lợi nhuận sụt giảm mạnh, biên lãi cũng giảm, câu hỏi đặt ra liệu rằng Dabaco sẽ hoàn thành hơn 85% chỉ tiêu lợi nhuận như thế nào trong quý cuối năm, theo như khẳng định của Chủ tịch?

Tính đến thời điểm 30/9/2019, tổng tài sản Dabaco vào mức 9.269 tỷ đồng, tài sản ngắn hạn đạt 4.148 tỷ (riêng hàng tồn kho chiếm đến 67% với 2.764,5 tỷ đồng), tài sản dài hạn 5.121 tỷ đồng. Nợ Công ty hiện vào mức 6.498,5 tỷ đồng, trong đó nợ vay hiện ghi nhận 4.678 tỷ đồng – tương đương tỷ trọng 72% và gấp gần 2 lần vốn chủ (2.770 tỷ đồng).

Ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi, lợi nhuận 9 tháng của Dabaco giảm 81% so với cùng kỳ, hoàn thành 13% kế hoạch năm - Ảnh 2.

Điểm qua về thị trường lợn, sau hơn 8 tháng bùng phát dịch tả lợn Châu Phi hiện đã có dấu hiệu giảm tại nhiều địa phương, biểu hiện bằng việc dịch được khống chế và không phát sinh ổ dịch mới. Theo đó, hiện nhiều nơi đã có thể triển khai việc tăng đàn, tái đàn nhằm phục vụ nhu cầu thịt cho mùa tết.

Mặc dù có xu hướng chuyển dịch sang tiêu dùng các sản phẩm thịt thay thế, tuy nhiên theo giới quan sát trong ngành, thị trường tiêu thụ heo trong nước đang có sức mua khá tốt, giá cũng bắt đầu tăng trở lại. Điều này hỗ trợ cho kỳ vọng kinh doanh sẽ tăng trưởng trở lại của nhiều doanh nghiệp trong ngành.

Báo cáo tài chính

Tri Túc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên