MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ảnh hưởng lạm phát và tỷ giá, FPT vẫn thu về hơn nửa tỷ USD từ nước ngoài

Ảnh hưởng lạm phát và tỷ giá, FPT vẫn thu về hơn nửa tỷ USD từ nước ngoài

6 tháng đầu năm 2023, FPT cán mốc doanh thu 24.166 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 4.339 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 21,9% và 19,3%, thị trường nước ngoài tiếp tục đóng vai trò đầu tàu tăng trưởng.

Thị trường nước ngoài vượt mốc 600 triệu USD doanh số ký

Khi nền kinh tế và doanh nghiệp trong nước đối mặt với những khó khăn, thị trường nước ngoài trở thành lực đẩy của FPT. Tổng doanh thu mảng dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài của FPT đạt 11.227 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.834 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 30,2% và 34,6% so với cùng kỳ và cao hơn mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trước thuế chung của toàn Tập đoàn.

Đặc biệt, bất chấp sự giảm giá của đồng Yên, doanh thu tại thị trường Nhật Bản trong 6 tháng đầu năm tăng trưởng 39,1% so với cùng kỳ và chiếm xấp xỉ 40% tổng doanh thu mảng dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài của FPT.

Ảnh hưởng lạm phát và tỷ giá, FPT vẫn thu về hơn nửa tỷ USD từ nước ngoài - Ảnh 1.

Tăng trưởng này đến từ nhu cầu chi tiêu lớn cho công nghệ thông tin, đặc biệt là chi tiêu cho chuyển đổi số, sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Fuji Keizai Group dự báo, thị trường chuyển đổi số Nhật Bản năm 2030 tăng 2,8 lần so với 2021. Theo Viện Nghiên cứu Fujitsu, tới năm 2025, lĩnh vực công nghệ thông tin của Nhật Bản sẽ thiếu 430.000 nhân lực.

Bên cạnh yếu tố khách quan từ nhu cầu thị trường, FPT cho biết đã tích cực triển khai các biện pháp phòng ngừa tỷ giá (currency hedging) và điều chỉnh tăng giá bán bám sát sự biến động của đồng Yên Nhật để đảm bảo tăng trưởng tốt của thị trường Nhật Bản. Đồng thời, họ cũng đẩy mạnh các hoạt động thúc đẩy phát triển kinh doanh như mở thêm các văn phòng mới, ký kết với các tập đoàn lớn. Hiện FPT đã mở văn phòng thứ 15 tại Nhật và vừa ký thỏa thuận với Honda nhằm phát triển các cơ hội công tác trong lĩnh vực quản trị dịch vụ công nghệ thông tin trên phạm vi toàn cầu.

Cùng với đà tăng trưởng cao này và khối lượng đơn hàng ký mới trong 6 tháng đầu năm vượt ngưỡng 600 triệu USD (đạt 15.017 tỷ đồng), cũng như nhu cầu từ thị trường Nhật Bản và APAC tăng cao, công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) dự báo, FPT sẽ đạt mục tiêu 1 tỷ USD doanh thu từ mảng dịch vụ này trong năm 2023.

Và cột mốc 1 tỷ USD doanh thu từ thị trường nước ngoài

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT trước đó từng chia sẻ với cổ đông: “‘FPT đang có 1 vị thế và cơ hội lớn chưa từng có. Vấn đề không phải con số 1 tỷ USD mà là chúng ta có vị thế như thế nào trong công cuộc chuyển đổi số toàn cầu”. Một trong những cơ hội đặc biệt giúp FPT tiến gần hơn đến cột mốc 1 tỷ USD mà người đứng đầu FPT nhấn mạnh đó là sự dịch chuyển sang ô tô điện và FPT đang có lợi thế về kinh nghiệm làm phần mềm cho ô tô. Mảng công nghệ trên ô tô của FPT đạt tiêu chuẩn AUTOSAR quốc tế, và tăng trưởng 40% trong năm 2022 và hiện có hơn 3.800 kỹ sư, chuyên gia công nghệ trên toàn cầu triển khai các dự án cho nhiều đối tác là các hãng xe hàng đầu thế giới.

Ảnh hưởng lạm phát và tỷ giá, FPT vẫn thu về hơn nửa tỷ USD từ nước ngoài - Ảnh 2.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT chia sẻ về cơ hội của FPT tại thị trường Hàn Quốc trong lễ khai trương văn phòng mới.

Có vẻ như FPT đang chuẩn bị mọi nguồn lực để tận dụng các cơ hội từ thị trường toàn cầu. Chỉ trong nửa đầu năm 2023, Công ty liên tiếp mở các văn phòng mới tại Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia. Trong đó, tại Nam Ninh, Trung Quốc, văn phòng mới nhắm đến tập khách hàng trong lĩnh vực Công nghệ ô tô và Sản xuất bán dẫn, tài chính - ngân hàng, chăm sóc sức khỏe tại Trung Quốc và trên toàn cầu. Tại Nhật Bản, Công ty mới mở văn phòng thứ 15 và mới đây đã ký thoả thuận với Honda nhằm phát triển các cơ hội công tác trong lĩnh vực quản trị dịch vụ công nghệ thông tin trên phạm vi toàn cầu. Còn văn phòng tại Hàn Quốc được kỳ vọng sẽ khai thác tốt các cơ hội từ nhu cầu rất lớn về phát triển các giải pháp công nghệ như công nghệ ô tô theo tiêu chuẩn AUTOSAR, Hệ thống Lập trình Ứng dụng (SAP), Công nghệ Low-code, Dịch vụ quản trị và Chuyển đổi số.

Cùng với việc mở rộng hệ thống văn phòng, FPT cũng tăng cường hoạt động M&A với thương vụ mua Intertec (Mỹ) hồi tháng 2 để khai thác cơ hội lớn từ thị trường các nước nói tiếng Anh. Theo báo cáo gửi nhà đầu tư, Công ty đã gia tăng các hợp đồng doanh số triệu USD với số lượng đơn hàng ký mới của công ty tăng 28,6% so với cùng kỳ, tương đương 15.017 tỷ đồng, trong đó có 13 dự án có quy mô trên 5 triệu USD.

Nếu tận dụng được cơ hội này, FPT sẽ tăng trưởng rất lớn và sẽ đem lại những giá trị “hạnh phúc” cho tập đoàn.

Kim Ngân

Nhịp Sống Thị Trường

Từ Khóa:
fpt
Trở lên trên