Ảnh: Những ngư dân cột hơn 10kg chì vào người, lặn xuống đáy sông Hàn mưu sinh ngày giá rét
Mặc cho cái lạnh như "cắt da, cắt thịt", những thợ săn bờm bợp ở Đà Nẵng vẫn cột 10 - 15kg dây xích chì vào người và lặn xuống đáy sông Hàn sâu hơn 4 mét để mưu sinh.
Trong cái giá lạnh thấu vào da thịt của mùa đông, hàng ngày những ngư dân làm nghề mò bờm bợp trên sông Hàn (Đà Nẵng) phải thức dậy từ rất sớm để bắt đầu một ngày mưu sinh bất chấp thời tiết mưa rét.
6 giờ sáng, bất chấp cái lạnh tê tái, họ lại mang theo dụng cụ và chiếc "thuyền" tự chế ra sông Hàn, bắt đầu ngụp lặn nhặt nhạnh từng con bờm bợp bé tí nằm sâu dưới lớp bùn non, bán kiếm tiền.
Ông Nguyễn Văn Ảnh (50 tuổi, trú tại phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) làm nghề thợ lặn đã gần 10 năm nay. Theo ông Ảnh, muốn làm cái nghề này, phải có sức khỏe tốt và kinh nghiệm. Quá trình lặn có thể xảy ra các sự cố như máy thở bị hỏng giữa chừng khi đang ở vị trí nước sâu. Do đó, nếu phát hiện nguy hiểm phải ngoi lên ngay, nếu không sẽ mất mạng.
Để "đáp" nhanh và ổn định dưới đáy sông, người thợ lặn không quên quấn quanh mình sợi xích chì nặng khoảng 10 đến 15 kg (tùy theo cân nặng của thợ lặn, mực nước, thủy triều,...). Đồng thời, ai cũng phải mặc thêm bộ áo mưa, bao tay, đi ủng chân để chống chọi với giá lạnh.
Chiếc bình nén khí được đặt trên thùng xốp sẽ cung cấp ôxy cho các thợ lặn thông qua đường ống thở được ngậm nơi miệng. Chiều dài của "đường ống sinh tử" này tùy thuộc vào khu vực, độ sâu mình lặn. Điều đó cũng có nghĩa mức độ rủi ro, tắc đường ống thở là rất cao; bởi chỉ một cái gấp khúc hay vướng phải lưới đánh cá, khúc gỗ mục trôi tự do trên sông thì lập tức sự sống của người thợ lặn sẽ bị đe dọa.
"Cuộc sống đời vạn lặn đối mặt với nhiều hiểm nguy và phải thật hết sức bình tĩnh khi xảy ra sự cố", ông Ảnh chia sẻ.
Câu chuyện đang dở dang, ông Ảnh đã mất hút dưới làn nước đục ngầu. Giữa dòng sông lạnh ngắt, chỉ còn những chiếc thùng xốp đựng bờm bợp và bình khí thở nổi lềnh bềnh.
Mỗi ngày, ông Ảnh và "đồng nghiệp" phải trầm mình trong làn nước lạnh buốt giá khoảng từ 5 - 8 độ C để có được những cân bờm bợp giá vài nghìn đồng lẻ. Do thời tiết giá rét nên môi, miệng ai cũng thâm tím, chân tay run bần bật,...
Bờm bợp là tên gọi người dân Đà Nẵng đặt cho sinh vật thân mềm có 2 mảnh vỏ màu đen, kích thước chừng ngón tay, sinh sống chủ yếu tại các vách đá, cọc tre vùng nước ngọt và lợ.
Anh Phan Thanh Trúc (44 tuổi, ngụ phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) cho biết, do bờm bợp ít thịt nên chủ yếu được đánh bắt để làm thức ăn cho tôm hùm. Trước đây, chưa có người thu mua loại hải sản này nên không ai đánh bắt. Chỉ ít năm gần đây, thương lái tìm mua nhiều nên người dân có thêm nghề mới.
Dưới đáy sông Hàn sâu hơn 4 mét, anh Trúc cố gắng "đánh hơi" vị trí những con bờm bợp đang bám. Khi thấy "hàng", anh dùng dụng cụ chuyên dụng đục từng con, bỏ vào rổ.
Sau khoảng 20 phút, anh Trúc ngoi lên mặt nước, trên tay ôm theo "chiến lợi phẩm". Hơn 5 năm kinh nghiệm lặn, anh đã quá quen với việc đi bộ dưới nước trong thời gian lâu như vậy.
"Chuyến này 'hàng' thưa quá bà ơi, chắc không bao nhiêu", anh Trúc vừa nói vừa cố hết sức đẩy chiếc rổ chứa đầy bờm bợp lên cho vợ đứng trên bờ. Mẻ này, ước tính anh thu được khoảng 20kg.
Ông Ảnh cho biết, bờm bợp sau khi được rửa sạch, sẽ bán lại cho thương lái với giá 3.500 đồng/kg. Hôm nay, ông làm khoảng 6 tiếng đồng hồ và lặn được khoảng 1 - 2 tạ, thu nhập 400.000 - 500.000 đồng.
"Đi làm mùa này cực lắm, sáng giờ lặn nhiều quá nên giờ cả người cứ cứng đơ, tay chân, môi miệng ai cũng nứt nẻ rớm cả máu nhưng phải cắn răng chịu đựng, chứ không làm thì lấy gì nuôi vợ con", 2 hàm răng va vào nhau cầm cập, ông Ảnh run run chia sẻ.
"Mùa đông nên nước sông lạnh lắm, mỗi lần lặn thường dài 10 - 15 phút, khi rổ đầy mới ngoi lên. Lúc lên thì cóng hết cả người. May tôi có mặc bộ đồ nhái trên người, tuy nó đã cũ rách nhưng lặn xuống nước cũng đỡ lạnh hơn", anh Trúc trải lòng.
Công việc lặn thường kết thúc vào 12 giờ trưa. Cái nghề vạn lặn nhọc nhằn, cực khổ là vậy, nhưng những thợ "săn" bờm bợp vẫn tươi cười sau một ngày miệt mài dưới đáy sông. Cứ thế, ngày mai họ lại dầm mình dưới nước để tiếp tục mưu sinh...
Trí Thức Trẻ