MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Anh rời EU, quốc gia nghèo bậc nhất thế giới gánh hậu quả

16-02-2017 - 16:05 PM | Tài chính quốc tế

Nằm cách những khu mua sắm sầm uất nhất của London tới 8.000 km nhưng quốc gia nghèo này đang phải gánh chịu những hậu quả nặng nề từ việc người dân Anh chọn rời Liên minh châu Âu (EU).

Bangladesh, các công ty sản xuất đồ may mặc thường tính các khoản chi phí bằng USD. Với những nhà bán lẻ Anh, phép tính này đang làm chi phí nhập khẩu hàng may mặc tăng lên vì đồng bảng đã giảm 16% giá trị so với USD kể từ khi người Anh chọn rời Liên minh châu Âu (EU). Khoản chi phí này được đổ lên đầu khách hàng trong khi các nhà cung cấp nỗ lực tìm nguồn cung thay thế.

Đối với Bangladesh, sự thay đổi này thực sự gây ra nhiều thiệt hại. May mặc chiếm 80% lượng hàng hóa xuất khẩu và Vương quốc Anh là thị trường lớn thứ 3 của Bangladesh. Fazlul Hoque, quản lý Plummy Fashions, thương hiệu cung cấp hàng may mặc cho Next Plc và Primark, nằm trong số những công ty gặp khó khăn nhất.

“Chúng tôi bị cuốn vào một cuộc chiến giá cả và chúng tôi đang phải làm nhiều thứ để giá thành sản phẩm thấp hơn. Thế nhưng, các nhà bán lẻ Anh đang gửi cho chúng tôi một thông điệp bi quan rằng tình hình có thể tệ hơn trong tương lai”, Hoque chia sẻ.

Hiện tại, nền kinh tế Bangladesh vẫn đang đứng vững nhưng luôn tồn tại những điều lo ngại. Hồi tháng trước, Trung tâm Đối thoại chính sách Dhaka cảnh báo những tác động tiêu cực của Brexit cũng như ảnh hưởng của nó tới khả năng tiếp cận thị trường của quốc gia này trong tương lai.


Đồng bảng Anh trượt giá so với USD sau khi người dân Anh chọn Brexit.

Đồng bảng Anh trượt giá so với USD sau khi người dân Anh chọn Brexit.

Liên Hợp Quốc từng xếp Bangladesh là một trong những nước kém phát triển nhất thế giới nhưng trong vài thập kỷ gần đây, quốc gia này đã có những bước tiến dài để chống lại đói nghèo. Dẫu vậy, thách thức vẫn còn với khoảng 47 triệu người đang sống dưới mức nghèo khổ.

Ngân hàng Thế giới dự báo Bangladesh sẽ có mức tăng trưởng 6,8 % trong năm tài khóa kết thúc vào ngày 30/6 tới, thấp hơn so với 7,1% của năm trước đó. Ngân hàng Trung ương thì dự báo mức tăng trưởng là 7,2%.

Những tác động về thương mại của đồng bảng yếu đã được nhìn thấy rõ. Tuy nhiên, Bangladesh có thể còn không được hưởng lợi từ các ưu đãi về thuế quan. Khi Anh rời EU, khả năng London loại bỏ những ưu đãi về thuế cho quốc gia Nam Á này sẽ rất cao.

Bharti Bhargava, nhà kinh tế học tại Oxford Economics, Singapore, cho biết: “Mối quan tâm của tôi là về những bất ổn mà Brexit có thể mang lại và một trong số đó là chấm dứt việc miễn thuế với các sản phẩm được sản xuất ở Bangladesh”.

Nền kinh tế Anh đang ổn định hơn so với dự đoán và Ngân hàng Anh đã cập nhật dự báo tăng trưởng và lạm phát. Đây là tín hiệu tốt cho lĩnh vực bán lẻ quần áo. Đồng USD có thể sớm xì hơi, giảm bớt áp lực với đồng bảng Anh. Sau đó, nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế với các mặt hàng sản xuất ở Trung Quốc, có thể các công ty sẽ phải tìm tới Bangladesh để có một mức giá rẻ hơn. Tuy nhiên, những điểm sáng vẫn còn nằm ở tương lai.

Linh Anh

Bloomberg

Trở lên trên