Bộ Công Thương áp thuế cao nhất 34,27% đối với một số sản phẩm thép phủ màu nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc
Sản phẩm thép bị điều tra thuộc các mã HS 7210.70.11, 7210.70.19, 7210.70.91, 7210.70.99, 7210.40.11, 7210.40.12, 7210.40.19, 7210.40.91, 7210.40.92, 7210.40.99, 7225.99.90, 7226.99.19, 7226.99.99.
- 11-06-2019Giá thép sẽ tăng mạnh do quặng sắt lên sát đỉnh 5 năm
- 03-06-2019Trung Quốc tham vọng gì khi tạo ra tập đoàn thép lớn nhất nhì thế giới?
- 01-06-2019Miễn trừ áp dụng biện pháp chống lẩn tránh với gần 9.500 tấn sản phẩm thép dài nhập khẩu của Công ty Thép Daeho Việt Nam
Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, ngày 18/6/2019, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1711/QĐ-BCT về việc áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm thép hợp kim hoặc không hợp kim cán phẳng, được mạ hoặc không mạ, được sơn có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc.
Theo đó, mức thuế CBPG tạm thời được áp dụng cho các doanh nghiệp xuất khẩu thép phủ màu của Trung Quốc là từ 3,45% đến 34,27% và của Hàn Quốc là từ 4,48% đến 19,25%.
Trước đó, Bộ Công Thương bắt đầu tiến hành vụ việc điều tra vào tháng 10/2018 trên cơ sở kết quả thẩm định Hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp CBPG của đại diện ngành sản xuất trong nước nộp vào tháng 8/2018.
Trải qua gần 8 tháng điều tra sơ bộ theo đúng quy định của Tổ chức Thương mại thế giới, Luật Quản lý ngoại thương và các quy định liên quan, Bộ Công Thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan xem xét và đánh giá kỹ lưỡng tác động của hành vi bán phá giá của hàng hóa nhập khẩu đối với hoạt động của ngành sản xuất trong nước, mức độ bán phá giá của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc cũng như xem xét, tính toán tác động đối với các ngành sản xuất hạ nguồn và người tiêu dùng các sản phẩm thép phủ màu.
Kết quả điều tra cho thấy, mặc dù biện pháp tự vệ dưới hình thức hạn ngạch thuế quan đang được áp dụng nhưng lượng hàng hóa nhập khẩu trong hạn ngạch có dấu hiệu bán phá giá với biên độ khá cao, từ 3,45% đến 34,27%, tiếp tục gây ra đe dọa thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất thép phủ màu trong nước.
Hành vi bán phá giá nói trên tiếp tục gây ra sức ép đáng kể cho các chỉ số hoạt động của ngành sản xuất trong nước, thể hiện ở các tiêu chí như: sản lượng sản xuất, lượng bán hàng, doanh thu, lợi nhuận, thị phần, hàng tồn kho có nhiều biến động trong giai đoạn điều tra, đặc biệt trong giai đoạn 7 tháng cuối năm 2018 đến nay, các chỉ số này đều cho thấy xu hướng suy giảm rõ rệt, rất nhiều các doanh nghiệp sản xuất trong nước thua lỗ, nhiều dây chuyền sản xuất phải ngừng hoạt động và số lượng lớn lao động đã phải nghỉ việc.
Trong thời gian tới, để đưa ra kết luận cuối cùng về vụ việc, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục làm việc với các bên liên quan, thẩm tra xác minh số liệu và tổ chức phiên tham vấn công khai để tất cả các bên có cơ hội bày tỏ ý kiến của mình, đồng thời đánh giá tác động toàn diện của vụ việc đến các bên liên quan, bao gồm cả người tiêu dùng cuối cùng. Vụ việc dự kiến sẽ kết thúc điều tra vào Quý IV năm 2019.
Nhịp sống kinh tế